Chuyện về những thiên tài xuất thân từ gia đình nghèo khó, đông con

Đó là nhà khoa học Nga nổi tiếng Dmitry Mendeleev, người con thứ 17 trong gia đình, là nhà sinh lý học Ivan Pavlov, người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel, một trong 10 người con của gia đình… Tuy sống trong điều kiện khó khăn, họ vẫn được bố mẹ yêu thương, dạy dỗ chu đáo.

D.Mendeleev, I.Pavlov, M.Kalashnikov, Y.Gagarin (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới)

* Thiên tài D. Mendeleev, một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Nga sinh năm 1834. Ông nội của D. Mendeleev là linh mục Chính thống giáo. Bố của D.Mendeleev đã tốt nghiệp trường dòng, sau đó học Đại học sư phạm Saint Petersburg và trở thành giáo viên. Ông kết hôn với bà Maria Kornilyeva - đại diện của thương gia vùng Siberia và được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường trung học. Ông bà có 17 người con, trong đó D. Mendeleev là con út.

Khi D. Mendeleev được một tuổi, bố của ông bị mất thị lực và mất chức. Kể từ đó, việc kiếm tiền đổ lên vai bà Maria. Được anh trai giúp đỡ, bà Maria làm quản lý nhà máy thủy tinh, nuôi các con, xây trường học và nhà thờ. Tuy bố qua đời vì bệnh lao, mẹ mất sau đó, D. Mendeleev vẫn được theo học Đại học sư phạm Saint Petersburg. Nhà khoa học lỗi lạc, người đã đi vào lịch sử với tư cách là tác giả của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học (còn gọi là Bảng tuần hoàn Mendeleev), nhiều lần khẳng định rằng tất cả những nét tính cách tốt nhất trong ông trước hết được mẹ nuôi dưỡng bằng chính tấm gương của bà…

* Nhà sinh lý học Ivan Pavlov, người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel sinh năm 1849 tại Ryazan trong gia đình linh mục ở giáo xứ nghèo. Bố mẹ của ông có 10 người con. I. Pavlov học giỏi, đã tốt nghiệp trường thần học và chủng viện. Vào năm cuối của trường dòng, ông đã đọc cuốn sách “Phản xạ của não bộ” của Giáo sư Ivan Sechenov, nhà tâm lý học, nhà sinh lý học, nhà khoa học y tế người Nga.

Vào năm 1870, I. Pavlov trở thành sinh viên của Đại học Tổng hợp Saint Petersburg. Do có trình độ học đại học, vào năm 1875, ông được nhận vào học năm thứ 3 Học viện Y khoa và Phẫu thuật Saint tại Petersburg. I. Pavlov là nhà khoa học Nga đầu tiên được nhận giải Nobel cho công trình nghiên cứu về chức năng của các tuyến tiêu hóa chính vào năm 1904. Dù gặp nhiều khó khăn, tính cách được hình thành do cách nuôi dạy trong gia đình đông con giúp ông vượt qua tất cả. Kết thúc cuốn tự truyện của mình, I. Pavlov viết: “Xin cảm ơn bố và mẹ, những người đã cho con cuộc sống dung dị, không áp đặt và cơ hội được học đại học”.

* Thiên tài quân khí Mikhail Kalashnikov - cha đẻ của súng AK-47 sinh năm 1919 trong một gia đình nông dân ở vùng Altai của Nga. Bố mẹ ông đã sinh được 19 người con. M.Kalashnikov là con thứ 17. Theo M.Kalashnikov, bố ông luôn làm gương cho các con, giáo dục các con yêu và biết lao động. Năm 1930, do bị coi là “kulak” (phú nông), gia đình của M. Kalashnikov bị tịch thu tài sản, bị trục xuất tới tỉnh Tomsk. Tại đây, bố ông mắc bệnh và qua đời khiến anh em M. Kalashnikov phải chịu cảnh đói rét, bệnh tật. Để có thể vượt lên, ông quyết tâm đi học dù trường cách nhà 15km.

Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nổ ra, M. Kalashnikov ra mặt trận. Do bị thương, ông phải nhập bệnh viện. Ở đó, ông nghiên cứu cách chế tạo vũ khí và bắt đầu các phác thảo, tự tạo mẫu. Vào năm 1947, khẩu súng trường tấn công Kalashnikov được chế tạo thành công. Ngày nay, AK là loại vũ khí phổ biến nhất và đang được hơn 50 quân đội nước ngoài sử dụng.

* Nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin sinh năm 1934 tại làng Klushino, tỉnh Smolensk trong gia đình đông con. Y. Gagarin có chị gái và 2 em trai. Bố của Y. Gagarin - ông Alexei Gagarin là thợ mộc, còn mẹ - bà Anna làm ở trang trại bò sữa. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, gia đình Gagarin chuyển đến thành phố Gzhatsk (nay là Gagarin). Y. Gagarin thừa nhận rằng, vào những thời điểm khó khăn nhất của chuyến bay, ông nhớ tới mẹ, nhớ giọng nói và bàn tay của mẹ - bàn tay người thợ vắt sữa đông con. Y. Gagarin hiểu rằng nghèo khó không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần. Nghèo tinh thần đáng sợ hơn nhiều…

Theo Argumenty i Fakty

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-ve-nhung-thien-tai-xuat-than-tu-gia-dinh-ngheo-kho-dong-con-post539316.antd