Có 20 trạm BOT có khoảng cách dưới 60 km

Trong tổng số 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, có 10 trạm (chiếm 11%) có khoảng cách 60- 70 km do địa hình vị trí đặt trạm bảo đảm 70 km không thuận lợi. Có 20 trạm (chiếm 23%) có khoảng cách dưới 60 km, 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT chủ yếu thực hiện đầu tư trước năm 2011, do trước đây các trạm này thu phí nộp ngân sách.

Ảnh minh họa.

Ngày 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).

Theo báo cáo của Chính phủ, căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì ban hành quy định việc đặt trạm thu phí (Thông tư số 159/2013/TT-BTC).

Theo đó, nếu đường bộ đặt trạm thu phí có khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường bảo đảm tối thiểu 70 km thì do Cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không bảo đảm tối thiểu 70km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ Giao thông vận tải thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ), UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương).

Đối với đường cao tốc thực hiện theo hình thức thu phí kín thì không quy định cự ly các trạm thu phí.

Về hiện trạng các trạm thu phí, hiện có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông vận tải quản lý 73 trạm thu phí (55 trạm đang thu, 18 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý 15 trạm.

Trong tổng số 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, có 10 trạm (chiếm 11%) có khoảng cách 60- 70 km do địa hình vị trí đặt trạm bảo đảm 70 km không thuận lợi.

Có 20 trạm (chiếm 23%) có khoảng cách dưới 60 km, 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT chủ yếu thực hiện đầu tư trước năm 2011, do trước đây các trạm này thu phí nộp ngân sách.

Báo cáo Chính phủ đánh giá trong quá trình thực hiện, trình tự, thủ tục liên quan đến việc xác định vị trí trạm thu phí, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật.

Để hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với người dân trong khu vực trạm thu phí, trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải có chính sách miễn phí đối với xe thô sơ, xe máy nông nghiệp, xe gắn máy; đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư phải bán vé quý, vé tháng để các phương tiện cơ giới có quyền đi lại nhiều lần nhưng chỉ trả phí một lần trong ngày.

Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành khai thác vẫn còn có một số ý kiến phản ánh của người dân về vị trí trạm và tính công bằng của người sử dụng. Nguyên nhân cơ bản có thể kể đến là: Một số vị trí đặt trạm thu phí lựa chọn chưa thực sự phù hợp; tâm lý không đồng thuận của người sử dụng do việc thay đổi từ miễn phí sang đóng phí sử dụng đường bộ; chính sách phí đối với thu phí lượt (hở) không thể công bằng tuyệt đối.

Qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp và ý kiến của Đoàn giám sát Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xử lý những bất cập về giá tại 6 trạm và rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống trạm thu giá để đưa ra giải pháp xử lý tất cả các trạm còn lại trên toàn quốc.

N,MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/co-20-tram-bot-co-khoang-cach-duoi-60-km-3078391.html