Chuyện về phát thanh viên huyền thoại Liên Xô bị Hitler coi là 'kẻ thù số 1'Tin khácNgành giáo dục tận dụng thời gian 'vàng' để dạy họcĐảm bảo chất lượng thuốc, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Hitler đã treo thưởng 250.000 mark Đức để 'lấy đầu' phát thanh viên huyền thoại Liên Xô. Ngay cả nhà lãnh đạo Joseph Stalin cũng chỉ đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách 'kẻ thù' của trùm phát xít Đức.Là người con trai có cha làm thợ may và mẹ làm nội trợ, cậu học sinh lớp 9 Yury Levitan khăn gói từ thành phố Vladimir lên thủ đô Moscow, mang theo giấc mơ trở thành một nghệ sĩ vĩ đại. Lúc đầu ông không được nhận vào Học viện Sân khấu do giọng nói địa phương của mình, nhưng sau đó đã tham gia một nhóm phát thanh viên do nghệ sĩ nổi tiếng Vasily Kachalov tuyển chọn.Phát thanh viên huyền thoại Liên Xô Yury Levitan trên sóng phát thanh. Ảnh: TASS.

Số phận của chàng trai 19 tuổi Levitan, người khi đó vẫn đang thử sức với nghề phát thanh, đã được quyết định khá sớm. Tháng 1-1934, khi nghe thấy giọng đọc của ông trên sóng phát thanh, nhà lãnh đạo Joseph Stalin đã gọi điện cho Chủ tịch Ủy ban Phát thanh và yêu cầu từ nay chính phát thanh viên này sẽ đọc các báo cáo của mình trên đài. Vậy là, với chất giọng hiếm có về âm sắc và biểu cảm, thực tập sinh Yury Levitan đã trở thành phát thanh viên chính của Liên Xô.

Giọng đọc của Levitan đã giúp các thính giả, thậm chí khi họ nghe những tuyên bố và bản tin khủng khiếp nhất, vẫn giữ được tâm trí và niềm tin vào chiến thắng. Có thông tin cho rằng, khi nghe thấy giọng đọc của ông, trùm phát xít Đức Hitler đã nổi cơn thịnh nộ và ra lệnh treo cổ ông đầu tiên sau khi chiếm được Moscow.

Sau chiến tranh, Nguyên soái Liên Xô Konstantin Rokossovsky đã nhận xét rằng, giọng đọc của Levitan có sức mạnh tương đương với cả một sư đoàn.

Lời xướng “Đây là Tiếng nói Moscow!”

Sáng 22-6-1941, điện thoại của Ủy ban Phát thanh bị “cháy máy” bởi những cuộc gọi của các phóng viên gọi đến từ Kiev và Minsk. Họ thông báo về một cuộc tấn công bất ngờ của quân phát xít Đức. Moscow lo ngại có hành động khiêu khích, nhưng phát thanh viên Yury Levitan vẫn được triệu tập đến làm việc để đề phòng mọi việc có thể xảy ra.

Ngay sau đó, nhân viên chuyển phát mang từ Điện Kremlin đến một chiếc phong bì, trong đó có tờ giấy với hai dòng chữ cần được truyền đi trên sóng phát thanh. Nội dung cụ thể là: “Một thông điệp quan trọng của Chính phủ sẽ được phát đi vào lúc 12 giờ trưa nay”.

“Xin chú ý! Đây là Tiếng nói Moscow! Hỡi nhân dân Liên Xô! Chúng tôi xin phát đi lời tuyên bố của Chính phủ Liên Xô. Hôm nay vào lúc 4 giờ sáng, không đưa ra yêu sách gì với Liên Xô, cũng không tuyên chiến, quân Đức đã tấn công đất nước chúng ta…”, Yury Levitan thông báo cho cả nước trên sóng phát thanh.

Bắt đầu từ mùa Thu năm 1941, lời xướng “Đây là Tiếng nói Moscow!” được Levitan đọc đi từ thành phố Sverdlovsk (nay là Ekaterinburg). Ông đã được đưa từ Moscow đến đó một cách tuyệt mật sau khi quân Đức cố gắng ném bom xuống Trung tâm Phát thanh Moscow. Levitan nhận lệnh của Tổng tư lệnh tối cao và các báo cáo của Cục Thông tin Liên Xô từ Moscow chuyển đến qua điện thoại.

Tháng 3-1943, Yury Levitan được đưa đến thành phố Kuibyshev (nay là Samara), nơi khi đó đặt trụ sở Ủy ban Phát thanh. Tuy nhiên, trước khi kết thúc chiến tranh, tất cả mọi người đều tin rằng, giọng đọc của ông được phát đi từ thủ đô Moscow. Mãi một phần tư thế kỷ sau đó, thông tin về việc Levitan từng làm việc tại Sverdlovsk mới được giải mật.

“Phát xít Đức đã bị đánh bại!”

Ngày 9-5-1945, Levitan được triệu tập đến Điện Kremlin và trao cho văn bản Lệnh của Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô về việc chiến thắng phát xít Đức. Sau 35 phút nữa sẽ phải đọc trên sóng phát thanh. Để vào phòng đọc thì cần phải đi băng qua Quảng trường Đỏ, trong khi trên Quảng trường là cả biển người. Một người bạn của Levitan, nhà chính luận Yury Belkin, đã trích dẫn hồi ký của phát thanh viên huyền thoại Liên Xô trong các bài viết của mình: “Tôi hét lên, thưa các đồng chí, làm ơn cho tôi đi qua để theo công việc! Và chúng tôi được trả lời: Còn việc gì ở kia nữa chứ! Levitan sẽ phát đi lệnh chiến thắng trên đài phát thanh bây giờ thôi. Hãy đứng lại đây cùng mọi người và lắng nghe đi!”. Vậy là Levitan buộc phải gấp rút quay lại Điện Kremlin, bởi nơi đó cũng có một đài phát thanh riêng. Vào lúc 21 giờ 55 phút, ông gỡ niêm phong ra khỏi phong bì và đọc: “Đây là Tiếng nói Moscow! Phát xít Đức đã bị đánh bại!”.

Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), Levitan đã đọc 2.000 bản báo cáo của Cục Thông tin Liên Xô. Tuy nhiên, khi đó chúng không được thu âm lại. Vào những năm 1950, ông được yêu cầu ghi và lưu lại cho lịch sử một phần những báo cáo và thông tin này vào băng từ.

“Tôi không thể phụ lòng mọi người. Họ đang chờ đợi tôi”

Lần đầu tiên Yury Levitan bị phát hiện đau tim là vào năm 1945, khi ông đang đọc trên sóng phát thanh các tài liệu về Trại tập trung Auschwitz. Được chẩn đoán ông sẽ qua đời vì lên cơn đau tim, nhưng điều đó đã xảy ra gần 40 năm sau tại thị trấn Prokhorovka, vào năm 1983, trong lễ kỷ niệm trận chiến Kursk. Trước thời điểm đó, phát thanh viên đầu tiên của Liên Xô đã đọc trên sóng thêm nhiều tuyên bố của Chính phủ và phóng sự phát đi từ Quảng trường Đỏ, đồng thời thông tin cho cả thế giới biết về chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ…

Trước khi lên đường đến thị trấn Prokhorovka, Yury Levitan có than phiền với bạn bè về căn bệnh đau tim của mình. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực thuyết phục của bạn bè để ông không đi nữa, nhưng ông vẫn trả lời ngắn gọn: “Tôi không thể phụ lòng mọi người. Họ đang chờ đợi tôi”.

Theo Quandoinhandan

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/binh-luan-quoc-te/447329-chuyen-ve-phat-thanh-vien-huyen-thoai-lien-xo-bi-hitler-coi-la-ke-thu-so-1.html