Cleopatra được gì khi biến Caesar thành người tình

Với trường hợp này, câu trả lời đơn giản hơn - chắc chắn là mọi thứ.

 Poster phim "Cleopatra" (1963). Ảnh: Etsy.

Poster phim "Cleopatra" (1963). Ảnh: Etsy.

Em trai cô và các quan cận thần của cậu ta kiểm soát một đội quân hùng mạnh hơn cũng như lòng trung thành, ít nhất là trong lúc này, của người dân Alexandria vốn căm ghét người La Mã.

Nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ từ thế lực bên ngoài vương quốc của mình, Cleopatra cầm chắc thất bại trong ván cược đoạt lại ngai vàng. Nếu không có Caesar, điều tốt nhất cô có thể hy vọng là một cuộc chiến vô ích và có lẽ dấu chấm hết cho cuộc đời cô là cảnh lưu đày thảm hại tại một triều đình ngoại quốc nào đó. Nhưng với sự hỗ trợ của Caesar, cô đã có được sức mạnh quân đội của toàn thể quốc gia chuyên chế La Mã.

Chúng ta không biết liệu các cảm xúc của Cleopatra với Caesar là chân thành hay giả tạo - có lẽ cô hẳn sẽ thấy câu hỏi này thật chẳng liên quan - nhưng tình cảm từ phía Caesar sẽ bảo đảm ngai vàng cho cô. Nếu có cơ hội nào đó để cô mang giọt máu của Caesar, thậm chí cô còn hy vọng thằng bé có thể kết nối Ai Cập với thành Rome hệt như Alexander đã đoàn kết Hy Lạp với các vùng đất xa xưa của phương Đông.

Không cần biết lịch sử và các động cơ cho chuyện tình của họ có là gì, Caesar đã bị Cleopatra hút hồn tới nỗi ngay lập tức ông cho gọi em trai cô tới nhằm hòa giải hai chị em họ ngay trong đêm đó.

Ptolemy kinh ngạc khi thấy Cleopatra ngay trong chính cung điện của mình, ngồi bên cạnh Caesar. Thậm chí cậu ta còn kinh ngạc hơn khi nhận ra Caesar đã đứng về phía Cleopatra trong cuộc tranh chấp.

Chàng thanh niên trẻ lao ra ngoài, hòa vào đám đông đang bu lại sáng sớm hôm đó, la hét chửi rủa sự phản bội của La Mã, giật vương miện xuống khỏi đầu và sụp xuống trong nước mắt.

Người Alexandria biết rõ Ptolemy là một đứa trẻ hư đốn và là con rối của các quan cận thần, nhưng họ căm phẫn khi thấy người của mình bị một tên quan chấp chính La Mã làm nhục. Đám đông nhao lên giận dữ và chẳng bao lâu đe dọa sẽ tràn vào cung điện bằng vũ lực.

Caesar nhanh chóng xuất hiện trước mắt họ và cam đoan với họ rằng những ý định của ông hợp với đạo lý - ông chỉ đơn thuần muốn thực hiện những ước nguyện của nhà vua quá cố, Ptolemy Auletes, và mang lại hòa bình cho vùng đất đang hỗn loạn này.

Ông triệu tập một cuộc họp hội đồng nhân dân ở Alexandria và thúc giục người dân khôi phục lại chế độ cùng trị vì của vị vua trẻ Ptolemy và nữ hoàng Cleopatra. Với tư cách là nhà lãnh đạo thành Rome, thậm chí ông còn dỗ ngọt bằng cách hứa hẹn sẽ khôi phục sự cai trị của Ai Cập tại đảo Síp, đã được Cato sáp nhập vào La Mã nhiều năm về trước.

Philip Freeman/NXB Dân trí & Bách Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cleopatra-duoc-gi-khi-bien-caesar-thanh-nguoi-tinh-post1441888.html