Cơ hội cuối để có hiệp ước về phòng, chống đại dịch

Các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dành hai năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai, song cho đến nay vẫn chưa thể thống nhất về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh. Các chuyên gia cho rằng, thế giới cần tận dụng vòng đàm phán sắp tới và coi đó là cơ hội cuối cùng để xóa bỏ những bất đồng, cứu vãn hiệp ước về đại dịch.

Hiệp ước về đại dịch là gì?

Lãnh đạo các nước đều đi đến nhận thức chung rằng, một hiệp ước về đại dịch đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ tương lai chung của nhân loại. Chỉ có một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ về đại dịch mới có thể bảo vệ các thế hệ tương lai tránh khỏi nguy cơ lặp lại của cuộc khủng hoảng Covid-19, từng đưa đến những mất mát to lớn về con người, cũng như gây ra sự tàn phá kinh tế và xã hội trên diện rộng, đặc biệt là do sự hợp tác quốc tế chưa đủ.

Người phụ nữ đứng trước bức tường tưởng niệm các nạn nhân Covid-19 tại thủ đô London, Vương quốc Anh. Nguồn: Reuters

Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu trong cấu trúc y tế toàn cầu, góp phần khiến các quốc gia không được trang bị đầy đủ để ứng phó hiệu quả với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu.

Theo quan điểm của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, hiệp ước đại dịch sẽ là thỏa thuận lịch sử đối với an ninh y tế toàn cầu, mang đến cơ hội ngàn năm có một để tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên, giúp thế giới tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu một cách công bằng hơn, thông qua việc phát triển một cấu trúc y tế toàn cầu mạnh mẽ và linh hoạt trong thời kỳ đại dịch. Mục tiêu tổng thể của thỏa thuận là giúp thế giới “ngăn chặn, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch”, bao gồm các định nghĩa, nguyên tắc và các mục tiêu đầy khát vọng để cải thiện năng lực chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, chuỗi cung ứng và hậu cần, truyền thông, giám sát và thực hiện thỏa thuận.

Nhìn chung, Hiệp ước Đại dịch được coi là cơ hội để thiết lập khuôn khổ hợp tác quốc tế rõ ràng về vấn đề y tế toàn cầu, cũng như ngăn chặn kịp thời đại dịch trong tương lai. Những đại dịch trong quá khứ đã cho thế giới thấy rằng cần có sự sắp xếp rõ ràng cho tất cả các giai đoạn từ xác định và giám sát cho đến ứng phó với đại dịch, nhưng cũng rất cần những nỗ lực phòng ngừa đổi mới.

Tính cấp bách của việc đạt được thỏa thuận

Đồng Chủ tịch Cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB) Roland Driece cho biết, vòng đàm phán cuối đã lỡ mục tiêu hoàn chỉnh nội dung hiệp ước trước Lễ Phục sinh để 194 nước thành viên thông qua tại kỳ họp thường niên năm 2024 của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA), dự kiến khai mạc vào ngày 27.5 tới. Thay vào đó, các nước dự kiến tiến hành vòng đàm phán bổ sung từ ngày 29.4 - 10.5 tới tại trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva, Thụy Sĩ.

Theo đó, các điểm khúc mắc chính giữa các nước liên quan đến tài chính cho việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, tiếp cận mầm bệnh và chia sẻ lợi ích (PABS), quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và nghiên cứu và phát triển các sản phẩm liên quan đến đại dịch. Ngoài ra, một chủ đề gây tranh luận nữa là việc đưa vào Mục tiêu chung nhưng trách nhiệm khác biệt (CBDR), nhằm giải quyết các mối lo ngại về công bằng, bằng cách yêu cầu các nước giàu hơn thực hiện nghĩa vụ lớn hơn để giải quyết các mục tiêu chung trong việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch so với các nước nghèo hơn.

INB dự kiến soạn dự thảo mới trước ngày 18.4, trong đó tập trung vào những lĩnh vực đã đạt được sự đồng thuận của các nước. Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ đã tham dự các cuộc đàm phán lo ngại rằng, bản dự thảo sửa đổi cơ bản sẽ làm xáo trộn tất cả các chủ đề phức tạp đã và đang khiến thế giới không ít bị tổn thương trước đại dịch.

Bà Mohga Kamal-Yanni thuộc Liên minh vaccine Nhân dân lưu ý rằng, mặc dù các nước đều đề cập đến sự công bằng nhưng thực tế chưa thực sự thống nhất về biện pháp, khiến họ không thể đi đến sự đồng thuận. Hiện nay, các quốc gia giàu có vẫn chưa đề ra được những biện pháp cụ thể về hỗ trợ tài chính, nhằm tăng cường giám sát mầm bệnh, cũng như không đưa ra cam kết về chuyển giao công nghệ ngay cả đối với các sản phẩm được tài trợ công hoặc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với các công cụ ngăn ngừa bệnh như vaccine. Nếu tình trạng này không được cải thiện, những bất cập đã xảy ra trong đại dịch Covid-19 và trước đó là với đại dịch HIV, sẽ tái diễn.

Ông Roland Driece bày tỏ sự mong muốn các nước sẽ tận dụng vòng đàm phán này để thu hẹp những bất đồng và đi đến sự thỏa hiệp. Ông cho biết thêm, nhằm hướng tới một thế giới khỏe mạnh và công bằng, các nước sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đàm phán thành công, đặc biệt trong bối cảnh nhiều vấn đề trên thế giới hiện cần giới chính trị quan tâm như xung đột tại Ukraine, Dải Gaza và biến đổi khí hậu... Do đó, các nước cần có trách nhiệm duy trì trọng tâm và tính cấp bách của vấn đề y tế này.

Ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Cùng với nhóm châu Phi, cho đến nay Nhóm vì Công bằng gồm 31 quốc gia vẫn giữ vững lập trường trong việc cố gắng bảo đảm các nước đang phát triển không bị “lạc lối” một lần nữa. Nhóm mong muốn việc cấp quyền tiếp cận các mầm bệnh có khả năng gây đại dịch phải ngang bằng với việc nhận được sự chia sẻ lợi ích một cách công bằng và nhanh chóng, bao gồm cả giấy phép sản xuất các biện pháp đối phó đại dịch như vaccine ở các nước đang phát triển.

Đại diện đến từ Indonesia cho biết, một hiệp ước chỉ mang tính khoa trương chính trị không thể là kết quả của quá trình này, vậy nên các quốc gia thành viên cần có sự táo bạo, dũng cảm và chân thành để đạt được một hiệp ước hiệu quả và công bằng. Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Thế giới Thứ ba (TWN) K. M. Gopakumar cho rằng, quá trình đàm phán bắt đầu với cam kết công bằng là trọng tâm của hiệp ước này, và các quốc gia cần đặt những lo ngại về sức khỏe cộng đồng vượt lên trên tất cả những lợi ích về kinh tế và chính trị.

Ông Roland Driece cho biết: “Các chính phủ đã bày tỏ nỗ lực đạt được hiệp ước tại kỳ họp WHA tới, nhằm giúp thế giới khỏe mạnh hơn, công bằng hơn và an toàn hơn trước các đại dịch. Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối cùng và cam kết tối đa hóa các cuộc đàm phán còn lại để đạt được kết quả mà cả thế giới đều mong muốn”.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/co-hoi-cuoi-de-co-hiep-uoc-ve-phong-chong-dai-dich-i365271/