Cô gái trẻ với đam mê phiêu lưu khám phá: 'Mọi cuộc gặp gỡ trên đời đều có thể thay đổi con người chúng ta'

Giữ vững tinh thần ham học hỏi từ thuở bé, Trần Tú Anh (sinh viên năm 3 ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội) nung nấu ý chí được đặt chân đến nhiều vùng đất mới và khám phá thế giới xung quanh. Cô sinh viên 20 tuổi đã có một năm 2023 xông pha hết mình đầy nhiệt huyết. Sau những chuyến đi xa, Tú Anh đã nhận lại được vô số trải nghiệm, bài học cực kỳ quý giá và đáng nhớ.

Trần Tú Anh (2003, quê Bắc Ninh), đang theo học ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Niềm đam mê khám phá, tìm tòi đã “ăn sâu vào máu”

Chia sẻ trong buổi trò chuyện, Tú Anh tự nhận ngay từ bé trong lòng mình đã ấp ủ khát khao được đi đó đây: “Hồi nhỏ mình đã tự đi thăm thú nơi mình sống và dần nắm rõ tất cả các con đường trong thôn. Sau giờ học mình cũng có thói quen tìm ra các con đường khác nhau dẫn về nhà, thời đó không có Google Maps, cũng không được ai hướng dẫn cả. Mình cứ rẽ chỗ này chỗ kia xem nó dẫn mình tới đâu, chẳng quan tâm liệu có bị lạc hay không.”

Thói quen tự mình khám phá mọi nơi của Tú Anh được hình thành từ đấy. Cô bạn có thể rong ruổi trên khắp nẻo đường từ sớm tinh mơ đến tối muộn, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời và niềm hạnh phúc của “tự do”. Dường như trái tim đam mê khám phá cùng lòng dũng cảm bẩm sinh đã thôi thúc cô bạn cung Nhân Mã này vượt qua những khó khăn thách thức, để luôn sẵn sàng “xách ba lô lên và đi”.

Không chỉ vậy, với tôn chỉ “Stay Hungry, Stay Foolish” (Tạm dịch: Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ), Tú Anh luôn giữ sự hiếu kỳ trước những điều mới mẻ. Những năm phổ thông, cô bạn gây ấn tượng trong lòng thầy cô và bạn bè với số lượt giơ tay phát biểu nhiều nhất lớp, cùng những câu hỏi nghe tưởng chừng “vô tri” nhưng đôi khi sẽ giúp chính Tú Anh và mọi người “giác ngộ” và hiểu hơn vấn đề. Chính việc không ngại hỏi ấy đã rèn cho Tú Anh sự tự tin khi bước vào giảng đường đại học: “Nếu ở cấp 3 mình cứ ngại, cứ sợ mọi người đánh giá thì lên đại học mình không thể nào mạnh dạn như bây giờ. Những câu hỏi ngây ngô hồi trước là nền tảng để mình biết cách khai thác vấn đề và hỏi những câu hỏi sâu hơn.”

Tú Anh (đeo kính) tự tin phát biểu trước mọi người.

Vượt qua ranh giới quen thuộc để vươn tới những khoảng trời mới

Bắt đầu từ phạm vi thôn làng nhỏ bé, theo quá trình trưởng thành, Tú Anh dần in dấu chân của mình lên những vùng đất rộng hơn, xa hơn thế: quanh huyện, quanh tỉnh, rồi đến những vùng miền trên Tổ quốc và bước ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. 2023 là năm đánh dấu những trải nghiệm mới tinh trong đời cô gái trẻ: lần đầu đi máy bay, lần đầu vào miền Nam và lần đầu ra nước ngoài.

“Có một mẩu chuyện vui thế này, đầu năm 2023 mình đi xem tử vi và được bảo rằng năm nay mình sẽ đi nhiều lắm. Lúc đó mình cũng hơi hy vọng, nhưng không ngờ lại được đi nhiều đến vậy”, Tú Anh hóm hỉnh chia sẻ cùng chuyên trang Sinh Viên Việt Nam. Hành trình năm 2023 mở đầu bằng chuyến đi thiện nguyện trên Sơn La, tiếp nối bằng cuộc du xuân kéo dài một tuần, sau đó là chuyến đi trao đổi trên đất Thái, rồi cơ hội được đặt chân đến Trường Đại học Fulbright Việt Nam và 1 tháng làm thực tập sinh nông nghiệp trong một trang trại ở Khánh Hòa.

Với Tú Anh, chuyến đi trao đổi tại Đại học Mahidol (tại Salaya, nằm trong vùng đô thị Bangkok, Thái Lan vào tháng 3 năm nay chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Cơ hội này đến từ chương trình học bổng ASEAN IN TODAY’s WORLD 2023 dành cho sinh viên bậc Đại học trên khắp thế giới. Đây là một chương trình nghiên cứu quốc tế kéo dài hai tuần tập trung vào các vấn đề ở Đông Nam Á và Đông Á. Trong hai tuần đó, Tú Anh đã tham gia học môn Đa văn hóa và Tiếng Thái. Bên cạnh việc trải nghiệm cuộc sống tại nước bạn, Tú Anh còn được tiếp xúc với nhiều cá nhân đến từ các trường đại học khác ở Việt Nam và trong khu vực.

“Ở môn Đa văn hóa, hôm nào chúng mình cũng phải làm việc nhóm. Mọi người sẽ ngồi cùng nhau thảo luận về các vấn đề do giảng viên hay các bạn trong lớp đưa ra. Các thành viên đều đến từ các nền văn hóa khác nhau và hoàn cảnh riêng biệt, việc này đã tạo nên những góc nhìn thú vị và đa chiều. Mình được mở mang hơn, không chỉ về kiến thức mà còn về góc nhìn và lối tư duy.” Tú Anh hào hứng kể lại trải nghiệm học tập bên Thái của mình. “Mình gặp được những bạn Philippines và Malaysia vô cùng tự tin thể hiện bản thân. Ở các bạn có sự tự tin mà mình chưa từng thấy bao giờ, và mình cũng đã được tiếp thêm rất nhiều năng lượng tự tin từ mọi người.”

Tú Anh (thứ 2 từ trái sang) cùng những người bạn đến từ các quốc gia khác nhau tại Đại học Mahidol, Thái Lan.

Bên cạnh phương diện giáo dục, cô bạn còn ấn tượng với cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích du lịch của nước bạn, cũng như cách người dân bản địa niềm nở đón chào những du khách quốc tế như mình.

Đặc biệt hơn, chuyến đi trao đổi ở Thái cũng là nơi khởi nguồn ý tưởng về dự án khởi nghiệp của Tú Anh. Trong quá trình học tập, Tú Anh có cơ hội đi thực tế đến một khu vực ở vùng Salaya và được tìm hiểu về sáng kiến thu gom, biến bèo thành sản phẩm nông nghiệp của người dân trong vùng: “Hiện tượng bèo trôi nổi trên kênh, rạch ở đó vô cùng nhức nhối và có người lên ý tưởng về việc thu gom, chuyển hóa bèo thành đất trồng cây, phân bón. Người ta dùng bèo để tạo ra sản phẩm khác có giá trị cho nông nghiệp, đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Rồi mình mới nhận ra khởi nghiệp không phải điều gì quá xa lạ mà có thể bắt nguồn ngay từ cuộc sống thực tế. Và khi mình vừa có thể mang lại giá trị cho cộng đồng, vừa tạo ra thu nhập kinh tế thì tại sao lại không làm?”

Đến những ngày cuối cùng trên đất Thái, cô bạn bắt đầu tìm kiếm những vật phẩm lưu niệm mang dấu ấn địa phương hơn những gì được bày trải khắp các quầy hàng. Biết Thái Lan đã triển khai thành công mô hình OTOP (Mỗi làng một sản phẩm), Tú Anh bèn lên mạng tìm hiểu về các sản phẩm chất lượng cao từ các làng nghề nơi đây. Ấn tượng với chiếc mũ được nhuộm từ đất núi lửa ở làng Charoensuk (thành phố Udon Thani, Thái Lan), cô bạn quyết tâm mua cho bằng được. Tuy nhiên chỉ khi đến với ngôi làng cách thủ đô Bangkok hơn 650 cây số, du khách mới có thể sở hữu mũ núi lửa cùng các sản phẩm khác ở làng nghề này.

So sánh với tình hình trong nước, Tú Anh nhận ra du khách nước ngoài khi đến với Việt Nam cũng có thể chưa tiếp cận được với các sản phẩm địa phương, đặc biệt là những sản phẩm OCOP mà Việt Nam đang chú trọng phát triển. Từ đó, hình dung về một nền tảng có thể kết nối khách du lịch với các sản phẩm truyền thống chất lượng cao từ khắp các vùng miền trên Tổ quốc dần hình thành trong tâm trí cô bạn.

Ý tưởng khởi nghiệp về một sàn thương mại điện tử chuyên phân phối các sản phẩm OCOP tại Việt Nam nảy sinh từ khoảnh khắc ấy. “Đến đầu năm 3, khi nhận được thông tin về cuộc thi SV Startup 2023 (Cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp cơ sở FTU), mình đã liên hệ với hai người bạn chung chí hướng để triển khai ý tưởng về sàn thương mại điện tử đó. Sau những tháng ngày miệt mài nỗ lực, cuối cùng chúng mình cũng hái được quả ngọt: thành tích Giải Nhì với dự án LUAS trong cuộc thi SV Startup 2023.” Tú Anh chia sẻ.

Ý tưởng khởi nghiệp bắt nguồn từ những trải nghiệm thực tế trên hành trình phiêu lưu, khám phá thế giới của cô gái trẻ

Đích đến không phải là một vùng đất mà là một cách nhìn mới

Nhìn lại hành trình trải nghiệm của mình, Tú Anh cảm thấy rất nhiều quan điểm, góc nhìn của bản thân về thế giới xung quanh đã được thay đổi và mở rộng. Ngạn ngữ Moorish có câu: “Ai không đi thì sẽ không hiểu được giá trị con người”, và đây cũng là bài học tâm đắc nhất mà Tú Anh nhận ra sau những chuyến đi trong năm 2023 vừa rồi.

“Hồi trước mình hay đi một mình, dốc hết tinh thần vào việc tìm hiểu về các di tích, cảnh vật xung quanh. Nhưng trong chuyến đi Thái, khi tham gia các hoạt động và kết nối với mọi người, mình nhận ra những gì thuộc về phạm trù con người sẽ đem lại giá trị sâu sắc hơn cả.” Cách suy nghĩ về chuyện đi của Tú Anh đã thay đổi, “Mình không chỉ kiếm tìm giá trị từ những cảnh vật cố định, mà còn từ những câu chuyện giữa người với người - sau cùng thì kỷ niệm khi ở cùng nhau vẫn để lại dấu ấn lâu hơn. Vậy nên đôi khi, việc tạo dựng kỷ niệm sẽ quan trọng hơn là những kiến thức mình có được từ những chuyến đi.”

Những kiến thức Tú Anh học được từ chuyến trao đổi bên Thái thiên về văn hóa, con người hơn là kinh tế - chuyên ngành của cô gái trẻ. Nhưng Tú Anh nghĩ những trải nghiệm đó chính là sự bổ trợ quan trọng đối với ngành học cũng như dự định tương lai của bản thân.

“Hiểu về văn hóa và con người giúp mình rèn được khả năng đồng cảm. Khi làm việc trong môi trường đa quốc gia, những vị trí lãnh đạo hay quản lý đều phải tiếp xúc, làm việc với những con người đến từ các vùng miền khác nhau. Họ có văn hóa, lối sống khác biệt nên khi rèn được khả năng đồng cảm thì mình mới có thể lắng nghe và thấu hiểu được sự đa dạng trong môi trường đó.” Càng đi nhiều, Tú Anh càng có cơ hội tiếp xúc với nhiều kiểu người, lắng nghe được nhiều câu chuyện, và cách nhìn thế giới cũng rộng hơn. Có thể nói, chính những chuyến trải nghiệm đó đây đã giúp cô sinh viên Kinh tế rèn luyện được một kỹ năng quan trọng như vậy.

Mọi cuộc gặp gỡ đều có thể thay đổi cuộc đời của chúng ta

Tú Anh (ở giữa) trên hành trình ghi dấu thanh xuân của mình tại những miền đất mới.

Trong lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ cũng có khao khát phiêu lưu đó đây giống mình, Tú Anh tâm sự: “Mọi cuộc gặp gỡ đều có thể thay đổi cuộc đời bạn. Chúng ta nên trân trọng từng giây phút trong chuyến hành trình này, và trân trọng từng câu chuyện, từng con người mình gặp. Bởi biết đâu những khoảnh khắc, câu chuyện, con người đó sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong tương lai của chính bạn.”

Ngọc Mai

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/co-gai-tre-voi-dam-me-phieu-luu-kham-pha-moi-cuoc-gap-go-tren-doi-deu-co-the-thay-doi-con-nguoi-chung-ta-post1592924.tpo