Cô gái Tày khởi nghiệp thành công

Là người dân tộc Tày vùng núi phía Bắc, chị Hoàng Thị Oanh được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Quanh năm làm nông nghiệp trồng cây lúa nước, thu nhập lợi nhuận thấp, nên chị quyết định thay đổi cây trồng để thu về lợi nhuận cao hơn và địa phương có thêm một đặc sản thương hiệu mới - gạo nếp quýt Đạ Tẻh.

Hợp tác xã Quyết Tâm thu hút nhiều lao động nữ tại địa phương tham gia. Ảnh: Thúy Hạnh

Theo người dân địa phương, gạo nếp quýt được trồng tại huyện Đạ Tẻh từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Do hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên hạt lúa to tròn, mẩy, dẻo thơm; nhất là chỉ ở xã An Nhơn và một phần huyện Đạ Tẻh mới cho được chất lượng và năng suất cao nhất. Sản phẩm gạo nếp quýt Đạ Tẻh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Nếp quýt Đạ Tẻh” từ ngày 15/11/2016. Trong hành trình tìm kiếm đặc sản Việt Nam lần thứ 2, giai đoạn 2019 -2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, gạo nếp quýt Đạ Tẻh đã trở thành sản phẩm nông nghiệp duy nhất của khu vực miền Trung Tây Nguyên và có mặt trên “bản đồ” gạo đặc sản Việt Nam. Năm 2019, nếp quýt được xếp hạng 4 sao trong chương trình OCOP Lâm Đồng và cũng được xếp vào loại gạo ngon nhất của nước ta được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Bên cạnh gạo nếp, thì rượu cũng là một trong những sản phẩm không thể thiếu vào dịp Tết. Nhận thấy trên thị trường có rất nhiều loại rượu ngâm, nhưng cũng có rất nhiều loại rượu không an toàn, nên khi sử dụng thường bị ngộ độc. Do vậy, chị đã tạo ra một sản phẩm riêng biệt, an toàn, có lợi cho sức khỏe người sử dụng, đó là rượu đòng đòng. Rượu đòng đòng nếp quýt là một sản phẩm mới, mẫu mã đẹp mắt, có mùi thơm dịu, ngọt hậu, đây chính là nét đặc trưng rất riêng biệt của rượu đòng đòng nếp quýt. Chị Oanh chia sẻ: “Rượu đòng đòng nếp quýt được lựa chọn kỹ từ đòng đòng đang ở “thì con gái” và hoàn toàn được trồng hữu cơ. Rượu đòng đòng nếp quýt là sản phẩm sạch. Ngay từ khi còn là cây lúa, chúng tôi đã không sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn, không chỉ cho môi trường mà còn cho cả người sản xuất và tiêu dùng”.

Chị Hoàng Thị Oanh - Giám đốc Hợp tác xã Quyết Tâm, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Thúy Hạnh

Sau hai tháng cấy, trồng, lúa nếp quýt đã có đòng đòng non. Rượu đòng đòng được làm rất công phu, tỉ mỉ. Lúa được cắt về và bóc tách bông căng mọng sữa non, sau đó sơ chế làm sạch và đưa vào trong bình để trang trí và đổ rượu nếp quýt vào ngâm với tỷ lệ tương ứng. Công đoạn ngâm rượu đòng đòng nếp quýt được chuẩn bị khá công phu, với cách bày trí đẹp mắt, có tính thẩm mỹ cao. Rượu đòng đòng ngâm khoảng 3 tháng là có thể sử dụng được, nhưng để khoảng 6 tháng sẽ ngon hơn. Hương vị của rượu nếp đòng đòng càng để lâu thì càng thơm ngon, êm dịu và có vị ngọt thanh. Rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được UBND huyện Đạ Tẻh cấp giấy sản xuất, được cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ về độ an toàn của rượu.

Rượu đòng đòng ngâm, hay là rượu đòng đòng nấu cũng được làm thủ công theo truyền thống. Do vậy, mô hình chế biến từ rượu nếp quýt đòng đòng này đã thu hút rất nhiều chị em phụ nữ tham gia. Chị Oanh đã tạo được việc làm lúc nhàn rỗi cho 30 lao động nữ trong thôn, nhất là những phụ nữ lớn tuổi cũng đều tham gia được. Sản phẩm rượu đòng đòng nếp quýt được cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm rượu đòng đòng có giá trị kinh tế cao, với giá một bình nhỏ nhất từ 5 đến 25 lít, được bán từ 1đến 5 triệu đồng. Kết quả lợi nhuận thu được qua các năm tiếp theo sẽ tăng dần theo quy mô và năm.

So với nhiều loại rượu có giá trị cao, rượu đòng đòng nếp quýt có một sự khác biệt về mùi vị thơm ngon, ngọt, đẹp, đặc trưng của lúa nếp quýt. Chính vì thế, những ngày giáp Tết, không chỉ nam giới mà chị em phụ nữ cũng lùng mua rất nhiều. Đối với nhiều người, thì rượu đòng đòng lúa nếp còn được coi là "cực phẩm" không thể thiếu trong những ngày cuối năm, đầu năm mới.

Do thổ nhưỡng ở những nơi khác không thích hợp, mà chỉ có vùng đất xã An Nhơn và một phần thị trấn Đạ Tẻh mới canh tác được cây lúa này với chất lượng, năng suất cao. Vì thế, tỉnh Lâm Đồng chưa có đơn vị sản xuất và cung cấp sản phẩm rượu đòng đòng nếp quýt. Thuận lợi trong sản xuất rượu đòng đòng của chị Oanh là đặt tại thôn 2, xã An Nhơn, xung quanh có hàng trăm ha ruộng trồng nếp quýt nên đã giúp cơ sở sản xuất của chị giảm được rất nhiều chi phí vận chuyển. Chị Oanh cho biết: “Thời gian tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục tận dụng công nghệ để bán hàng trên mạng xã hội. Đồng thời, tôi cũng sẽ nhân rộng mô hình thành một hợp tác xã chuyên sản xuất rượu đòng đòng và các sản phẩm từ lúa nếp quýt. Chúng tôi rất mong muốn được quan tâm, hỗ trợ về vốn, tư vấn pháp lý, quản trị, khoa học công nghệ để mô hình rượu đòng đòng nếp quýt được phát triển thuận lợi và rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ đề án khởi nghiệp để thành công trong việc khởi nghiệp này”.

Sự sáng tạo, năng động và đầy trách nhiệm của chị Hoàng Thị Oanh đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không những thế, người Việt trên khắp thế giới có thể thưởng thức và tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế về một loại gạo đặc sản dân tộc, được sản xuất từ một huyện miền núi phía Nam của mảnh đất Nam Tây Nguyên đầy nắng gió mang tên “Nếp quýt Đạ Tẻh”.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-gai-tay-khoi-nghiep-thanh-cong-post471530.html