Có chiến lược bài bản để đón khách Trung Quốc

Sở hữu nền văn hóa phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Việt Nam trở thành lựa chọn của khách Trung Quốc ưa thích loại hình du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Để thúc đẩy thị trường khách tiềm năng này, đại diện các đơn vị lữ hành cho rằng cần xây dựng chính sách, mục tiêu rõ ràng, chiến lược quảng bá sớm và bài bản.

Thị trường tiềm năng và ổn định

Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tháng 2.2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng 1,3% so với tháng 1, tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung Quốc trong danh sách các quốc gia dẫn đầu với hơn 295.480 lượt, tăng mạnh so với tháng trước. Còn năm 2023, Việt Nam cũng đón hơn 1,74 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 376% so với năm 2022.

Dữ liệu của Công ty cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến Agoda cũng cho thấy Việt Nam là điểm du lịch ưa thích của du khách Trung Quốc đầu năm 2024. Cụ thể, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tỉ lệ khách Trung Quốc quan tâm du lịch Việt Nam đạt 95% so với năm 2020 - thời điểm trước khi áp dụng hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19.

Khách Trung Quốc đến Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng. Nguồn: media.chinhphu.vn

Giám đốc Agoda tại Việt Nam Vũ Ngọc Lâm cho biết, khách Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 và mang lại nguồn thu du lịch lớn nhất. "Năm 2020, Trung Quốc cũng là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng về tìm kiếm thông tin du lịch ở Việt Nam. Du khách nước này lựa chọn Việt Nam vì vị trí gần, văn hóa tương đồng, nhiều điểm đến đẹp, dịch vụ mua sắm, lưu trú, ăn uống hợp lý. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát sau đó và lệnh đóng cửa biên giới đã khiến lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm sút đáng kể. Sau khi mở cửa lại, mức độ tìm kiếm năm 2022 và 2023 chỉ đạt 3% so với năm 2020. Sự quan tâm trở lại của du khách Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu về tiềm năng du lịch Việt Nam trong năm 2024".

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, Việt Nam muốn đạt mục tiêu đón hơn 18 triệu lượt khách trong năm 2024, tức bằng thời điểm năm 2019, cần những thị trường trọng điểm cung cấp nguồn khách tới Việt Nam, trong đó có Trung Quốc. Hơn nữa, dựa vào chính sách của quốc gia này cho thấy, năm nay người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài sẽ tăng đột biến. "Sau năm 2023, cùng với tăng trưởng du lịch nội địa, người dân Trung Quốc sẽ đi nước ngoài nhiều hơn và Việt Nam là điểm đến nhiều tiềm năng vì thuận tiện cả đường bộ, đường hàng không, đường sắt... Khách Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy du lịch các nước phục hồi, nếu có chiến lược phù hợp. Ngành du lịch Việt Nam cần đưa ra mục tiêu cụ thể cho việc đón lượng khách của từng nước để xây dựng kế hoạch hành động kịp thời, hiệu quả".

Xây dựng chính sách và mục tiêu cụ thể

Theo ý kiến từ đại diện các công ty lữ hành, trong khi các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore… đã đặt mục tiêu đón khách quốc tế nói chung và khách Trung Quốc nói riêng (cụ thể Thái Lan năm nay kỳ vọng đón 36 - 38 triệu lượt khách quốc tế và 10 - 11 triệu lượt khách Trung Quốc), thì Việt Nam đưa ra chiến lược đón khách Trung Quốc thời điểm này có thể hơi muộn cho năm nay nhưng vẫn cần thiết cho thời gian tới. Khách Trung Quốc không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà nhiều nước Đông Nam Á, nên cạnh tranh điểm đến rất lớn, đòi hỏi ngành du lịch cần có chiến lược, chính sách đón khách phù hợp mà trước tiên là cân nhắc vấn đề miễn thị thực (visa).

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt Phan Đình Huê đồng quan điểm: "Bên cạnh chính sách visa, cần nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đón khách bằng đường tàu hỏa, tàu biển cùng với hàng không và đường bộ. Khách Trung Quốc có đặc điểm hơi ồn ào nên có thể xây dựng những khu vực riêng để phục vụ phân khúc khách này, như quy hoạch mềm các tuyến phố đặc trưng đón khách Trung Quốc, vừa không ảnh hưởng những dòng khách truyền thống như châu Âu, Mỹ...".

Cũng theo ông Huê, mùa cao điểm của khách châu Âu, Mỹ thường từ tháng 9 - 10 năm trước tới tháng 3 - 4 năm sau. Những giai đoạn còn lại thường vắng khách, nhất là những điểm đến ở miền Bắc. Nếu đón được khách Trung Quốc có thể giúp những cơ sở lưu trú ở miền Bắc đạt công suất phòng, duy trì hoạt động kinh doanh trong cả năm…

“Nhu cầu, xu hướng của thị trường khách Trung Quốc cũng thay đổi nên cần những sản phẩm phù hợp. Nhóm khách du lịch trẻ, ưa đi tour tự túc, ưu tiên điểm đến đẹp… cần đầu tư quảng bá, truyền thông nhiều hơn tour giá rẻ như trước đây. Khách lựa chọn các tour nghỉ dưỡng, trải nghiệm, sức khỏe, cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về dịch vụ, như nhà hàng, khách sạn, phương tiện di chuyển, cơ sở lưu trú, nhằm kích cầu du lịch một cách mạnh mẽ”, bà Vũ Nam Phương, Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Quốc tế Phương Nam bổ sung.

Với sự trở lại nhanh chóng của thị trường khách Trung Quốc, đặc biệt tăng vọt vào các ngày nghỉ lễ của quốc gia này như dịp Quốc khánh, từ 1 - 8.10; Ngày Quốc tế Lao động, 1 - 5.5; lễ Giáng sinh; Tết Dương lịch; Tết Nguyên đán và 3 tháng mùa hè. Vì thế, cần chuẩn bị trước điều kiện đón khách những dịp này nhằm giúp các đơn vị, địa phương ổn định lượng khách đến từ Trung Quốc nói riêng và thị trường khách quốc tế nói chung.

Hồng Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-lich-the-thao/co-chien-luoc-bai-ban-de-don-khach-trung-quoc-i362541/