Cô gái Mỹ: Họ chĩa súng vào cha tôi ở Sudan

Khi cuộc khủng hoảng ở Sudan vẫn tiếp diễn, những người Mỹ bị mắc kẹt ngày càng tức giận. Họ phải tự ứng phó với tình hình phức tạp và nguy hiểm.

“Tôi vô cùng sốc và bất bình với phản ứng mờ nhạt của (chính phủ) Mỹ với sức khỏe và sự an toàn của công dân”, Muna Daoud, người có cha mẹ đang trên đường rời Sudan đến Saudi Arabia, nói với CNN.

Mặc dù một số quốc gia đã sơ tán công dân của họ, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục nói rằng tình hình hiện không có lợi cho việc sơ tán dân thường.

Toàn bộ nhân viên chính phủ Mỹ đã được sơ tán trong một chiến dịch quân sự vào cuối tuần trước. Các quan chức Mỹ cho biết họ đang “liên lạc chặt chẽ” với công dân và “tích cực tạo điều kiện thuận lợi” để họ rời Sudan.

Tuy nhiên, CNN đã trao đổi với nhiều người có thành viên gia đình nằm trong số “hàng chục” người Mỹ muốn rời khỏi Sudan, họ cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ hầu như không cung cấp “bất kỳ sự trợ giúp nào” kể từ khi bạo lực chết người xảy ra giữa Quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) cách đây hơn một tuần.

Cuộc giao tranh bắt đầu từ hôm 15/4 đã biến các khu dân cư thành bãi chiến trường. Không kích và pháo kích giết chết ít nhất 459 người, làm bị thương hơn 4.000 người, phá hủy bệnh viện và gián đoạn quá trình phân phối lương thực, theo Reuters.

Một số người Mỹ cho biết họ và người thân phải đưa ra “quyết định sinh tử” về thời điểm và cách thức rời khỏi nước này mà không có hướng dẫn.

"Họ chĩa súng vào cha tôi"

“Thành thật mà nói, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa giúp được gì trong thời gian này”, Imad, công dân Mỹ có cha mẹ đang sơ tán từ Khartoum đến Ai Cập, nói. “Chúng tôi mong Bộ cung cấp một số hướng dẫn, nhưng nó chỉ mang tính khuôn mẫu rằng hãy trú ẩn tại chỗ và không có thông tin quan trọng nào”.

Trong khi đó, Daoud nói rằng “cách duy nhất là họ phải tìm đường đến thành phố Port Sudan và nhận sự hỗ trợ của Saudi Arabia".

Những người trao đổi với CNN cũng bác bỏ lập luận của các quan chức Mỹ về việc cảnh báo công dân không nên đến Sudan.

Cảnh báo du lịch cấp độ 4 được đưa ra từ tháng 6/2021 và Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên tục khuyên người dân “có kế hoạch sơ tán không dựa vào hỗ trợ của chính phủ”. Tuy nhiên, gần đây không có cảnh báo an ninh rõ ràng nào khuyên người Mỹ rời khỏi Sudan.

“Tôi nghĩ họ đang cố biện minh”, Imad nói, lưu ý rằng anh đã ở Sudan vào tháng 12/2022 và đó “không phải là một khu vực chiến tranh”. “Chúng tôi sẽ không đưa cha mẹ đến đó nếu biết một cuộc nội chiến sẽ bùng phát”.

Maisoun Sulfab cũng có một số người thân đang ở Sudan. Cô chia sẻ họ đến Sudan với lý do chính đáng, mẹ kế của cô không phải công dân Mỹ, do đó họ đang xin thị thực nhập cư. Chú của cô đến Sudan để tham dự một đám tang.

Khói bao trùm bầu trời Khartoum, Sudan ngày 21/4. Ảnh: AP.

Bên cạnh đó, Imad phản đối lập luận của chính phủ Mỹ rằng hầu hết người Mỹ ở Sudan là công dân kép, do đó họ có thể không muốn rời đi.

“Suy cho cùng, công dân kép vẫn là công dân. Họ có các quyền hiến định giống các công dân khác và chúng ta không nên tạo ra một hệ thống phân cấp quyền công dân”, anh nhấn mạnh.

Chung nỗi bất bình với Imad, Daoud cho biết “có vẻ như công dân Mỹ trong tình cảnh này chỉ có thể tự lo cho mình”.

“Rõ ràng chúng tôi chỉ là 'những người có hộ chiếu', những người mà cuộc sống và hạnh phúc của họ không phải ưu tiên hàng đầu của chính phủ Mỹ. Sức mạnh của quân đội và các nguồn lực không được sử dụng để cứu sống những người trong vùng chiến sự”, cô nói.

Khi CNN trò chuyện với Daoud, người cha 69 tuổi và người mẹ 66 tuổi của cô - cả hai đều là công dân Mỹ - đang trên chuyến xe buýt kéo dài 9h từ Khartoum đến thành phố Port Sudan.

“Sáng nay, họ phải ra ngoài tìm xe buýt”, cô kể, nói thêm rằng chiếc xe đã bị các binh sĩ RSF chặn lại 3 lần "và tại một trạm kiểm soát, họ chĩa súng vào cha tôi vì nghi ngờ ông ấy phục vụ cho quân đội Sudan".

“Họ bảo những người đàn ông bước xuống xe và lục soát, thẩm vấn họ. Mẹ tôi nghĩ ông ấy sẽ bị bắt hoặc bị bắn. May mắn thay, họ đã quyết định để ông ấy đi”, Daoud nói.

Khi cha mẹ Daoud đến Port Sudan, họ không biết sẽ phải đợi bao lâu để có chuyến phà đến Jeddah, Saudi Arabia, và nhận được sự hỗ trợ của các quan chức lãnh sự Mỹ.

“Mắc kẹt trong sa mạc”

Theo lời kể của Sulfab, người thân của cô ở Sudan đã quyết định sơ tán sau khi các nhà ngoại giao Mỹ rút khỏi nước này. Một số đi về phía Ethiopia, những người khác đến Ai Cập. Cô không thể liên lạc với cha mình kể từ khi ông bắt đầu cuộc hành trình đến biên giới Ai Cập.

Một trong những người anh em họ của Sulfab và các con cô - tất cả đều là công dân Mỹ - đã chờ nhập cảnh vào Ai Cập suốt 3 ngày.

“Họ mắc kẹt trong sa mạc”, Sulfab nói và cho biết thêm người thân của không được tiếp cận với thức ăn, nước uống, thuốc men hoặc phòng tắm.

Imad cũng cho biết hành trình đến Ai Cập của cha mẹ anh “rất khó khăn”. Hai giờ trước khi các đoàn xe sơ tán của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ khởi hành hôm 23/4, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đưa ra thông báo. Và để tham gia đoàn xe này, người Mỹ cần có ôtô riêng, song hầu hết đều không có xe riêng để lái đến Port Sudan.

Cha mẹ anh phải cố gắng tìm một chiếc ôtô đưa họ đến bến xe buýt. Sau khi trải qua “đạn pháo và bom”, họ phải đợi khoảng 6 tiếng tại bến xe trước khi khởi hành. Giá vé lúc này đã tăng từ 50 USD/lượt lên 600 USD.

Các thành viên của lực lượng Hải quân Saudi Arabia hỗ trợ sơ tán dân thường khỏi Sudan ngày 26/4. Ảnh: Reuters.

Sau cuộc hành trình kéo dài 36 giờ, cha mẹ anh vẫn chưa thể vượt qua biên giới sang Ai Cập vì hộ chiếu của cha anh gặp trục trặc. Imad đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị giúp đỡ.

“Cha mẹ tôi đều là người cao tuổi, sức khỏe yếu. Họ không có nước và thức ăn. Chiếc xe buýt đưa họ đến đây đã rời đi nên họ đang ở ngoài đường chờ nhập cảnh”, anh nói.

Leila, vợ của Imad, cũng cho biết cô đã sốc vì “sự thiếu hỗ trợ nhân đạo”. “Đó là một sa mạc. Thật đáng xấu hổ nếu chúng ta để những người này chết ở biên giới vì không được tiếp cận với thức ăn và nước uống, khi họ vừa thoát khỏi bom đạn và súng 24 giờ trước đó”, cô nói.

“Nếu không thể tiến hành các cuộc sơ tán quy mô lớn cho công dân Mỹ và hỗ trợ người dân Sudan một cách hiệu quả, ít nhất hãy cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản ở biên giới”, cô bất bình.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gai-my-ho-chia-sung-vao-cha-toi-o-sudan-post1425965.html