Có gì sau phía chân trời: Niềm vui chân phương của Nguyễn Trí Thông

Tác giả Có gì sau phía chân trời (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành tháng 2-2024) Nguyễn Trí Thông tự nhận dí dỏm trong sách anh là 'một nô lệ công sở được dịp sổ lồng tung tăng tí chút khi tuổi đã trung niên'. Anh đi vòng quanh 23 quốc gia trên thế giới trong năm 2023 rồi sẻ chia trải nghiệm qua sách.

Tác giả Nguyễn Trí Thông tặng sách cho trẻ em bộ lạc bán du mục Dasenech ở Ethiopia

Du ngoạn với Nguyễn Trí Thông - cựu thành viên bút nhóm Vòm Me Xanh một thời của Báo Mực Tím, như một cách kể “tận hưởng niềm vui giản dị chân phương”. Những trải nghiệm, cảm xúc lang thang từ Đông Á, Nam Á sang Tây Âu, Đông Âu, rồi Mỹ Latin và Đông Phi được Trí Thông kể lại chân thành, giản dị, hồn hậu như một phần tính cách ngoài đời của anh.

* Thấu hiểu, tôn trọng những khác biệt

Dù là tự đi khám phá kiểu solo travel (đơn độc một mình) hay đồng hành cùng vợ rồi cùng con trai, “nhật ký” của một người lữ hành như Thông không chỉ mở ra cho độc giả từng điểm đến, từng nhân vật địa phương thú vị, mà còn là sự thấu hiểu, khả năng chấp nhận và tôn trọng những khác biệt. Đó chính là yếu tố quan trọng và cần có đối với một người du ngoạn tự nhận là “thuộc tuýp ưu tiên trải nghiệm sự phong phú đa dạng muốn đi nhiều nơi, thấy nhiều thứ” như tác giả.

Nguyễn Trí Thông là thạc sĩ quản trị thương mại quốc tế, đã đặt chân đến tổng cộng 47 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thông qua các chuyến công tác, du lịch cùng gia đình hoặc “ta balô” đi một mình.

Thật vậy, người đọc Có gì sau phía chân trời được tác giả dẫn đến từ phố thị đến thôn quê, từ rừng núi ra bờ biển, từ vùng băng tuyết lạnh giá sang thảo nguyên khô cằn hay sa mạc hoang vu. Và ở mỗi nơi chốn, Trí Thông luôn có những kỷ niệm tản mạn, sự chiêm nghiệm, suy tư riêng về những vùng đất, tâm hồn con người không phân biệt màu da, tập tục văn hóa, lối sống…

Nhà thơ Thục Linh - Trần Vương Thuấn trong lời giới thiệu ở đầu sách đã bình luận rằng Trí Thông “không đưa ra kiến giải, lời khuyên nào, chỉ rủ rê người đọc vào một cuộc du hành không kết cục, lữ khách trao cho chúng ta những câu hỏi? Những câu hỏi về thế giới và về chính chúng ta”. Nếu như hành trình lang thang nhìn ngắm và tìm hiểu về thế giới của Trí Thông là “hành trình của lữ khách để tìm về bên trong mình” thì bạn đọc sách cũng có dịp “nhìn vào bên trong mình” như tác giả và tiếp tục mở ra “những câu hỏi gợi thêm ngàn câu hỏi”.

* “Tôi biết tôi sẽ còn phải đi tiếp”

Trao đổi với Đồng Nai cuối tuần, tác giả Nguyễn Trí Thông cho biết anh sẽ tiếp tục những kế hoạch tìm hiểu và khám phá tiếp theo, ví dụ như “nếu có dịp được quay trở lại, tôi muốn trở lại Ấn Độ. Đất nước rộng lớn này hấp dẫn tôi bởi bề dày lịch sử, những trải nghiệm tôn giáo và văn hóa đặc sắc, và, nói thì nghe hơi khó tin song tôi mê sự hỗn loạn rối bời kỳ dị của nó”.

Bìa sách Có gì sau phía chân trời

Trong các chuyến rong ruổi nhiều tháng trời, Trí Thông gặp rất nhiều lữ khách không phân biệt nam nữ, già trẻ trên đường đi. “Vậy nên tôi nghĩ tuổi tác hay giới tính chưa bao giờ là rào cản, miễn niềm đam mê xê dịch trong ta đủ lớn. Tôi hơi tiếc là mình chưa sắp xếp được thời gian để có thể đi liền mạch trong một khoảng thời gian dài hơn, có được những trải nghiệm sâu hơn và đủ nhân duyên gặp gỡ những con người thú vị hơn. Nhưng không sao, tôi biết tôi sẽ còn đi tiếp, nơi những chân trời mở rộng khác trải ra bát ngát đang chờ mình”.

Có một câu chuyện gia đình cảm động trong sách khi Trí Thông kể lại kỷ niệm anh và cậu con trai tuổi teen tên Quân cùng đi qua nhiều nước châu Phi. Khi cùng đứng ngắm ánh hoàng hôn tuyệt đẹp nơi con đường có những cây bao báp khổng lồ mọc sừng sững ở Morondava (quốc đảo Madagascar), hai cha con anh đã “lặng lẽ khoác vai nhau rồi ôm nhau một cái thật chặt”. Đó là điều mà anh từng nghĩ sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng nó lại thành hiện thực hết sức tự nhiên như tình cảm cha con vốn phải là.

Tác giả cùng con trai chinh phục núi Kilimanjaro ở Tanzania

“Tôi biết chúng tôi vẫn còn nhiều thứ cần phải giải quyết cùng nhau, như một chặng hành trình dài vẫn cần phải đi phía trước. Ở cuối hành trình đó, như mọi cuộc hành trình, sẽ lại là một chân trời gợi mở chờ đón chúng tôi” - Trí Thông viết đầy hạnh phúc.

* “Ôi thời gian, giá mà tôi có thêm thời gian” - anh viết như vậy trong sách, phải chăng hàm nghĩa tiếc nuối hay nung nấu thêm điều gì đó sau những chuyến đi?

- Chuyến đi năm 2023 ít nhiều thay đổi suy nghĩ của tôi về cách sống một cuộc đời. Quay lại đời sống công sở cũng là một lựa chọn, nhưng không phải lựa chọn duy nhất. Tôi đã sẵn sàng tâm thế cho những cuộc khám phá đến những vùng đất mới. Đó có thể là vùng đất địa lý hoặc vùng đất tri thức, nơi mang đến cho tôi niềm say mê không dứt vì những trải nghiệm khác lạ. Là người có gia đình, đương nhiên tôi cũng cần sắp xếp chu toàn những trách nhiệm và bổn phận cần thiết, nhất là về tài chính. Dù sao tôi vẫn thích sự cân bằng nhất định giữa “cái tôi” và “cái ta”. Tôi luôn khuyến khích mọi người hãy mạnh dạn bước tới để sống cuộc đời của mình, nhưng trên một nền tảng hiểu biết và chuẩn bị thấu đáo. Tôi thích sự ngẫu hứng, nhưng lại không ưa sự bốc đồng, xốc nổi, liều lĩnh. Cũng có thể, tôi đã đi qua những năm tháng trẻ trung mất rồi.

Trung Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202402/co-gi-sau-phia-chan-troi-niem-vui-chan-phuong-cua-nguyen-tri-thong-0e04f57/