Có gì trong Hiệp ước Biển cả mà Liên Hợp quốc vừa thông qua?

Hiệp ước quốc tế đầu tiên trên thế giới về bảo vệ vùng biển chung đã được thông qua tại Liên Hợp quốc rạng sáng 20/6 (giờ Việt Nam), tạo ra một hiệp định môi trường mang tính bước ngoặt trong vấn đề bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng với nhân loại.

Rặng san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef. Ảnh: Reuters

Sau hơn 15 năm thảo luận, bao gồm 4 năm đàm phán chính thức, các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc (LHQ) cuối cùng đã đồng ý về nội dung văn bản của hiệp ước được đưa ra hồi tháng 3 năm nay. Quá trình này là để các luật sư và dịch giả của LHQ có thời gian nghiên cứu và đảm bảo tính thống nhất giữa 6 ngôn ngữ chính thức của cơ quan này.

Với tên chính thức là "Hiệp ước về Đa dạng sinh học ngoài phạm vi quyền hạn quốc gia" (BBNJ), Tổng thư ký Antonio Guterres ca ngợi đây là một "thành tựu lịch sử" sẽ thiết lập một khuôn khổ pháp lý để mở rộng các biện pháp bảo vệ môi trường tới các vùng biển quốc tế - hiện chiếm hơn 60% diện tích các đại dương trên thế giới.

Hiện nay, các nhà khoa học đã sớm nhận ra tầm quan trọng của các đại dương, nơi tạo ra đa phần lượng oxy mà các sinh vật trên trái đất hít thở, đồng thời hạn chế biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ CO2, và cũng là nơi lưu trữ các khu vực đa dạng sinh học phong phú. Nhưng với rất nhiều đại dương trên thế giới nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của mỗi quốc gia, việc bảo vệ cái mà LHQ gọi là "Biển cả" đó đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế.

Một công cụ quan trọng trong Hiệp ước BBNJ sẽ giúp các khu vực biển được bảo vệ trong vùng biển quốc tế.

Hiệp ước được coi là rất quan trọng đối với các quốc gia bảo vệ 30% đại dương và vùng đất của thế giới vào năm 2030 - đã được các chính phủ trên thế giới đồng ý trong một hiệp định lịch sử khác từng đạt được tại Montreal vào tháng 12 năm ngoái.

"Chúng ta đang tạo cho mình công cụ để đạt được Mục tiêu 30%" - theo ông Herve Berville, nhà Ngoại giao hàng đầu của Pháp về biển. Ông kêu gọi các quốc gia khẩn trương phê chuẩn để Hiệp định Biển cả có thể có hiệu lực tại Hội nghị Đại dương của LHQ tiếp theo tại Nice, Pháp, vào tháng 6/2025.

BBNJ cũng đưa ra các yêu cầu để thực hiện các nghiên cứu tác động môi trường đối với các hoạt động được đề xuất thực hiện ở vùng biển quốc tế. Những hoạt động như vậy, mặc dù không được liệt kê trong văn bản, sẽ bao gồm từ đánh bắt cá và vận tải hàng hải, đến những mục tiêu gây tranh cãi hơn như khai thác mỏ dưới biển sâu hoặc thậm chí là các chương trình địa kỹ thuật nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Hiệp ước cũng thiết lập các nguyên tắc chia sẻ lợi ích của "nguồn gen biển" (MGR) được thu thập bởi nghiên cứu khoa học ở vùng biển quốc tế - một điểm bế tắc mấu chốt trong các cuộc đàm phán tháng 3 năm nay.

Các nước đang phát triển thường không có nguồn kinh phí để tài trợ cho những chuyến thám hiểm như vậy. Họ đã đấu tranh để giành quyền chia sẻ lợi ích, hy vọng không bị bỏ lại phía sau bởi điều mà nhiều người coi là "thị trường tương lai khổng lồ" một khi thương mại hóa MGR, đặc biệt là bởi các công ty dược phẩm và mỹ phẩm.

Hiệp ước sẽ chính thức mở để ký vào ngày 20/9 tới, khi hàng chục nguyên thủ quốc gia sẽ có mặt tại New York tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hiện chưa rõ bao nhiêu quốc gia sẽ quyết định tham gia.

Các tổ chức phi chính phủ tin rằng có thể đạt được ngưỡng 60 nước phê chuẩn cần thiết để hiệp ước có hiệu lực. Hiện đã có khoảng hơn 50 quốc gia là thành viên của tổ chức thúc đẩy BBNJ, bao gồm cả những nước thuộc Liên minh châu Âu, cùng các quốc gia như Chile, Mexico, Ấn Độ và Nhật Bản.

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-gi-trong-hiep-uoc-bien-ca-ma-lien-hop-quoc-vua-thong-qua.html