Clever Group (ADG) hoạt động quảng cáo trực tuyến nhưng quá nửa tài sản đem đi đầu tư tài chính và BĐS

Clever Group (ADG) công ty quảng cáo trực tuyến có tiếng nhưng trong thời gian qua, một lượng lớn tài sản lại được mang đi đầu tư tài chính và bất động sản.

Clever Group (ADG) công ty công nghệ nhưng đầu tư mạnh vào tài chính

Clever Group (mã ADG) có tiền thân là CTCP Quảng cáo Thông minh, là đơn vị gắn liền với huyền thoại khởi nghiệp của chủ tịch Nguyễn Khánh Trình. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là mảng quảng cáo trực tuyến và hiện cũng đang đầu tư vào một số dự án công nghệ khác.

Trong thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh của Clever Group đang có một số biến động. Trong đó lượng lớn tài sản đã được chuyển sang đầu tư tài chính và bất động sản, vốn không phải là hoạt động kinh doanh chính của Clever Group.

 Một nửa tài sản của Clever Group (ADG) là đầu tư tài chính và bất động sản (Ảnh TL)

Một nửa tài sản của Clever Group (ADG) là đầu tư tài chính và bất động sản (Ảnh TL)

Điển hình trong Quý 2/2023, tổng tài sản của Clever Group đạt được 425,9 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính chiếm 239,8 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 56,3% trên tổng tài sản.

Trong đó, công ty có 91,4 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng. Còn lại 148,4 tỷ đồng là các khoản đầu tư trái phiếu ngắn và dài hạn.

Cụ thể, các khoản đầu tư trái phiếu này của các công ty: Công ty TNHH Sài Gòn Glory (66,3 tỷ đồng); CTCP Hưng Thịnh Land (6,5 tỷ đồng); CTP Đầu tư Tân Thành Long An (50 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và PT Thủy điện ĐăkPsi (26 tỷ đồng); CTCP Đầu tư năng lượng Nam Phương (5 tỷ đồng); CTCP Thương mại Công nghệ An Phát (553 triệu đồng).

Bên cạnh đó, Clever Group cũng đang đầu tư bất động sản và cũng vừa bị HoSE nhắc nhở trong việc công bố thông tin giao dịch bất động sản trong ngày 13/9/2023 vừa qua.

Nguyên nhân là bởi trong ngày 29/6/2023, ADG đã mua lại biệt thự B8-12 Dự án khu biệt thự nhà vườn và thể thao giải trí tại xã Xuân Tiến, huyện Thạch Thất, Hà Nội của Chủ tịch HĐQT - ông Nguyễn Khánh Trình. Biệt thự này được định giá 29,2 tỷ đồng và phía ADG bị nhắc nhở do chậm công bố thông tin giao dịch trên.

Sau giao dịch, chỉ tiêu về bất động sản đầu tư của ADG đã tăng từ 4,9 tỷ lên 34,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ với giao dịch mua lại biệt thự của chủ tịch Trình do chưa có đủ cơ sở để xác định giá trị hợp lý của giao dịch nêu trên.

Lợi nhuận Quý 2 sụt giảm 67%, cổ phiếu đảo chiều lao dốc từ sau tháng 3

Tình hình kinh doanh của Celver Group trong nửa đầu năm 2022 không mấy khả quan. Tại Quý 1/2023, doanh thu thuần chỉ đạt 82,2 tỷ đồng, giảm 30,2% so với cùng kỳ. Công ty ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 1,1 tỷ và lỗ sau thuế 1,6 tỷ đồng.

Sang đến Quý 2, tình hình đã có cải thiện nhưng vẫn chưa khả quan. Doanh thu thuần đạt 100,1 tỷ đồng, giảm 22,3% so với Quý 2/2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 7,5 tỷ đồng, giảm 67,4% so với cùng kỳ.

Phía Clever Group đã giải trình nguyên nhân gây sụt giảm lợi nhuận do tình hình khó khăn của kinh tế sau đại dịch, nhiều công ty thắt chặt và hạn chế kinh phí cho hoạt động quảng cáo. Điều này đã gây sụt giảm doanh thu bán hàng, đồng thời chi phí bán hàng tăng cao cũng gây nên tình trạng sụt giảm lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh không khả quan đã phần nào tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu ADG. Cổ phiếu ADG từng chạm đáy thấp nhất ở mức giá 22.950 đồng/cổ phiếu tại phiên ngày 9/1/2023. Sau đó, mã ADG đã có những nhịp hồi phục về lại đỉnh 39.100 đồng/cổ phiếu tại phiên ngày 5/4/2023 trước khi đảo chiều giảm giá liên tục.

Tại phiên giao dịch hiện tại ngày 26/9/2023, mã ADG chỉ còn giao dịch ở mốc giá 26.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 33,2% chỉ trong vài tháng. Xu hướng giảm của cổ phiếu ADG đã kéo xuống sát vùng đáy thấp nhất trong lịch sử từng tạo lập vào đầu tháng 1/2023 vừa qua.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/clever-group-adg-hoat-dong-quang-cao-truc-tuyen-nhung-qua-nua-tai-san-dem-di-dau-tu-tai-chinh-va-bds-post266192.html