Có gì bất thường ở PNC?

Mới đây một loạt thành viên lãnh đạo CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) đã đăng ký bán sạch 16,85% cổ phần PNC. Thời điểm bán sạch cổ phần lại trùng đúng lúc tạm hoãn tổ chức Đại hội cổ đông bất thường lần 3 của PNC. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bán sạch cổ phần là một trong những bước đi đầu tiên để tái cơ cấu lại PNC

Có gì bất thường ở cổ phiếu PNC?

Trong thời gian qua, PNC đã gây nhiều sự chú ý tới từ các nhà đầu tư do nội bộ lục đục. Điều này đã được khẳng định trong báo cáo tổng kết năm 2016 và kế hoạch kinh doanh năm 2017, ban lãnh đạo PNC đã nêu ra điểm yếu của doanh nghiệp này là “việc tranh giành quyền lợi và nảy sinh mâu thuẫn giữa một nhóm cổ đông lớn với các cổ đông nhỏ đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh tiếng của thương hiệu PNC, gây ra một số bất lợi đối với hoạt động kinh doanh của Công ty”.

Trong những năm qua, ĐHCĐ của PNC luôn xảy ra những trục trặc, do các cổ đông lớn không thông qua đa số, thậm chí không thông qua bất kỳ nội dung nào được trình tại Đại hội, hoặc không đủ tỷ lệ cổ đông đại diện cho cổ phần có quyền biểu quyết theo luật định để tiến hành Đại hội. Việc nội bộ lúc đục được giới chuyên gia cho rằng chính là một phần nguyên nhân dẫn đến việc PNC bị tạm ngưng giao dịch, bị kiểm soát, bị cảnh báo vì vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường.

Lục đục nội bộ đã từng đẩy cổ phiếu PNC chạm đáy vào ngày 24/7/2017, khi đó cổ phiếu PNC có giá 9.010 đồng/cổ phiếu. Nhưng sau đó, cổ phiếu này đã làm giới đầu tư "giật mình" khi tăng giá liên tiếp, tăng tới 155% đạt mức 23.000 đồng/cổ phiếu (25/9). Hiện PNC đang ở mức giá 23.500 đồng/cổ phiếu (23/10).

Điểm bất thường của PNC nằm ở chỗ khi giá cổ phiếu bất ngờ tăng lên, thì cả 5 thành viên HĐQT và 2 thành viên Ban Kiểm soát bao gồm cả Chủ tịch HĐQT và Trưởng Ban Kiểm soát cùng người nhà đã đăng ký bán sạch 16,85% cổ phần PNC, từ ngày 20/10 đến ngày 14/11/2017, cùng lý do giải quyết công việc riêng. Việc này diễn ra trùng vào thời điểm tạm hoãn tổ chức ĐHCĐ bất thường lần 3, dự định là ngày 17/10/2017.

Việc hàng loạt lãnh đạo PNC bán hết cổ phần được một số chuyên gia cho rằng có liên quan tới việc PNC sẽ tái cơ cấu lại cổ đông trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư nào sẽ thâu tóm PNC trong thời gian tới vẫn là dấu chấm hỏi.

Hiện nay, khoản đầu tư của PNC tại Megastar (CGV) được giới chuyên môn đánh giá là khoản đầu tư sinh lời nhất của công ty. Hiện PNC đang sở hữu 20% tại CGV. Tính đến cuối năm 2016, Megastar đã nâng tổng số cụm rạp tại Việt Nam lên 38 cụm với 247 phòng chiếu. Năm 2016, Megastar ghi nhận gần 93,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Giới phân tích cho rằng, khoản đầu tư của PNC vào CGV chính là miếng bánh hấp dẫn các nhà đầu tư vào PNC trong thời gian tới.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/co-gi-bat-thuong-o-co-phieu-pnc-118797.html