Có 2 lí do khiến Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo khó ra đề kiểm tra định kì chung

Chương trình 3 bộ sách giáo khoa được sắp xếp khác nhau là một trong những lí do khiến Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo khó ra đề kiểm tra định kì chung.

Việc Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề kiểm tra định kì chung nhận được nhiều sự quan tâm và ý kiến trái chiều của đội ngũ nhà giáo.

Một số ý kiến cho rằng, Sở/Phòng không nên ra đề kiểm tra định kì chung vì năng lực học sinh của mỗi trường là khác nhau. Trường ra đề kiểm tra riêng giúp giáo viên và tổ chuyên môn làm việc có hiệu quả hơn. Cùng với đó, giả sử có việc lộ đề thì mức độ ảnh hưởng chỉ ở phạm vi nhỏ.

Một luồng ý kiến khác liệt kê những lí do khiến các cơ quan quản lí giáo dục này nên ra đề kiểm tra chung bởi vì: chất lượng đề tốt hơn; đảm bảo tính khách quan; tạo sự công bằng trong kiểm tra đánh giá; hạn chế việc dạy thêm, học thêm; giảm bớt áp lực cho giáo viên.

Quan điểm cá nhân người viết (giáo viên bậc trung học phổ thông) cho rằng, Sở/Phòng khó ra đề kiểm tra định kì chung khi ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì 2 lí do chủ yếu sau đây.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Thứ nhất, chương trình sách giáo khoa cả 3 bộ Chân trời sáng tạo, Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống biên soạn thiếu thống nhất nên Sở/Phòng khó có thể ra đề chung.

Minh chứng, bài viết "Giáo viên phản ánh sách giáo khoa Toán 10 biên soạn không thống nhất gây khó cho học sinh chuyển trường" đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 16/2/2023 cho biết:

"Chương trình sách giáo khoa Toán 10 bộ Cánh Diều thiết kế bài "Bất phương trình bậc hai một ẩn" (Chương III. Hàm số và đồ thị) ở học kì 1. Còn chương trình sách giáo khoa Toán 10 bộ Chân trời sáng tạo thiết kế "Chương II: Bất phương trình bậc hai một ẩn" ở học kì 2.

Người viết đang dạy cả 2 bộ sách giáo khoa môn Ngữ văn 11 (trường công lập và tư thục) nhận thấy, thể loại tùy bút, tản văn bộ Chân trời sáng tạo đưa vào học kì 1, còn bộ Cánh Diều ở học kì 2.

Như vậy, nếu Sở/Phòng ra đề kiểm tra định kì chung thì chỉ có thể ra những phạm vi kiến thức được cả 3 bộ sách giáo khoa biên soạn giống nhau. Ví dụ, sách giáo khoa Ngữ văn 11 bộ Chân trời sáng tạo và Cánh Diều đều biên soạn chủ đề thơ ở học kì 2.

Theo ghi nhận của người viết, khoảng hơn 10 năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh không ra đề kiểm tra định kì chung cho các trường trung học phổ thông.

Các trường được tự chủ ra đề dựa vào nội dung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau mỗi kì kiểm tra định kì (học kì 1, học kì 2), chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố họp các tổ trưởng chuyên môn để rút kinh nghiệm chung về đề kiểm tra.

Thứ hai, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá định kì học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông như sau (trích):

"1. Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
- Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút."

Theo quy định này, việc đánh giá định kì đối với học sinh được thực hiện qua các hình thức: 1) bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), 2) bài thực hành, 3) dự án học tập.

Nếu Sở/Phòng ra đề kiểm tra định kì chung thì chỉ có thể ra theo hình thức thứ nhất - kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính. Trong khi đó, các tổ chuyên môn hoàn toàn có thể cho học sinh làm bài kiểm tra định kì theo hình thức thực hành hoặc dự án học tập.

Người viết cho rằng, việc tổ chức kiểm tra định kì theo hình thức thực hành hoặc dự án học tập là phù hợp với Chương trình mới - dạy học theo phẩm chất năng lực học sinh.

Chẳng hạn, kiểm tra định kì theo dự án học tập đòi hỏi học sinh phải tự thu thập thông tin, số liệu từ thực tiễn về các vấn đề liên quan đến nội dung bài kiểm tra để viết báo cáo.

Cùng với đó, các trường tự ra đề kiểm tra định kì sẽ chủ động gia giảm thời gian làm bài cho học sinh. Ví dụ, đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn 10 có thể ra 60, 70 phút thay vì 90 phút, giúp giảm áp lực cho các em trong quá trình làm bài. Còn đề của Sở Giáo dục và Đào tạo thường ra 90 phút.

Cần biết thêm, Điều 2 Thông tư 12/2020/TT-BGDĐT quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo như sau (trích):

"Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 12 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục..."

Theo người viết, Sở/Phòng không nhất thiết phải ra đề kiểm tra định kì mà nên phân cấp phân quyền cho các nhà trường phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo cần tập trung ra đề thi tuyển sinh vào 10, đề thi học sinh giỏi văn hóa và các cuộc thi khác có liên quan là phù hợp nhất.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2021-tt-bgddt-207846-d1.html

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-12-2020-tt-bgddt-huong-dan-chuc-nang-nhiem-vu-so-phong-giao-duc-va-dao-tao-183846-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-2-li-do-khien-so-phong-giao-duc-va-dao-tao-kho-ra-de-kiem-tra-dinh-ki-chung-post242125.gd