Cô đơn - nỗi lo nhân loại

Cô đơn ngày nay là bệnh lý đe dọa toàn cầu chứ không còn thuần túy là trạng thái tâm lý vui buồn thường tình. Tình trạng cô đơn trở thành nỗi lo nhân loại, vừa qua tổ chức Y tế thế giới (WHO) quyết định đưa 'tình trạng cô đơn' vào danh sách những mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu, và thành lập Ủy ban kết nối xã hội nhằm nghiên cứu và đưa ra các khuyến cáo y tế cần thiết.

Chính sách xã hội và thái độ sống tích cực là liệu pháp cần thiết giúp cho con người hòa nhập và giảm nguy cơ cô đơn. Ảnh: ST

Nhiều nước xem vấn đề cô đơn là vấn đề quốc gia, nước Anh quyết định thành lập Bộ Cô đơn (2018), nước Nhật, một nước rất ít bộ trong nội các nhưng năm 2021 cũng thành lập thêm một bộ - Bộ Chống cô đơn.

Tác hại của cô đơn là cực kỳ lớn, trên phạm vi thế giới có khoảng hơn 20% dân số rơi vào tình trạng cô đơn, nghĩa là hơn 1,5 tỷ người rơi vào trạng thái ngấp nghé trầm cảm và do đó suy giảm sức khỏe dẫn đến tử vong. Vấn đề không chỉ ở con số tử vong hay trầm cảm mà quan trọng hơn đây là dấu hiệu bế tắc của xã hội, của con người. Đây không chỉ là sự khủng hoảng y tế mà hơn thế là sự thoái lui của cuộc sống. Mỗi nước có con số cô đơn, trầm cảm và chết khác nhau nhưng tất cả đều ở mức nghiêm trọng tầm quốc gia.

Vấn đề càng trở nên cấp bách khi các biện pháp y học và liệu pháp xã hội đều chứng tỏ chưa thật sự hiệu quả, nhiều khu vực trên thế giới có xu hướng tăng. Các biện pháp vĩ mô của chính phủ và sự phòng vệ y học thực tế chưa đáp ứng yêu cầu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cô đơn. Theo WHO nguyên nhân chính dẫn đến cô đơn là do hậu quả Covid-19, khi hàng tỷ người trên thế giới phải bị cách ly trong khi hàng vạn người chết mỗi ngày. Đây là trận đại dịch lớn thứ ba từ khi có loài người, nhưng các lần trước, sau dịch con người nhanh chóng khắc phục và tìm thấy sự tự tin mới. Lần này có khác, tình trạng “mình sẽ chết” thành nỗi ám ảnh không nguôi, khiến những khát khao, mơ ước cũng như lý tưởng, hoài bão trở nên lạc lõng trước sự chết và sống. Bi kịch là muốn sống con người phải tự rút vào phòng vệ. Quan hệ xã hội trở thành nguy cơ lây nhiễm và chết chóc, sự “đóng cửa” không còn là thái độ thụ động mà nhiều trường hợp là con đường duy nhất để tồn tại. Chính dịch bệnh khiến con người cảm thấy mong manh, tình trạng vô nghĩa trở thành thái độ ứng xử của số đông.

Lý do thứ hai quan trọng hơn là sự phát triển của công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin. Sự bùng nổ truyền thông là một trong những đặc điểm nói lên sự phát triển của con người, song chính mặt trái của truyền thông khiến con người trở nên cô đơn. Cuộc sống ảo, tình cảm ảo, quan hệ ảo chi phối toàn bộ. Mỗi người sống với thông tin mạng là chính, thời gian cho tương tác điện thoại trên thực tế chiếm gần như toàn bộ thời gian rảnh của con người, nhất là với lớp trẻ - tầng lớp quyết định sức mạnh, xu hướng, tính chất xã hội của một quốc gia. Có một khía cạnh khác của mạng xã hội là sự lệ thuộc vào giá trị ảo mà dòng thác thông tin tạo ra. Chỉ lấy một ví dụ tương đối phổ biến, khi cuộc sống của những người nổi tiếng thường được ca tụng, phô trương tuyệt đối trên mạng, hoặc việc hằng ngày phải chung đụng với sự hãnh tiến, những chuyến du lịch, ăn ngon, cảnh đẹp… vô tình làm cho số đông trong xã hội rơi vào trạng thái mặc cảm thụ động: mình chẳng là gì so với chung quanh, tốt nhất là hãy quay về với chính mình. Một dạng yếm thế phổ biến.

Sự phát triển công nghệ tạo ra sự bận rộn và con người bắt buộc phải đối phó, vấn đề giá trị, chuẩn mực xã hội trở nên tương đối. Các thần tượng gần như không còn khoảng cách địa lý, dân tộc và sự cuồng nhiệt chưa từng thấy. Bản thân các ngôi sao ấy cũng phải đương đầu với sự cô đơn chính mình, dù họ có hàng vạn fan cuồng bên cạnh. Các vụ tự tìm cái chết của các diễn viên đình đám không còn là hiện tượng cá biệt. Hiện tượng giới trẻ ngại lập gia đình, ngại có con không thuần túy do sự bận rộn, vất vả… mà nhiều khi còn do nhận thức cho rằng bản thân việc lập gia đình, có con là kéo dài sự nhàm chán, “phi lý”. Họ tìm thấy niềm vui trong sự cô đơn.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là sự lựa chọn cho sự phát triển nhưng cũng chính AI khiến gần 40% lao động có nguy cơ mất việc. Nếu trước đây, cơ khí tạo việc làm mới, đến tự động hóa khiến một bộ phận lao động chân tay mất việc, nhưng AI khiến lao động trí óc trở nên thừa thãi. Tự động thay thế lao động, AI thay thế chuyên gia, bác sĩ, kỹ sư, họa sĩ… cũng dễ dàng bị vượt qua nếu không thích ứng. Tình trạng này khiến nhiều người trở nên bất lực, họ buộc phải cam chịu trước sự thay đổi công nghệ. Trong nhiều trường hợp quay về chính mình, bị cô đơn trước sự sôi động của cuộc cách mạng công nghệ mang tới.
Một khía cạnh khác ngày càng trở nên trầm trọng đó là tình trạng mặc cảm nghèo túng.

Việc một bộ phận dân cư bất lợi trong hoạt động kinh tế là đương nhiên trong mọi thời đại, tuy nhiên tình trạng bần cùng hóa tuyệt đối và tương đối trở nên gay gắt khiến một bộ phận không nhỏ trong xã hội bế tắc, họ luôn cảm thấy không có giải pháp trước sự thay đổi yêu cầu công việc, dần dần họ rơi vào tình trạng chấp nhận, xem như số phận đã an bài. Còn xã hội thì xem như không có họ, tình trạng này khiến họ rơi vào im lặng, họ tìm thấy niềm vui trong cô đơn mà không biết rằng chính thái độ này sẽ dẫn tới căn bệnh trầm cảm, cô đơn.

Sự lựa chọn của giới trẻ là xu hướng chi phối, nó là đối tượng của chính sách của chính quyền. Rất tiếc ở nhiều nước, các biện pháp ban hành chưa tỏ ra thật sự hiệu quả, trong khi chi phí y tế để điều trị các căn bệnh trầm cảm, cô đơn ngày càng tăng. Vấn đề là nhà trường, xã hội và gia đình phải thay đổi. Bên cạnh trang bị kỹ năng sống, làm sao thông qua hoạt động của đoàn thể, nhà trường tạo ra cho con người tự tin, tự chủ. Trầm cảm bắt nguồn từ cô đơn, cô đơn bắt nguồn từ mỗi người. Chính sách xã hội và thái độ sống tích cực là liệu pháp cần thiết giúp cho con người hòa nhập và giảm nguy cơ cô đơn.

HOÀNG SA

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202401/co-don-noi-lo-nhan-loai-3965571/