Cô giáo tiếng Anh đam mê bài chòi

Tại trại sáng tác do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên tổ chức ở Tam Đảo mới đây, văn nghệ sĩ thích thú khi nghe một nghệ nhân hát bài chòi bằng tiếng Anh. Đó là nghệ nhân Hoàng Cầm, hội viên Chi hội Sân khấu, giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An).

Nghệ nhân Hoàng Cầm. Ảnh: YÊN LAN

1. Bản bài chòi Phu Yen in my heart (Phú Yên trong tim tôi) được Hoàng Cầm sáng tác lời theo làn điệu xàng xê dựng. Lời hát chứa đựng tình cảm, niềm tự hào của một người con đối với quê hương và phác họa bức tranh Phú Yên xinh đẹp:

Phu Yen is beautiful

Many tourists come here every day

Many tourists come here

Admire the first pretty sunshine

Mui Dien which stands by

Blue sea, white beach is nice with fresh air

Come here you visit Hon Chua,

Vung Ro, Hon Yen, Hon Nua Wonders

Da Dia grift, Nhan Tower

are in my heart, I always remember...

Về sự ra đời của Phu Yen in my heart, nghệ nhân Hoàng Cầm kể: “Một lần, tôi gặp nhạc sĩ Tấn Phát, nhà báo Tấn Bổn và một số nghệ sĩ. Khi biết tôi là giáo viên tiếng Anh, anh Tấn Bổn gợi ý tôi sáng tác lời mới bài chòi bằng tiếng Anh để biểu diễn trong những chương trình phục vụ khách du lịch quốc tế. Chúng ta hát bài chòi bằng tiếng Anh cũng là một cách quảng bá quê hương mình với bạn bè quốc tế. Vậy là tôi viết”.

Lời bài chòi được viết theo thể thơ lục bát, từ đó có thể hát theo bốn làn điệu cơ bản mà các nghệ nhân bài chòi xưa đã sáng tạo ra: Xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hò Quảng. Sáng tác lời mới bài chòi bằng tiếng Anh rất khó, vì tiếng Anh không có vần điệu.

Phu Yen in my heart được Hoàng Cầm hoàn thiện tại trại sáng tác ở Tam Đảo. Văn nghệ sĩ Phú Yên là những người thưởng thức đầu tiên.

2. Nguyễn Thị Hoàng Cầm thừa hưởng niềm đam mê nghệ thuật từ cha chị - một nông dân biết chơi guitar và sáng tác tân nhạc, lại được trời cho chất giọng ngọt ngào. Khi chị vừa tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, chương trình “Làng vui chơi, làng ca hát” đến với Phú Yên. Lúc bấy giờ, sân chơi này được bạn nghe đài và khán giả truyền hình rất yêu thích. “Làng vui chơi, làng ca hát” diễn ra tại Đền thờ Lê Thành Phương (xã An Hiệp, huyện Tuy An); đội xã An Hòa lúc bấy giờ giành chiến thắng. Hoàng Cầm nhớ lại: “Trước đó, chú Phụng Kỳ (nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Phụng Kỳ - PV) viết tiểu phẩm ca kịch bài chòi về Danh nhân Lê Thành Phương. Anh Nam được giao đóng vai Lê Thành Phương, tôi đóng vai Phan Thị Mỹ, phu nhân Lê Thành Phương. Chú Năm Dũng ở Yến và chú Đông ở An Hiệp tập hát. Đó là lần đầu tiên tôi tập hát bài chòi”.

“Làng vui chơi, làng ca hát” khép lại, song con đường nghệ thuật dần mở ra với cô giáo trẻ Hoàng Cầm. Nhận thấy chị có chất giọng và hát bài chòi được, các nghệ nhân ở Tuy An nhiệt tình hướng dẫn. “Hồi đó, tôi nghe các chú hát rồi bắt chước hát theo. Tôi rất thích nghe bài chòi cổ, vì nó ngọt và sâu lắng, càng nghe càng thấm”, Hoàng Cầm chia sẻ.

Chị tham gia CLB Bài chòi Tuấn Minh do NNƯT Tuấn Minh thành lập. CLB sinh hoạt định kỳ hai tuần một lần, người đi trước chia sẻ, chỉ bảo người đi sau, trao truyền và lan tỏa niềm đam mê. Nghệ nhân Hoàng Cầm cảm nhận: “Bài chòi rất gần gũi với người dân. Những câu ca dao, thơ lục bát đều có thể hát lên thành bài chòi”. Đó là những câu hát đi từ đời sống, mang vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi của đời sống.

Tại CLB Bài chòi Tuấn Minh, giọng hát của Hoàng Cầm được rèn giũa nên ngày càng ngọt ngào, tình cảm.

Ngoài việc biểu diễn tại Tuy An, một số thành viên CLB Bài chòi Tuấn Minh - trong đó có Hoàng Cầm - còn tham gia biểu diễn cùng Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển trong những sự kiện lớn, hay những đợt biểu diễn phục vụ bà con tại các địa phương trong tỉnh.

Không chỉ biểu diễn bài chòi, nghệ nhân Hoàng Cầm còn sáng tác, dàn dựng nhiều tiểu phẩm ca kịch bài chòi, góp phần để các đơn vị ở Tuy An và đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Tuy An đoạt giải cao trong các hội thi, hội diễn. Đặc biệt, nghệ nhân sinh năm 1978 này còn truyền lửa cho các em học sinh có năng khiếu văn nghệ. Hoàng Cầm đã tận tình tập cho học sinh hát bài chòi để tham gia các tiểu phẩm ca kịch tuyên truyền trong học đường.

Nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, cảm nhận: “Hoàng Cầm hát khá tốt, biểu diễn tốt. Đặc biệt, cô ấy còn sáng tác, dàn dựng các tiểu phẩm ca kịch bài chòi. Hoàng Cầm cực kỳ đam mê. Cô ấy là giáo viên dạy tiếng Anh. Có lẽ niềm đam mê sân khấu trong cô ấy cũng không kém niềm đam mê nghề giáo”.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/307041/co-giao-tieng-anh-dam-me-bai-choi.html