Chuyện về những thương binh 'tàn nhưng không phế'

Trở về sau cuộc chiến, nhiều cựu chiến binh, thương binh còn mang trên mình vết thương chiến tranh nhưng họ đã và đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, trở thành những thương binh 'tàn nhưng không phế'…

Thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh Lê Huy Nguyện (giữa) kể lại kỷ niệm khi ông bị thương. Ảnh: N.HÀ

Theo chân các đoàn công tác đến tặng quà, thăm hỏi người có công nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023) trên địa bàn H.Long Thành những ngày tháng 7, chúng tôi đã ghi nhận nhiều tấm gương thương binh nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Dù trên cơ thể còn nhiều vết tích chiến tranh nhưng với họ còn được sống, được trở về sau ngày hòa bình lập lại là may mắn hơn rất nhiều đồng đội nên luôn nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn.

Gương mẫu trong cuộc sống

Thương binh 4/4 Trần Công Quy (ngụ ấp An Viễn, xã Bình An, H.Long Thành) luôn được người dân kính trọng, nể phục không chỉ vì ông là thương binh, mà còn là tấm gương sáng luôn nỗ lực vươn lên xây dựng kinh tế gia đình, đặc biệt mẫu mực trong các hoạt động của địa phương.

Theo lãnh đạo H.Long Thành, hiện nay 100% người có công trên địa bàn huyện đều có mức sống tốt. Trong đó, hơn 85% người có công có mức sống khá, giàu so với dân cư cùng khu vực sinh sống. Việc tri ân người có công với cách mạng, tìm địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, đền ơn, đáp nghĩa với những người hy sinh, người có công trong sự nghiệp bảo vệ độc lập của Tổ quốc được thực hiện hiệu quả thời gian qua.

Ông Quy chia sẻ: “Trong khắc nghiệt của chiến tranh, giữa sự sống và cái chết, chúng tôi chỉ có ước mơ duy nhất là đoàn kết vượt khó để góp phần giải phóng đất nước khỏi ách xâm lăng, bảo vệ độc lập. Người trước ngã xuống, người sau xung trận xông lên! Được trở về khi đất nước độc lập là may mắn hơn rất nhiều đồng đội nên phải gương mẫu, vượt qua thương tật, ghi nhớ lời Bác Hồ dạy “tàn nhưng không phế”.

Lúc còn khỏe, ông tích cực tham gia các hoạt động của địa phương từ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã đến hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin… Khi sức khỏe giảm sút, không thể tiếp tục tham gia công tác, ông tích cực hỗ trợ truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ đi sau. Ông vận động gia đình các con dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải luôn cố gắng vươn lên.

Chủ tịch Hội CCB xã Bình An Phan Thanh Hiền cho hay, để có những tuyến đường nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao như hiện nay, sự làm gương, công sức vận động của ông Quy cùng gia đình không nhỏ.

“Ông Quy đã đến từng hộ trong ấp để vận động người dân làm đường. Những con đường sạch đẹp trong ấp An Viễn hôm nay đều có công sức của ông Quy” - ông Hiền nhấn mạnh.

Cũng là một thành viên tích cực của xã Bình An, CCB, thương binh 4/4 Võ Văn Minh, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Bàu Tre bộc bạch: “Tôi trải qua nhiều gian nguy của cuộc chiến, còn được sống, được trở về là may mắn hơn đồng đội nên phải nỗ lực để sống thay những người đã hy sinh. Còn sức, còn trí tuệ, làm được gì cho địa phương thì làm”.

Theo Chủ tịch UBND xã Bình An Hoàng Thị Thùy Trinh, xã đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 nên sự ủng hộ của toàn dân, nhất là những thương binh, CCB như các ông Quy, ông Minh là rất lớn.

“Là những người trực tiếp trải qua chiến tranh, chứng kiến những mất mát, đau thương; bản thân các ông cũng gửi lại một phần cơ thể nơi chiến trường nên các ông rất có uy tín, tiếng nói. Họ lại phát huy tốt bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn gương mẫu trong cuộc sống nên thành quả xây dựng nông thôn mới nâng cao và mục tiêu phấn đấu nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương chắc chắn sẽ đạt được” - bà Trinh bày tỏ.

Vượt lên nỗi đau

Ở xã Long Phước (H.Long Thành), câu chuyện của thương binh, bệnh binh, CCB, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đảng viên Lê Huy Nguyện, 75 tuổi đời, gần 55 năm tuổi Đảng làm người nghe, người chứng kiến hiểu thêm một khía cạnh “khốc liệt” khác sau cuộc chiến. Dù chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ nhưng nỗi đau vẫn âm ỉ với ông và gia đình.

Ông Nguyện kể, từ năm 1968 đến sau giải phóng miền Nam 1975, ông có mặt trong nhiều chiến dịch lớn cũng như giúp nước bạn Campuchia giải phóng tỉnh Kampongcham. Cả 5 người con của ông đều bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin…

Nỗi đau là thế nhưng ông vẫn vươn lên, biến vùng đồng chua nước mặn thành nơi làm giàu cho gia đình. Đặc biệt, hơn 10 năm (2006-2017) ở cương vị Bí thư Chi bộ ấp Tập Phước (Đảng bộ xã Long Phước), ông đã góp phần để chi bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu; ấp Tập Phước là ấp văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Liên tục từ năm 2006 đến nay, dù ở cương vị bí thư hay là một đảng viên cao tuổi, ông luôn được công nhận đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chủ tịch Hội CCB xã Long Phước Lê Huy Minh cho biết, CCB, thương binh 4/4 Lê Huy Nguyện luôn phát huy tốt bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu mọi mặt trong cuộc sống, thực sự là tấm gương mẫu mực để những đảng viên trẻ, thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202307/chuyen-ve-nhung-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-3172195/