Cơ chế vượt trội để Thủ đô bứt phá

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 27/11. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng số lượng đại biểu HĐND

Góp ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 đại biểu. Khi không còn HĐND quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND thành phố đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố là hợp lý.

Ông Luận cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND thành phố trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên từ 25-30%. Đồng thời, ông Tạo kiến nghị cải tiến phương thức hoạt động của HĐND thành phố.

Theo như lời ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) thì việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố lên 125 đại biểu là phù hợp. Với số lượng 95 đại biểu HĐND như hiện nay là quá thấp, ảnh hưởng đến tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân Thủ đô.

Tăng cường phân cấp, phân quyền

Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc phân quyền cho HĐND thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay.

Trong khi đó, ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phân tích: Về chính sách tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết 15 đã phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực, nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc trao những thẩm quyền vượt trội cho chính quyền thành phố là phù hợp với định hướng, chính sách của dự án luật.

Còn ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nói: “Cần tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự quyết cho chính quyền thành phố để thực hiện cải cách bộ máy, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm trực tiếp gắn với thẩm quyền, trách nhiệm giải trình trước Đảng, Nhà nước, nhân dân. Tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra”.

ĐB Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cũng phân tích, hiện nay HĐND cấp tỉnh đã và đang được phân cấp thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề, phải ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách và theo dự thảo của Luật Thủ đô. HĐND tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp, thẩm quyền thực hiện thêm các nhiệm vụ khối lượng công việc tăng lên nhiều. Do đó cần phải bảo đảm về bộ máy nhân lực và tài chính để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Về quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 17 của dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) cho rằng không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó thu hút họ. Chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Đặc biệt cần có một chương riêng về nội dung đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng ngày, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh:

Phải giải quyết được 3 nhóm vấn đề lớn

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại phiên họp Quốc hội.

Bày tỏ quan điểm nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, dự thảo Luật đã kế thừa, bổ sung nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để xây dựng Thủ đô thực sự là trái tim của cả nước, là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, với mục tiêu xây dựng dự thảo Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô hiện tại, thì quy định tại dự thảo Luật lần này phải giải quyết được 3 nhóm vấn đề lớn. Cụ thể, nhóm thứ nhất là quy định để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, là trái tim của cả nước và thực hiện phương châm “cả nước vì Thủ đô”. Nhóm thứ hai là quy định về xây dựng và phát triển một địa phương có những vấn đề đặc thù của một thành phố đô thị đặc biệt và thực hiện phương châm “Thủ đô vì cả nước”. Nhóm thứ ba là quy định để xây dựng và phát triển Thủ đô là hạt nhân trung tâm thúc đẩy sự phát triển và liên kết Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

“Dự thảo Luật đã thể hiện rõ về phân quyền, quyết định những vấn đề riêng, có đặc thù của địa phương. Tuy nhiên cần phải tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ hơn trong các quy định cụ thể của dự thảo Luật những gì Trung ương phải thực hiện? kể cả đối với chính quyền Thủ đô đều phải do Trung ương quyết định. Ví dụ các vấn đề để Thủ đô là của cả nước, là hình ảnh của đất nước, vấn đề quy hoạch Thủ đô, vấn đề phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ để phục vụ cho nhu cầu của đất nước. Những vấn đề của Trung ương nhưng địa phương phải đảm bảo như: đất đai, quy hoạch cho các cơ quan Trung ương trên địa bàn, hỗ trợ kinh phí ngân sách cho Trung ương thực hiện các vấn đề địa phương. Những vấn đề chỉ riêng có của Thủ đô thì dù mức độ đầu tư, sử dụng ngân sách nguồn lực có lớn, tổ chức bộ máy và con người lớn thì vẫn phải để Thủ đô tự quyết định và tự chịu trách nhiệm” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ.

Thống nhất với quy định tăng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách, tuy nhiên để tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị hiệu quả, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị cần phải tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường khi không tổ chức HĐND, cần phải quy định rõ trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về đổi mới phương thức hoạt động, cách thức làm việc, bộ máy giúp việc, điều kiện đảm bảo của HĐND, UBND thành phố trong thành phố, nhất là trong bối cảnh tăng cường phân cấp, phân quyền.

V.Thắng

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-che-vuot-troi-de-thu-do-but-pha-10267583.html