Có giảm tải cho TAND các cấp từ 'Thừa phát lại'?

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của "Thừa phát lại" thực hiện thí điểm tại TP HCM.

Nghị định này sẽ có hiệu lực từ 9/9/, quy định về khái niệm Thừa phát lại, văn phòng Thừa phát lại; phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát đối với hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP HCM. Có Thừa phát lại, Thư ký tòa án sẽ giảm bớt việc tống đạt các văn bản của tòa án. Ảnh: A.N Theo Nghị định này, Thừa phát lại (theo tiếng Pháp là Huissier) được giải thích là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật. Những việc thừa phát lại không được làm Nghị định quy định Thừa phát lại không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép; không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình không được nhận làm những việc liên quan đến quyền lợi, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, cha đẻ, mẹ đẻ... Công việc Thừa phát lại được làm theo qui định của Nghị định này là: thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án. Để được công nhận là Thừa phát lại, người làm công việc này phải trung thực, khách quan khi thực hiện công việc; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; quy chế tổ chức, hoạt động và đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình. Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên quy định tại Điều 20 của Luật thi hành án dân sự, trừ khoản 9, khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Riêng việc cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng bảo vệ, áp dụng quy định tại Điều 40 của Nghị định này. Hiện nay, việc tống đạt các văn bản, quyết định tố tụng của tòa án như giấy triệu tập đương sự, thực hiện lệnh kê biên tài sản, quyết định đưa vụ án ra xét xử.., do thư ký tòa án thực hiện. Do lượng án ở TP HCM quá lớn (khoảng 1/3 lượng án cả nước) nên quá tải đối với thư ký tòa án, ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng. Thừa phát lại được thí điểm sẽ phần nào giảm được công việc cho cán bộ tòa án các cấp. Việc thí điểm Thừa phát lại sẽ giúp người dân có điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong các quan hệ dân sự thông qua chức năng lập vi bằng. Điều này, giúp cho việc thực hiện các qui định của pháp luật tố tụng dân sự (đương sự có trách nhiệm cung cấp chứng cứ cho tòa án) trong các quan hệ tranh chấp dân sự được tốt hơn. Trước năm 1975, ở miền Nam từng có chế định Thừa phát lại, với 18 Thừa phát lại thực thụ và 18 thư ký trưởng (người tập sự hành nghề Thừa phát lại). Khánh Tuệ

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/phapluat/Co-giam-tai-cho-TAND-cac-cap-tu-Thua-phat-lai/20097/51484.datviet