Cô gái 'cứng đầu' nhất Khe Ron

Thôn Khe Ron, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái bao đời nay trầm lặng trong nếp nhà sàn nghèo nàn trống hoác. Phụ nữ Mông ở bản này vì tục 'kéo vợ' mà phải lấy chồng từ khi mới chỉ là bé gái 12-13 tuổi. Cuộc sống vất vả nhanh chóng biến những đứa trẻ non nớt thành những bà mẹ nhiều con, làm lụng đầu tắt mặt tối, già nua trước tuổi.

Đời này qua đời khác, họ chịu đựng khổ mà không hề phản kháng. Nhưng với Sùng Thị Sơ thì khác. Đã ba lần cưỡng lại tục “kéo vợ” để đi học, Sơ bị coi là cô gái “cứng đầu” nhất Khe Ron. Trong đầu Sơ luôn dậy lên những cơn sóng ngầm, những ý nghĩ xa xôi, mạnh mẽ, muốn vượt thoát khỏi thôn làng để làm chủ cuộc đời.

Sùng Thị Sơ tham gia một hoạt động của Liên Hợp Quốc.

1. Sơ sinh năm 2002. Nhà Sơ có 5 anh em, Sơ là thứ 2. Chị cả đã đi lấy chồng, sau Sơ còn 3 em nữa. Hết lớp 5, các bạn thôi học ở nhà, chuẩn bị tinh thần cho những cuộc “kéo” vợ diễn ra bất cứ lúc nào. Còn Sơ tìm cách rời bản. Nhưng nhà Sơ nghèo lắm, muốn đi, chỉ có một cách duy nhất, là tự đi học, và phải học giỏi.

Sơ học giỏi nên được xuống thị trấn học ở trường nội trú của huyện cách nhà 30km. Bố đưa Sơ lên trường, nhưng phải mấy tháng sau mới đón Sơ về thăm nhà được một lần. Khủng hoảng nhất là Sơ bập bõm tiếng phổ thông, nên việc nghe giảng và giao tiếp với thầy cô, bạn bè lúc đầu gặp khó khăn. Sơ tự nhủ bằng mọi giá phải học tiếng, nếu không cố gắng thì không theo học được, sẽ phải về quê lấy chồng. Suốt những năm cấp 2, Sơ luôn nằm trong top 5 bạn học tốt của lớp, được vào đội tuyển của trường đi thi học sinh giỏi.

Biến cố đầu đời ập đến. Đó là năm Sơ học lớp 8, khi đi chơi cùng em gái dịp Tết, Sơ bị người con trai ở thôn “kéo” đi. Hai chị em khóc lóc và vùng vẫy quyết liệt nên cuộc “kéo” vợ không thành. Tuy thế, Sơ sợ hãi vô cùng và càng cố gắng học để đi xa. Hết cấp 2, Sơ là một trong hai học sinh của tỉnh được chọn đi học tại Trường Hữu nghị T78 ở Hà Nội. Chuẩn bị về xuôi đi học cấp 3, Sơ lại bị “kéo vợ” lần thứ 2. Một người con trai tìm đến nhà Sơ “kéo” Sơ đi. Sơ bị ép lên xe máy, ngồi kẹp giữa hai người con trai. Trời tối dần, xe lao vun vút, Sơ hoảng sợ thật sự. Làm thế nào để thoát được?

Thật may mắn, giữa đường xảy ra vụ xô xát giữa hai người này và thanh niên ở thôn bên cạnh. Nhân lúc đó, Sơ trốn đi. Sơ gọi về cho bố, thông báo mình bị “kéo” đi, Sơ muốn về nhà đi học, bố hãy đến cứu Sơ. Đêm ấy, bố tìm được Sơ. Thoát khỏi tục “kéo” vợ lần thứ 2, Sơ xuống Hà Nội học. Ba năm cấp 3, Sơ luôn nỗ lực học tập và nằm trong tốp đầu của lớp, được vào đội tuyển học sinh giỏi các môn lịch sử, sinh học.

2. Đầu năm 2020, Sơ về quê ôn thi tốt nghiệp THPT. Hôm ấy, Sơ ở nhà một mình, có người con trai đến rủ đi chơi nhưng Sơ từ chối. Rủ không được, người đó cùng một người con trai nữa kéo Sơ lên xe máy chở đi. Sơ cố vùng vẫy, bám víu khi nhận ra mình lại rơi vào một cuộc “kéo” vợ lần thứ 3. Sơ tính đến tình huống nhảy khỏi xe. Nhưng cung đường ra khỏi bản Sơ đã quen, rất dốc và vắng vẻ. Nếu có nhảy cũng sẽ bị bắt lại và còn bị thương, sẽ không đi thi tốt nghiệp THPT được. Sơ định bụng tới đoạn UBND xã sẽ hét lên, nhưng họ cố tình chạy nhanh, không để Sơ có cơ hội kêu cứu. Đi hết đường quốc lộ, xe rẽ vào con đường hiểm trở, vắng vẻ. Đã xa Khe Ron lắm rồi, nhưng Sơ vẫn cố gắng nhớ đường, định bụng sẽ trốn trở ra.

Cô gái Mông Sùng Thị Sơ đã tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, dự định học tiếp để trở thành luật sư.

Về đến nhà người con trai thì trời đã tối mịt. Sơ miễn cưỡng bước qua cửa để vào nhà họ, dù em biết theo tập tục của người HMông thì như thế là đã dần chấp nhận làm con dâu nhà người ta rồi. Nếu ở đây thêm ba ngày nữa, họ sẽ đến nhà Sơ làm lễ ăn hỏi. Sơ không đời nào chấp nhận điều đó.

“Nhà họ bảo em đọc số điện thoại của bố để thông báo là họ “kéo” được em về. Lúc đó em thét lên: Bố mẹ cứu con, con không ở đây đâu, con muốn đi học. Suốt đêm ấy, trong căn buồng lạ, em phản kháng với tất cả tinh thần và sức lực để quyết bảo vệ bản thân trước người trai lạ. Và em đã làm được”, Sơ rùng mình nhớ lại.

Sáng hôm sau, Sơ vẫn phải dậy sớm lên nương. Khi biết được nhà ấy có ruộng gần đường quốc lộ ở trung tâm xã thì Sơ mừng quýnh, xin đi làm cùng người con trai. Một tia sáng lóe lên ở cuối đường hầm, Sơ âm thầm nghĩ cách chạy trốn. Xuống đến ruộng, việc đầu tiên là Sơ gọi cho bố. Bố vừa thương Sơ vừa bối rối, bảo Sơ phải cố gắng về nhà trước khi thời hạn 3 ngày, bố mẹ sẽ cố gắng giúp con gái. Chiều hôm đó, Sơ nhất định không chịu về lại nhà ấy. Cuộc giằng co với người con trai diễn ra rất lâu, thu hút sự chú ý của người đi đường. Một người đàn ông tốt bụng đã dừng lại hỏi han. Sơ kể sự tình và cầu cứu chú ấy cho Sơ ở nhờ một đêm.

Cả nhà người con trai kéo đến nhà chú kia. Đêm ấy, Sơ bị người con trai đánh đập tàn tệ. Mệt mỏi, đau đớn và uất ức, Sơ cố vùng vẫy để thoát khỏi vòng vây. Sơ đi học, Sơ hiểu rằng hôn nhân là do hai người yêu nhau, tự nguyện kết hôn, chứ không phải ép uổng như thế. Đêm ấy, Sơ lẻn trốn đi. Nhưng lạ nước lạ cái, sau một hồi mò mẫm tìm đường, Sơ bị bắt lại.

Sáng hôm sau, Sơ vẫn nằng nặc đòi về. Trước sự bướng bỉnh và gan lì của Sơ, nhà trai buộc phải chở Sơ về nhà, với điều kiện là nhà người ta sẽ qua nhà Sơ ăn hỏi luôn. Về đến Khe Ron, dân trong thôn kéo đến nhà Sơ đông lắm. Mọi người đều mắng Sơ, bảo Sơ cứng đầu, giờ phải tuân theo tục lệ mà đi lấy chồng. Dù bố mẹ rất thương và muốn giải cứu con gái, nhưng trước áp lực của dân trong thôn, của gia đình nhà trai, bố mẹ không dám làm trái tập tục. “Giây phút đó khủng khiếp vô cùng. Một mình em phải chống chọi với tất cả. Em khóc lóc, van lơn đến khản cả tiếng”, Sơ xúc động kể lại.

Trước sự quyết liệt của Sơ, cuối cùng nhà trai đành từ bỏ ý định “kéo” Sơ về làm vợ. Điều đó trở thành một hiện tượng gây chấn động thôn làng. Nhiều người bàn luận, phản đối khi gia đình Sơ không tuân theo tập tục bao nhiêu năm nay. Sau biến cố, quay trở lại trường đi học, Sơ bị ám ảnh và hoảng sợ. Em phải cố trấn tĩnh, tự vá lành vết thương tinh thần để thi tốt nghiệp THPT. Đạt 28,25 điểm, vào Đại học Luật Hà Nội là kết quả ngoài mong đợi, giúp Sơ lấy lại được thăng bằng để bước tiếp.

Bốn năm học đại học, để có thể tự nuôi sống bản thân mà không phải xin tiền bố mẹ, Sơ vừa học vừa đi làm thêm đủ thứ nghề, từ rửa bát, bưng bê ở các quán ăn đến làm việc văn phòng. Ngày nào Sơ cũng tất bật đến quá nửa đêm. Tuy thế, việc học hành Sơ không hề bê trễ. Năm học 2019 – 2020, Sơ nhận được giấy khen của Ủy ban Dân tộc cho học sinh, sinh viên dân tộc xuất sắc. Năm 2022, học bổng Hessen của Cộng hòa Liên bang Đức được trao cho sinh viên giàu nghị lực. Không chỉ học, Sơ còn hoạt động tích cực trong Câu lạc bộ sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội và nhiều chương trình khác. Cuối năm 2023, Sơ đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp, hoàn thành chương trình đại học trong ba năm rưỡi thay vì bốn năm.

Ở quê, Sơ là cô gái Mông duy nhất đi học đại học. Và có lẽ Sơ là người phản kháng dữ dằn nhất chống lại tập tục “kéo” vợ ràng buộc người phụ nữ. Sơ thấy mình may mắn vì có bố mẹ luôn yêu thương, ủng hộ. Bố mẹ Sơ tuy không nói, không viết được chữ phổ thông nhưng họ hiểu rằng việc học là cần thiết. Nhà nghèo, bố mẹ vay tiền cho Sơ đi học. Của cải đắt giá nhất của gia đình là con trâu, bố cũng bán đi để phục vụ việc học của Sơ.

Sơ dự định sẽ tiếp tục học để trở thành luật sư, để quay trở về giúp những người phụ nữ, những em bé gái ở quê được học hành, có hiểu biết hơn, mạnh mẽ hơn để thoát khỏi tục “kéo” vợ, làm chủ cuộc đời. Sơ đã đi rất xa khỏi thôn Khe Ron, làm những việc mà người ở thôn hoàn toàn lạ lẫm. Sơ tham gia vào hoạt động của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam. Em cũng là một trong hai đại diện của Việt Nam tham dự Hội thảo về phòng chống tảo hôn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sơ còn là tham luận viên tham gia vào Quỹ trẻ em toàn cầu khu vực Đông Nam Á…

Nắm bắt những cơ hội ấy, Sơ được đặt chân tới Nepal, Thái Lan, Singapore. Mẹ Sơ – người phụ nữ cả đời chưa ra tới trung tâm tỉnh, đã không hiểu con gái mình đi đến những đất nước khác bằng cách nào. Qua Sơ, mẹ mới biết rằng khi ở thôn Khe Ron đang là đêm thì ở một nơi nào đó đang là ngày và ngược lại. Sơ đã đưa được các em xuống Hà Nội học. Vậy là 4 trong số 5 anh chị em Sơ đều được đi học. Đó là điều cũng chưa từng thấy ở Khe Ron.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/co-gai-cung-dau-nhat-khe-ron-i726365/