Có hay không việc trù dập giáo viên dạy giỏi ở Bà Rịa - Vũng Tàu?

Cơ quan chức năng Bà Rịa - Vũng Tàu đang vào cuộc làm rõ vụ giáo viên dạy giỏi ở Châu Đức bị ban giám hiệu nhà trường cắt hết thi đua và kỷ luật Đảng.

Ông Lê Văn Cương, giáo viên môn Tiếng Anh, trường THCS Quảng Thành, huyện Châu Đức, gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với mong muốn vụ việc được xử lý công tâm.

 Thầy giáo Lê Văn Cương từng đạt nhiều thành tích trong giảng dạy tiếng Anh. Ảnh: VOV.

Thầy giáo Lê Văn Cương từng đạt nhiều thành tích trong giảng dạy tiếng Anh. Ảnh: VOV.

Dùng điện thoại giảng dạy là sai?

Trong đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng huyện Châu Đức, ông Lê Văn Cương cho biết trong nhiều năm liền, từ 2014 đến 2018, ông được phòng GD&ĐT huyện Châu Đức trao chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện và được Chủ tịch UBND huyện này trao tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở vì thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy. Năm 2018, ông được sở GD&ĐT tỉnh trao chứng nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Theo ông Cương, trong 2 năm học (2018-2019 và 2019-2020), Ban giám hiệu trường THCS Quảng Thành đã thiếu khách quan, cố tình xử lý kỷ luật và “trù dập” đối với ông.

Cụ thể, ngày 14/6/2019, hiệu trưởng trường THCS Quảng Thành ra quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Cương vì cho rằng giáo viên này vi phạm một số nội quy của nhà trường (sử dụng điện thoại trong giờ học).

Ông bị cho rằng vi phạm đạo đức nhà giáo, quy chế chuyên môn, xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh.

Hiệu trưởng nhà trường cũng gửi “giấy triệu tập” yêu cầu ông Cương làm việc nhiều lần, xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo và tạm đình chỉ công tác, vì cho rằng ông vi phạm một số nội quy trên.

Trong đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng, ông Cương nêu rõ: Hiệu trưởng trường THCS Quảng Thành cho rằng ông sử dụng điện thoại có kết nối bluetooth để dạy kỹ năng nghe môn Tiếng Anh cho học sinh là vi phạm nội quy nhà trường. Tuy nhiên, ông nói đây là lý do chưa thuyết phục.

“Mặc dù bản thân tôi cũng biết là không được sử dụng điện thoại trong giờ học, tôi cũng đã giải thích rất nhiều lần trong cuộc họp, mục đích dùng điện thoại là dạy kỹ năng nghe trong tiếng Anh nhưng nhà trường không ghi nhận. Vấn đề này có cả đề án của Bộ GD&ĐT trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy”, thầy Cương cho biết.

Tìm hiểu về thiết bị giảng dạy của thầy giáo Cương qua một số học sinh của lớp 9A4 (2019- 2020), các em cho rằng với thiết bị giảng dạy của thầy Cương học sinh rất dễ hiểu, tiếp thu bài nhanh và sử dụng được ngay cả bị mất điện.

Em Lê Thị Kim Chi, học sinh lớp 9A4 (2019-2020), trường THCS Quảng Thành nói: “So với thiết bị của nhà trường, khi bị mất điện, máy không hoạt động được, còn thiết bị giảng dạy của thầy có thể hoạt động khi mất điện. Máy có thể kết nối với nhau, khi thầy dạy chỗ nào học sinh chưa hiểu thầy có thể dừng lại giảng cho học sinh".

Có việc trù dập?

Theo Ban giám hiệu trường THCS Quảng Thành, huyện Châu Đức, quy chế không cho phép giáo viên dùng điện thoại trong lớp đã được trường ban hành từ năm 2015-2016.

Điều này yêu cầu tất cả thầy cô trong trường phải thực hiện. Do đó, việc nhà trường ra quyết định kỷ luật và tạm đình chỉ công tác đối với ông Cương vì ông đã vi phạm quy chế chuyên môn, đã dùng điện thoại trong lúc giảng dạy chứ không phải lý do tư thù, trù dập cá nhân.

Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Đức, cho biết trong vụ việc này, thầy giáo Cương và nhà trường đều có sai phạm. Huyện đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra toàn bộ vụ việc, trong vài ngày tới, khi có kết quả thanh tra, sẽ xử lý cá nhân, tập thể vi phạm theo đúng quy định.

Về nội dung đơn kêu cứu của ông Cương, ông Đặng Bá Dũng, Chánh Thanh tra huyện Châu Đức, cho hay Phòng Giáo dục, Nội vụ và thanh tra huyện đang vào cuộc thanh, kiểm tra trách nhiệm đối với ban giám hiệu trường THCS Quảng Thành. Đến thời điểm này, việc thanh tra cơ bản đã kết thúc, bước đầu làm rõ các vi phạm của cá nhân, tập thể liên quan.

“Việc lấy căn cứ bên Đảng để xử lý về chính quyền là không đúng, đó là sai quy trình, nên huyện Châu Đức đã hủy toàn bộ quy trình đó. Nguyên tắc của đoàn thanh tra không phải đánh giá sai hay đúng mà quy trình làm sai thì phải hủy. Việc đánh giá chiến sĩ thi đua dựa vào nhiều tiêu chí chứ không chỉ dựa vào việc dạy giỏi, dạy chất lượng, mà còn phải dựa vào tiêu chí chấp hành chủ trương, chính sách…”, ông Dũng cho biết.

Có hay không việc trù dập một giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền? Vấn đề này sẽ được thanh tra huyện Châu Đức làm sáng tỏ và công bố trong vài ngày tới.

Là người trong cuộc, thầy giáo Lê Văn Cương mong rằng cơ quan chức năng cần có sự công tâm, khách quan để bản thân yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Gia Khang / VOV

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-hay-khong-viec-tru-dap-1-giao-vien-day-gioi-o-vung-tau-post1109203.html