Cô giáo Trần Thị Kính, người viết cổ tích giữa đời thường

Ở thị trấn Kế Sách (Kế Sách) người ta vẫn hay bắt gặp một hình ảnh quen thuộc, đó chính là một người phụ nữ ngoài tám mươi, cọc cạch với chiếc xe đạp cũ kỹ trở về nhà sau khi đã tạm hoàn thành xong một phần việc trong ngày. Hỏi ra mới biết cô là Trần Thị Kính, năm nay đã bước sang tuổi 84, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp An Thành và An Ninh, thị trấn Kế Sách.

Tiếp chuyện với cô, tôi càng trân quý hơn về những việc làm tưởng chừng rất bình thường nhưng đậm tính nhân văn của cô. Thời điểm những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào Khmer tại thị trấn Kế Sách vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều em nhỏ dù đủ tuổi đến trường nhưng phải chịu cảnh thất học vì phải theo cha mẹ lao động kiếm sống. Một số em còn sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cắp. Từ thực tế đó, dù hoàn cảnh gia đình chẳng khá giả gì nhưng cô Trần Thị Kính đã chủ động liên hệ với chính quyền địa phương và lãnh đạo ngành Giáo dục huyện Kế Sách xin mở lớp học tình thương cho các em.

Cô Trần Thị Kính bên những phần thưởng cao quý. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Cô Trần Thị Kính bên những phần thưởng cao quý. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Cô Kính chia sẻ: “Thời điểm đầu, việc tổ chức lớp học rất khó khăn, vì phần lớn các cháu đều là trẻ bụi đời, thiếu sự giáo dục của gia đình. Muốn các cháu vào lớp học thì phải để cho các cháu tin tưởng mình, thấy được vai trò của việc học đối với tương lai các cháu”. Vì lẽ đó, cô đã tìm đến từng hoàn cảnh, tìm hiểu, chia sẻ, động viên, giúp đỡ để các em an tâm đến lớp.

Từ một “bà già khó chịu” trong cái nhìn của nhiều ánh mắt trẻ thơ non nớt ban đầu, hình ảnh mẹ Kính, bà Kính dịu dàng như bà tiên trong cổ tích, nhiệt tình giảng dạy từng con chữ, bất kể ngày nắng hay mưa, dù lớp học chỉ có một, hai học sinh đã ăn sâu vào trong tim, trong óc của bao thế hệ học trò nghèo, bất hạnh trong lớp học tình thương tại thị trấn Kế Sách hơn 20 năm qua.

Tuổi cao nhưng chí không già, cô Trần Thị Kính luôn thấm nhuần lời dạy của Bác đối với người cao tuổi: “Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với hàng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”. Đó chính là động lực để cô tiếp tục hóa thân thành một cánh én nhỏ, góp phần dệt nên mùa xuân cho cuộc đời.

Từ năm 2002, bên cạnh việc tham gia sinh hoạt trong Chi hội Người cao tuổi, cô Trần Thị Kính còn là thành viên của Chi hội Phụ nữ ấp An Thành. Dù tuổi đã cao nhưng cô luôn tích cực trong mọi hoạt động phong trào hội, từ việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đến việc vận động kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc người già neo đơn, trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Dù ngày nắng hay ngày mưa, dù sớm hay tối, hễ nơi nào có người cần giúp đỡ là nơi ấy có cô.

Đặc biệt, trong thời gian cả nước chống chọi với đại dịch Covid-19 hoành hành, cô Trần Thị Kính không dừng bước trên hành trình giúp người của mình. Cô chia sẻ: “Dịch bệnh là nguy hiểm thật, nhưng nếu ai cũng có ý thức phòng chống thì chắc chắn nó sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt. Thời gian này, mình càng phải hoạt động tích cực hơn nữa, bởi việc tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm ngừa cho phụ nữ đang mang thai đâu thể chờ đến hết dịch mới làm. Mình phải đến tận nhà nhắc nhở, sẵn đó phát khẩu trang rồi hướng dẫn cho họ ý thức phòng, chống dịch bệnh, một công đôi ba chuyện, cực một chút nhưng vui”. Và có lẽ, chính niềm vui trong cái vui chung của bao người đã thôi thúc cô tiếp tục viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Với những đóng góp cho xã hội, năm 1997, cô Trần Thị Kính được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam; cô còn nhận được bằng khen của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, là tấm gương sáng trong phong trào “tuổi cao - gương sáng” và nhiều giấy khen của các sở, ngành, địa phương.

QUÁCH TẤN THUẦN

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/co-giao-tran-thi-kinh-nguoi-viet-co-tich-giua-doi-thuong-49615.html