Cơ chế và hệ thể chế phát hiện, thu hút, tuyển chọn, trọng dụng nhân tài lãnh đạo, quản lý

* TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

(Tiếp theo kỳ trước)

BPO - Tháng 2-2022, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với rất nhiều vấn đề quan trọng, cuốn sách nhấn mạnh: “…Xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ cho Đảng; thu hút và khuyến khích cán bộ làm việc trong các cơ quan, lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu”.

Báo Bình Phước trân trọng giới thiệu loạt bài viết của nhà báo, TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản về vấn đề này.

Nhân tài lãnh đạo, quản lý

Toàn bộ những yêu cầu phát triển chiến lược đó đòi hỏi phải kiến tạo cho kỳ được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trực tiếp là cấp chiến lược ngang tầm sứ mệnh dẫn dắt quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa ngày càng vận động đa dạng, phức tạp khôn lường hiện nay và tương lai. Nói cách khác, việc kiến tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, ở đây là cấp chiến lược, cần được xây dựng về chất lượng và số lượng theo những trọng trách đó trở thành một trong những nhân tố phát triển Việt Nam.

Nói tới đổi mới, xây dựng một nền chính trị Việt Nam hiện đại càng không thể không nhấn mạnh trước hết tới đội ngũ các nhà chính trị, nhất là các thủ lĩnh chính trị ở tầm chiến lược, với tư cách là chủ thể quyết định mô hình thể chế chính trị, sự vận hành và sức mạnh của nền chính trị quốc gia. Họ là những nhà chiến lược và có ảnh hưởng chiến lược tới vị thế, sức mạnh và uy tín quốc gia một cách lâu dài. Ở họ không chỉ hội tụ, thể hiện và tỏa sáng quyền lực của nhân dân mà còn thể hiện quyền năng, quyền lực của nền chính trị quốc gia và quyền uy chính trị cá nhân, với tư cách là nhà chính trị mang tầm chiến lược, trong Nhà nước pháp quyền. Họ là rường cột, là tinh hoa của tinh hoa đội ngũ cấp chiến lược.

Vì thế, trước hết và sau cùng, họ phải là những chân nhân tài!

Nhân tài là ai?

Xưa nay, nước ta trải mấy ngàn năm, thời nào, triều đại nào cũng cần có người hiền tài. Hiền tài là tinh hoa của trời đất, thần thái của dân tộc, khí phách của Tổ quốc. Họ là hàn thử biểu về sự thịnh suy của một thời, của một triều chính cũng như của quốc gia, xã tắc.

Nhưng, nhân tài chân chính thường khuất danh, ẩn tích. Ngọc không bán rao. Vì thế, ông cha ta nối đời quý trọng và đau đáu mời gọi, thiết tha chiêu cầu nhân tài.

Truyền thống cầu hiền được để lại có lẽ bắt đầu từ đời Hùng Vương thứ VI sai sứ đi khắp nước cầu người hiền tài ra đánh giặc Ân xâm lược và Thánh Gióng vươn dậy thành người khổng lồ cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đằng ngà đánh tan quân xâm lược. Lịch sử chép rằng, các vua Lý Cao Tông, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Lê Thái Tổ ban “Chiều cầu hiền” năm Kỷ Dậu 1429 tới hoàng đế Quang Trung xuống “Chiếu cầu hiền” năm Mậu Thân 1788; rồi các bậc tôn vương khác ở mọi thời: Lý Nhân Tông, Hồ Hán Thương, Cảnh Thịnh - Nguyễn Quang Toản, Minh Mệnh, đều ban “Chiếu cầu ngôn”, chiếu cầu người nói thẳng… Tất cả đều hướng mong đợi nhân tài, cầu người tài giỏi, đạo đức ra giúp nước và trông đợi họ từ trong muôn dân, khắp sơn hà xã tắc và cả người nước ngoài ở Việt Nam!

Cách nay hơn 530 năm, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung viết: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vua Lê Thánh Tông từng răn bảo thái tử: Dù là thiên tử, con trời, đứng đầu trăm họ, có quyền uy tuyệt đối với thần dân, có quyền phong chức tước cho thần linh, các vị vua chúa các triều đại vẫn thấy rằng một mình không thể đảm đương được trọng trách, mà phải dựa vào dân, dựa vào nhân tài của đất nước. Và, hơn hai trăm ba chục năm trước, hoàng đế Quang Trung nói: Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc.

Gần 77 năm trước, ngày 16-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân tài và kiến quốc”, Người khẳng định: Kiến quốc có chắc thành công thì kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết thì phải có nhân tài. Chỉ ít tháng sau đó, ngày 20-11-1946, trong lá thư Người gửi khắp nước, mong “Tìm người tài đức”, có lời: Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Có thể xem đây như bản chiếu cầu hiền cách mạng.

Nhìn khắp, dù rất phong phú nhưng nay, có thể nói, chưa thấy kiến giải diện mạo chân nhân tài hoàn bị, ngõ hầu đủ để xét đoán nhân tài là thế nào, tư chất, khí phách, hành động của nhân tài ra sao,… để có định chế mời gọi, kế sách trọng dụng và đối đãi nhân tài sao cho xứng đáng.

Nhân tài là người giấu mình, luôn nghĩ trước, nói trước, làm trước, hy sinh trước, quyết không nệ vào danh tiếng hão, càng quyết không mưu cầu và buộc mình vào lợi lộc. Họ sống và hành động, tất cả vì công việc, vì cộng đồng, rộng và cao hơn hết, vì danh dự và lợi ích của quốc gia, xã tắc, sau cùng mới là vì liêm sỉ, phẩm giá cá nhân...

Nhân tài là người trước nhất nghĩ ra điều chưa ai nghĩ được, nhìn thấy điều chưa ai nhìn thấy, nói những điều không ai có thể nói hoặc dám nói, làm những việc không ai có thể làm được, tổ chức hành động thì không ai có thể sánh bằng. Và, điều quan trọng nhất, khi bình công, lại là người giấu mình, chối bỏ hoặc bất đắc dĩ phải đi sau cùng trong chuyện tôn vinh danh tiếng, càng đi sau cùng trong lúc nhận thưởng hoặc hưởng thụ, thậm chí chối từ hay quyết không nhận sự tấn phong, chối từ mọi đối đãi.

Nói khái lược, nhân tài là ở chính mỗi người, trong khắp mọi người không kể là ai, ở khắp mọi nơi, trên mọi lĩnh vực và thời nào cũng có. Người chưa tài tu dưỡng sẽ thành nhân tài, người tài rèn luyện sẽ thành hiền tài, thiên tài… Đó là lẽ thường thấy xưa nay. Một quốc gia may mắn là quốc gia có nhiều bậc hiền tài.

Nếu ai là người nhìn thấy trước những điều sẽ đến, những việc nhất định đến mà chưa ai nhìn ra; nói những điều cần nói ấy mà chưa ai dám nói; truyền cảm hứng lôi cuốn cộng đồng làm những việc ấy cần làm mà chưa ai dám làm; chịu trách nhiệm trước hết tất cả những công việc đó, kiên quyết bảo vệ cộng đồng hành động theo mình mà chưa ai dám chịu trách nhiệm; và là người đi sau cùng trong việc nhận lợi ích từ tất cả những công việc mà nhân tài nhìn thấy, nói và làm đó, nhất là trước những khúc quanh của thời cuộc hay bước ngoặt của lịch sử, có khả năng làm thay đổi thời thế và tạo nên cả sự chuyển vần của lịch sử… thì người ấy là nhân tài vậy.

Và, nếu xem nhân tài là người nhìn ra, biết nắm lấy chân lý, biết hành động theo quy luật, biết giữ lấy, cố kết, phát triển và dẫn dắt lòng người hành động theo chân lý, vì cộng đồng; vì quốc gia, dân tộc, dâng hiến cộng đồng, thậm chí quên cả bản thân mình thì cùng với thông qua tuyển chọn và sự tự khẳng định (thi cử, tiến cử, khoa bảng, tự tiến cử…) nhưng nhất định phải chọn lấy họ thông qua kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn, với những đóng góp của họ rất nổi bật hoặc làm thay đổi thực trạng hoặc tạo ra điều mới chưa từng có hoặc tạo ra thời thế hoặc chuyển vần lịch sử hoặc tạo ra vận khí quốc gia hoặc thậm chí đảo lộn đời sống quốc tế… thì nhất định cần tôn vinh họ là nhân tài, thậm chí là bậc kỳ tài, quyết sẽ không nhầm lẫn. Đời người có thể không có học vị nhưng không thể không có học vấn, lại càng không thể không có nhân phẩm. Nhân phẩm là học vị cao nhất, vừa có tài vừa có đức mới thực sự là người trí tuệ, là nhân tài chân chính.

Nhìn dưới mọi góc độ, có thể nói, ở họ, chung đúc 5 phẩm chất: Tầm nhìn - Năng lực - Tỏa sáng - Dẫn dắt - Cống hiến.

Ấy là những bậc chân nhân tài vậy!

Nhân tài rất đa dạng, thường bao gồm 5 loại: Nhân tài, hiền tài, thiên tài, vĩ nhân và thánh nhân. Và, nhân tài thể hiện rất đa diện, nhưng tựu trung ở đây, dưới góc độ chính trị xã hội, thể hiện trên 5 phương diện chính, gọi là: Chính trị gia, quản trị gia, quản lý gia, kỹ trị gia và phát minh gia.

(Còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/131406/co-che-va-he-the-che-phat-hien-thu-hut-tuyen-chon-trong-dung-nhan-tai-lanh-dao-quan-ly