Chuyện về những 'Thiên thần áo trắng' Vĩnh Phúc

Kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên đến nay, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cùng cả nước, với quyết tâm cao nhất, với những quyết sách táo bạo, thần tốc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; trong đó, nổi bật ở vị trí tuyến đầu là các y, bác sĩ - những chiến sĩ/“thiên thần áo trắng” - tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước khống chế, ngăn chặn, kiểm soát đại dịch.

Bác sĩ Bùi Văn Khang trong những ngày làm việc tại Bệnh viên đa khoa Thủ Đức

Bác sĩ Bùi Văn Khang trong những ngày làm việc tại Bệnh viên đa khoa Thủ Đức

Lá thư tri ân của người về từ cõi chết

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 9 năm 2021

THƯ CẢM ƠN

- Kính gửi Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức.

- Các bác sĩ đang công tác và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức - khoa Hồi sức chống độc.

Cô tên là Nguyễn Thị Ngọt, là vợ của bệnh nhân Nguyễn Văn Chiến, hiện đang nằm ở khoa Hồi sức chống độc, giường số 7.

Cách đây hơn hai tháng, vào ngày 29 tháng 6 năm 2021, chồng cô phải nhập viện Đa khoa Thủ Đức do dương tính với Covid-19 và cả nhà cô phải đi cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia. Theo thời gian ủ bệnh, lần lượt các thành viên trong nhà gồm hai vợ chồng đến con trai cả, hai đứa cháu và đứa con trai thứ hai đều dương tính.

Thư cảm ơn của gia đình bệnh nhân Nguyễn Văn Chiến (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thư cảm ơn của gia đình bệnh nhân Nguyễn Văn Chiến (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Còn chồng cô phải chuyển sang khoa Hồi sức trong tình trạng suy hô hấp. Bệnh tình ngày càng tiến triển nặng và phải thở máy. Chỉ còn lại cô và cô con gái út may mắn âm tính cả 3 lần và được trở về nhà. Bản thân cô là một người vợ, một người mẹ vào thời điểm đó đã rất hoang mang và tuyệt vọng.

Gia đình cô rất lo lắng và suy sụp khi nghe tin các bác sĩ thông báo chú Chiến, tiên lượng nặng, có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Cô và gia đình đã hoàn toàn suy sụp. Mỗi lần gọi điện đến khoa Hồi sức để hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của chú Chiến là mỗi lần đón nhận thêm sự lo lắng, dù cô biết rất khó khi phải đối diện với sự thật.

Nhưng bằng cái tâm và sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ trong khoa Hồi sức chống độc, điều kỳ diệu đã đến với chồng cô. Một người phải thở máy gần hai tháng, đang đối diện với tử thần cuối cùng cũng hé lên được tia sáng hy vọng. Tia sáng hy vọng ấy được chính tay các bác sĩ trong khoa Hồi sức thắp lên. Mỗi lần gọi điện đến khoa Hồi sức, nghe giọng một bác sĩ khác với hôm qua là cô hiểu được sự vất vả của các bác sĩ luôn phải tranh thủ thay phiên nhau trực để giành lấy sự sống cho bệnh nhân và cho chồng cô. Cô thấy rất cảm kích và biết ơn các bác sĩ, những người luôn túc trực bên cạnh chồng cô và các bệnh nhân 24/24 để chăm sóc, cứu chữa cứ như đang chăm sóc người nhà của mình vậy.

Các bác sĩ thân mến! Tất cả chúng ta đang ở trong trong một giai đoạn rất khó khăn, giai đoạn mà bản thân cô đã sống hơn 50 năm rồi mà chưa từng gặp phải. Cô không thể gặp mặt được các bác sĩ, không thể trực tiếp bắt tay và cảm ơn từng người, từng người một. Thật lòng cô rất muốn trao cho các bác sĩ một cái ôm. Cô luôn cảm thương và hiểu được sự hy sinh vất vả của các bác sĩ. Cô biết các bác sĩ không mong được đền đáp gì cả. Cô chỉ ước một điều, sau này dịch bệnh qua đi, cô có thể mời các bác sĩ đến dùng bữa cơm với gia đình cô.

Cô không biết đền đáp như thế nào mới hết được ơn nghĩa các bác sĩ đã dành cho gia đình cô. Cô chỉ có chút quà là thức ăn và trái cây gửi đến cho các bác sĩ khoa Hồi sức, để các bác sĩ bồi dưỡng có sức khỏe tốt để cứu sống thêm được nhiều người vượt qua cửa tử một cách kỳ diệu như chồng cô.

Chân thành cảm ơn

Nguyễn Thị Ngọt

Tất cả vì bệnh nhân

Đó là nguyên văn bức thư của cô Nguyễn Thị Ngọt - vợ bệnh nhân Nguyễn Văn Chiến - người đã được các y, bác sĩ cứu sống khi ông Chiến mắc Covid-19 chuyển nặn với tiên lượng xấu. Và một trong những “thiên thần áo trắng”, người đã trực tiếp góp phần đưa ông Chiến trở lại với cuộc sống là bác sĩ Bùi Văn Khang (sinh năm 1981) - Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc - thành viên đoàn công tác số 2 tham gia chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyện kể rằng: Khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Phúc đã cử đoàn công tác số 2 lên đường hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch từ ngày 13/7/2021. Đoàn gồm 40 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên do bác sĩ Lê Anh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên làm trưởng đoàn.

Tới Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.

Điểm đặc biệt trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đó là, bệnh nhân không có người thân chăm sóc. Vì vậy, ngoài việc cấp cứu, thăm khám, lập phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên còn kiêm luôn công việc vệ sinh cá nhân, an ủi, động viên, giúp bệnh nhân ăn uống, thu dọn rác thải, phun khử khuẩn buồng bệnh; thậm chí, trực tiếp khâm liệm bệnh nhân khi họ không may qua đời.

Dù gặp không ít khó khăn, nhưng với chuyên môn vững vàng và kinh nghiệm có được sau 2 tháng trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc, bác sĩ Khang cùng các đồng nghiệp đã nhanh chóng bắt kịp yêu cầu công việc, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân nặng.

Những ngày tháng chiến đấu với tử thần mang tên “Covid-19” để giành giật sự sống cho từng bệnh nhân đã để lại trong ký ức đoàn công tác cũng như bác sĩ Khang nhiều kỷ niệm khó quên. Một trong những kỷ niệm đó là việc điều trị, cứu sống bệnh nhân Nguyễn Văn Chiến (57 tuổi).

Bệnh nhân Chiến đã nhập viện điều trị từ khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, do bệnh ngày càng trở nặng, ông Chiến bị suy kiệt cơ thể, hôn mê, phải liên tục lọc máu, thở máy… tiên lượng không qua khỏi. Trước tình hình đó, với quyết tâm “còn nước còn tát”, bác sĩ Khang quyết định sử dụng kỹ thuật mở khí quản, hỗ trợ đường thở cho bệnh nhân.

Và điều kỳ diệu đã đến. Từ tình trạng cận kề cái chết, bệnh nhân Nguyễn Văn Chiến đã dần hồi phục - điều mà trước đó, không ai dám nghĩ tới. Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này, bác sĩ Khang cho biết thêm: Mỗi bệnh nhân được cứu sống, trở về với gia đình, không chỉ là niềm vui to lớn cho người bệnh và gia đình họ, mà còn là niềm vui, nguồn động lực đặc biệt cho y, bác sĩ chúng tôi trên tuyến đầu chống dịch.

Được biết, đoàn công tác số 2 có 10 bác sĩ, còn lại là các điều dưỡng, kỹ thuật viên. Được bác sĩ Lê Anh Tiến - Trưởng đoàn - giới thiệu, qua điện thoại, tôi gặp và trò chuyện với chị Hoàng Thị Hằng Nga (sinh năm 1983), công tác tại Trung tâm Y tế Phúc Yên.

Chị chia sẻ: Vào Thành phố Hồ Chí Minh, em được điều về khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Hàng ngày, em cùng kíp trực gồm 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng viên theo dõi sức khỏe, chăm sóc, điều trị cho 60 bệnh bệnh nhân chạy thận nhân tạo nhiễm Covid-19.

Ngoài công việc chuyên môn, chúng em còn thay người nhà chăm sóc bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân… Công việc bận rộn và đặc biệt căng thẳng. Lại làm việc liên tục trong điều kiện mang đồ bảo hộ đặc biệt, với ca trực 12 giờ/ngày, nên chỉ khoảng sau ba, bốn giờ làm việc, mồ hôi đã đổ như tắm, ướt sũng từ đầu đến chân. Tuy nhiên, chúng em động viên nhau, cố gắng làm việc. Biết chúng em từ Vĩnh Phúc vào hỗ trợ chống dịch, có những bệnh nhân khi hồi phục, tỉnh táo trở lại, đã nói: “Chúng tôi rất cảm động, rất biết ơn các cô đã phải xa gia đình vào đây để giúp chúng tôi…”.

Nói về thành quả mà đoàn công tác số 2 đã đạt được sau đợt công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Lê Anh Tiến - Trưởng đoàn - cho biết: Trong hai tháng, cán bộ y tế của đoàn đã cùng với cán bộ, nhân viên bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đã điều trị cho khoảng 2.200 bệnh nhân mắc Covid-19, cứu sống rất nhiều bệnh nhân nặng, khoảng 1.500 bệnh nhân đã xuất viện, số còn lại đang tiếp tục được chăm sóc và điều trị…

Xa nhà, làm việc trong điều kiện dịch bệnh nguy hiểm, sự sống cái chết cận kề; lại thêm nỗi nhớ gia đình (nhiều thành viên trong đoàn công tác đã gửi con nhỏ cho người thân để lên đường làm nhiệm vụ); nhưng đoàn công tác số 2 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của những lương y - từ mẫu. Trong những tháng ngày u ám bởi dịch bệnh hoành hành, mỗi y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch thực sự là những chiến binh dũng cảm, những “thiên thần áo trắng”, đã kiên cường chiến đấu, từng bước khống chế và chiến thắng dịch bệnh, mang lại sự sống cho bao người như bệnh nhân Nguyễn Văn Chiến.

Khi tôi viết những dòng này, ngày 27/2 - Ngày Thầy thuốc Việt Nam đã kề cận; qua điện thoại, bác sĩ Phạm Việt Hưng - Chánh Văn phòng Sở Y tế Vĩnh Phúc - chia sẻ: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, 7.200 cán bộ, y, bác sĩ ngành Y tế Vĩnh Phúc vẫn ngày đêm có mặt trên tuyến đầu, với quyết tâm cao nhất, cùng cộng đồng chiến thắng dịch bệnh, đưa bình yên trở lại với cuộc sống.

Được biết, trong quá trình làm việc, có nhiều y, bác sĩ đã bị lây nhiễm dịch Covid-19, nhưng chưa khi nào, tinh thần làm việc của các chiến sĩ/“thiên thần áo trắng” Vĩnh Phúc nguôi vơi.

***

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn không ít cam go, bởi dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao. Tuy nhiên, ngành Y tế Vĩnh Phúc đã luôn chủ động ứng phó với những kế hoạch cụ thể, hiệu quả. Ông Lê Hồng Trung - Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc - cho biết: Đến hết ngày 21/2/2022, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã sẵn sàng thực hiện và thực hiện hiệu quả việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại nhà/nơi cư trú.

Tới ngày 26/2/2022, toàn tỉnh có 65.156 bệnh nhân đang điều trị tại nhà; trong đó, có 99,31% bệnh nhân mức độ nhẹ. Dù số ca bệnh điều trị tại nhà tăng, nhưng không có ca chuyển biến nặng. Đó chính là bước tiến mới, cho thấy hiệu quả của chiến dịch bao phủ vắc-xin toàn tỉnh; đồng thời cũng là thành tựu của công tác chỉ đạo, điều hành, chuyển trạng thái phòng chống dịch một cách linh hoạt, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Lê Hồng Trung khẳng định: Bên cạnh việc được hưởng các chính sách hỗ trợ như bệnh nhân vào điều trị tập trung, người điều trị tại nhà sẽ được cán bộ y tế, tổ Covid-19 cộng đồng thăm khám, hướng dẫn, cấp phát thuốc, sẽ không có trường nào bị bỏ quên, không được thăm khám hay không được phát thuốc. Đây là việc chuyển từ nhận thức, cho đến tư duy, triển khai thực hiện của Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, ngành y tế, mặt trận tổ quốc…

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022), thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã gửi thư chúc mừng, động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động ngành Y tế Vĩnh Phúc. Đồng chí đặc biệt ghi nhận và biểu dương những kết quả quan trọng mà ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được trong thời gian qua.

Bức thư có đoạn viết: “Với nhiệm vụ cao cả là lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đội ngũ cán bộ y tế đã không ngừng vượt qua khó khăn, gian khổ, thậm chí có cả những hy sinh, mất mát chưa từng có trong lịch sử xây dựng và phát triển ngành. Dù vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã cùng với cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trung ương, địa phương và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh chủ động, nỗ lực, quyết tâm ngăn chặn, khống chế và đẩy lùi đại dịch COVID-19, từng bước đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới.”.

Cuộc sống đang tiếp diễn, và chúng ta luôn hy vọng, tin tưởng vào ngày mai. Ngày mai, bình yên sẽ trở lại, bởi luôn có những con người - những chiến binh quả cảm, những “thiên thần áo trắng” đã và đang hết lòng vì cuộc sống bình yên.

Vĩnh Nguyên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/74237/chuyen-ve-nhung-%E2%80%9Cthien-than-ao-trang%E2%80%9D-vinh-phuc.html