Có 313 loại vi khuẩn trên 1cm2 nút bấm thang máy

- Đó là số vi khuẩn được phát hiện có mặt trên các nút bấm thang máy. Các nhà khoa học thế giới đã đưa ra nhiều cảnh báo về những nơi trú ngụ của vi khuẩn mà chúng ta ít ngờ tới, đặc biệt là ở nơi công cộng, đe dọa nguy cơ lây nhiễm bệnh tật và mất an toàn vệ sinh.

Vi khuẩn ở khắp nơi GS Joe Rubino, một thành viên của Hội đồng Vệ sinh, Bệnh viện Hoàng gia London (Anh), đồng thời là Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu và phát triển các hoạt động chăm sóc và bảo vệ toàn cầu của Quỹ Reckitt Benckiser cho biết, bất cứ thứ gì mà ta động chạm vào nhiều, đều để lại vi khuẩn trên đó. Theo các kết quả nghiên cứu vi khuẩn, ống nói của điện thoại trong phòng làm việc có thể chứa khoảng 2.000 loại vi khuẩn khác nhau. Bồn cầu, vòi nước, nắm đấm cửa, chậu rửa, đặc biệt là ở các nhà vệ sinh công cộng, chính là nơi ẩn chứa nhiều loại vi trùng nguy hiểm nhất. Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho biết bể bơi, nhà tắm ở trong các phòng tập thể thao là nơi ẩm ướt, rất thích hợp với các vi trùng, nấm mốc gây chứng hôi chân. Nguy cơ lây nhiễm khác nhau Theo ThS Phạm Đức Phúc, phòng nghiên cứu Các nhiễm trùng đường ruột, khoa Vi khuẩn, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, vi khuẩn có từ nhiều nguồn khác nhau như bụi bẩn trong không khí, từ tay chân bẩn của mỗi người, mồ hôi, đồ dùng... Các loại vi khuẩn này rất khó kiểm soát và lây chéo nhau cho người tiếp xúc. Trong môi trường công cộng, có rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Có loại sinh sản và phát triển rất ít và chậm, tuy nhiên sự tồn tại lại rất lâu và mang lại nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nhưng cũng có những loại vi khuẩn rất yếu, chỉ khi sinh ra và gặp nhiệt độ môi trường không phù hợp là đã chết, loại này ít nguy hại cho sức khỏe con người hơn. Ngoài ra, việc lây nhiễm vi khuẩn cũng có nhiều dạng với từng đối tượng cụ thể khác nhau. Ví dụ, người già và trẻ em sức đề kháng kém thì nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn so với người trưởng thành. Bên cạnh đó, người ít tiếp xúc sẽ ít ảnh hưởng hơn người tiếp xúc nhiều. Cụ thể như người đi thang máy ngày chỉ 1 lần thì sẽ ít nguy cơ hơn người đi 10 lần. Rửa tay để hạn chế lây nhiễm Tại các điểm tiếp xúc công cộng như cầu thang, bấm cầu thang máy, bệnh viện... cần vệ sinh bằng hóa chất diệt khuẩn trong các thời gian thường xuyên và cụ thể. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cần có các kiểm tra xem các chất đó có tác dụng như thế nào đối với các loại vi khuẩn tại khu vực vệ sinh, tác dụng của nó là bao lâu để có thể hạn chế ở mức cao nhất. Các chất diệt khuẩn cũng không nên sử dụng nhiều hóa chất mạnh mà chủ yếu nên dùng dung dịch chứa cồn, chất sát khuẩn và tinh dầu để không có nguy cơ nếu còn tồn dư. Đối với mỗi người, nên hạn chế tiếp xúc vẫn là tốt nhất. Ngoài ra, rửa tay bằng xà phòng là việc cần làm sau mỗi lần đi ra ngoài về, bởi bàn tay không sạch sẽ là nơi dễ nhất để truyền nhiễm các mầm bệnh liên quan đến thực phẩm. Khánh Hiền

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1994/201010/Co-313-loai-vi-khuan-tren-1cm2-nut-bam-thang-may-1773188/