Cổ đông một công ty tháo chạy sau tin phá sản, VN-Index 'thoát hiểm' cuối phiên

Dù đã có thời điểm, VN-Index mất hơn 9 điểm, thế nhưng sức tăng của một số cổ phiếu trụ cột của nhóm bất động sản, ngân hàng, bán lẻ và dầu khí đã 'cứu' VN-Index thoát hiểm cuối phiên.

VN-Index "thoát hiểm" phút cuối, tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp

Sau khi để mất mốc 1.150 vào phiên sáng, cuối phiên chiều, VN-Index đã có pha đảo chiều ngoạn mục, tăng hơn 3 điểm vào cuối phiên. Kết phiên 13/10, VN-Index tăng lên 1.154,73 điểm. Thông tin khiến thị trường giảm sớm đầu phiên được cho là đến từ số liệu lạm phát tháng 9 của Mỹ vừa công bố ngày 12/10. Trong tháng 9/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ. 2 con số này đều cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế, lần lượt ở mức 0,3% và 3,6%.

2 cổ phiếu họ nhà Vin là VIC (-0,86%) và VHM (-1,37%) cùng giảm tương đối và tác động xấu nhất tới VN-Index lấy đi của chỉ số này hơn 1 điểm. Ở chiều ngược lại, VJC (+6,24%) và VCB (+0,7%) là 2 chỉ số tích cực nhất, kéo về gần 1,7 điểm cho chỉ số chung.

Bất động sản là nhóm hút tiền nhiều nhất hôm nay, trong đó đáng chú ý có 2 mã tăng trần là PDR và KDH, ngoài ra HBC cũng tăng với biên độ lớn 6,88%.

DXS ngược dòng ngành tăng khá (4,92%) lên 7.250 đồng/cp. Không quá bất ngờ vì ngày 16/10 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services).

Dầu khí cũng là nhóm duy trì nhiều mã sắc xanh hôm nay, PVB, PVC, PVS đều tăng hơn 2%, đặc biệt SPI tăng trần, các mã còn lại đều duy trì tăng 1-3%.

Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa, phần lớn mã ghi nhận giảm giá, tuy nhiên các mã vốn hóa lớn như VCB, MBB và BID đều tăng nêu kéo chỉ số chung ngành này tăng, đóng góp gần 1% vào chỉ số chung.

Kết phiên hôm nay, toàn sàn có 335 mã tăng, 375 mã giảm. Thanh khoản đạt gần 14 nghìn tỷ đồng. Dòng tiền tập trung nhiều nhất ở nhóm cổ phiếu bất động sản với hơn 2,8 nghìn tỷ đồng, sau đó là nhóm cổ phiếu chứng khoán với hơn 2,3 nghìn tỷ đồng.

Cổ đông tháo chạy sau tin phá sản, cổ phiếu DLG nằm sàn ngay từ đầu phiên

Ngay từ sáng 13/10, cổ phiếu DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán DLG) đã bị bán tháo rất mạnh, giảm hết biên độ xuống chỉ còn 2.420 đồng/cp. Tới cuối phiên, dư bán giá sàn cổ phiếu DLG lên tới hơn 9,2 triệu đơn vị, trắng bên mua. So với mức giá trên 10.000 đồng/cp hồi đầu năm 2022, cổ phiếu DLG đã giảm gần 76% giá trị.

Diễn biến giá cổ phiếu DLG trong 6 tháng. Nguồn: Viestock

Cổ phiếu DLG giảm mạnh sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có quyết định mở thủ tục phá sản với tập đoàn này sau khi xem xét đơn yêu cầu của Công ty Lilama 45.3 (tỉnh Quảng Ngãi). Nguyên nhân do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Trước đó, ngày 25/7, Công ty Lilama 45.3 có đơn gửi Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản với Tập đoàn Đức Long Gia Lai vì không đòi được khoản nợ 20 tỷ đồng. Sau thông tin trên, phía Đức Long Gia Lai đã đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai thu hồi quyết định mở thủ tục phá sản. Ông Nguyễn Trường Cọt - Tổng Giám đốc DLG, cho rằng công ty gửi công văn giải trình về việc giải quyết công nợ với Công ty CP Lilama 45.3 và khả năng thanh toán công nợ của công ty. Đồng thời, cũng cung cấp cho tòa án báo cáo tài chính các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó thể hiện rõ việc công ty có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ. Đáng chú ý, khoản nợ của L43 rất nhỏ, chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán. Do đó, công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản. Ngoài ra, doanh nghiệp cho biết đã làm việc, đưa ra lộ trình trả nợ và sẵn sàng trả nợ cho Lilama 45.3 sau khi 2 bên thống thất lộ trình thanh toán, nhưng phía Lilama 45.3 chưa đồng ý.

Đức Long Gia Lai từng là tập đoàn lớn của tỉnh Gia Lai với tổng tài sản từng có lúc chạm mốc 9.000 tỷ đồng. Đây là công ty đa ngành với nguồn thu đến từ hoạt động bán gỗ, bán đá, bán nông sản, bán phân bón, thu phí BOT, bán linh kiện, môi giới bất động sản dịch vụ bến xe - xe buýt và cả năng lượng tái tạo. Sau năm 2022 đầy thách thức, kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai có vẻ cải thiện hơn. Trong 6 tháng đầu năm, công ty lãi ròng gần 29 tỷ đồng. Tuy vậy, những khoản lãi trong năm nay chủ yếu đến từ việc hoàn nhập nợ phải thu quá hạn, khó đòi, trong khi mảng kinh doanh cốt lõi vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ.

Hương Trang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-dong-mot-cong-ty-thao-chay-sau-tin-pha-san-vn-index-thoat-hiem-cuoi-phien.html