Chuyện về những nhân vật quái lạ

'Tục thế kỳ nhân' là tập hợp các truyện ngắn viết về những nhân vật quái lạ, những kỳ nhân giữa đời thường.

Nhà văn Phùng Kí Tài cùng nhiều nhà văn Trung Quốc khác như Mạc Ngôn, Lý Nhuệ, Diêm Liên Khoa, Thiết Ngưng, Vương Sóc, Dư Hoa… vốn chẳng còn xa lạ với bạn đọc Việt Nam hiện nay. Sự xuất hiện của họ làm đa dạng thêm danh sách những nhà văn Trung Quốc được dịch từ những năm bốn mươi, năm mươi của thế kỷ trước như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Lão Xá, Tào Ngu, Mao Thuẫn, Lâm Ngữ Đường…

Với riêng trường hợp nhà văn Phùng Kí Tài từng được dịch giả Phạm Tú Châu dịch cách nay trên 20 năm. Trong đó tiểu thuyết Gót sen ba tấc được trao tặng thưởng dịch thuật năm 1998 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Cùng Gót sen ba tấc bà còn dịch Roi thần, Âm dương bát quái - đây là ba cuốn trong bộ Quái thế kỳ đàm (chuyện kỳ lạ ở đời quái lạ). Đến năm 2018 nhà văn Phùng Kí Tài viết thêm một cuốn nữa có tựa đề Ống nhòm một mắt kết thúc chuỗi Quái thế, gọi là Quái thế kỳ đàm bộ tứ khúc.

Nhưng thực ra bộ Quái thế kỳ đàm chưa dừng lại ở đấy, có những nhân vật kỳ quái dân gian chưa được dùng tới trong bộ tứ tiểu thuyết kể trên. Có những câu chuyện vẫn còn dang dở, nếu bỏ đi thật uổng phí.

Cuối cùng, nhà văn nảy ra ý nghĩ ghi chép lại để cho hậu thế có thể một lần nữa mường tượng, thưởng ngoạn được khuôn mặt của những con người của vùng đất Thiên Tân xưa. Cuốn sách thành hình có tên Tục thế kỳ nhân, người đưa nó đến với bạn đọc Việt Nam là dịch giả Châu Hải Đường.

 Sách Tục thế kỳ nhân. Ảnh: P.T.

Sách Tục thế kỳ nhân. Ảnh: P.T.

Những kỳ nhân đời thường

Tục thế kỳ nhân nói đơn giản là tập hợp các truyện ngắn viết về những nhân vật quái lạ. Một Tô Bảy Đồng, thầy lang chuyên về nắn chỉnh xương khớp. Bệnh nhân bất kể là ai, giàu nghèo, quen thân mỗi lần chữa bệnh đều mất bảy đồng, không hơn không kém. Một Lý Quét Vôi khi quét vôi đều mặc trên mình bộ quần áo đen, quét xong mà trên người tuyệt nhiên không có một chấm trắng của vôi vấy vào.

Hay Đại Hồi người có tài câu cá, không có loài gì dưới nước ông ta không câu được. Người khác khi câu dựa vào may rủi, riêng Đại Hồi nhìn cá dưới nước mà như trong bể nhà mình vậy, thích lấy con nào lên là lấy được ngay. Từ ba ba trong hang đến cá chép phóng sinh buộc chỉ đỏ trên lưng vào dịp Tết. Một sợi chỉ buộc là một năm. Ba sợi buộc là bắt lên, phóng sinh lại ba lần rồi - cá này tương truyền thả xuống sông có thể vượt long môn. Cá buộc một sợi chỉ đã rất tinh khôn rồi. Cá buộc ba sợi chỉ đỏ chỉ có Đại Hồi mới biết bắt được thế nào, ở đâu.

Rồi Du Lục người bán thuốc, kẹo của anh ta có đến 48 loại; không chỉ có các vị thuốc như trà cao, đan quế, gừng tươi, hồng hoa, mai khôi, đậu khấu, vỏ quýt, sa nhân, hạt sen, hạnh nhân cay, bạc hà…; còn có các thứ quả ngon cũng được cho vào kẹo như lê, đào, mận, hồng, tì bà, chuối tiêu, anh đào, mơ, táo chua, dưa hấu…

Tuyệt kỹ bán hàng cũng rất khéo, tay trái cầm túi giấy, tay phải cầm muôi đồng đi quanh thùng kẹo, hất nắp múc đúng số lượng, loại kẹo mà khách hàng yêu cầu chứ không dùng kẹp gắp như các hàng kẹo khác.

Với người đọc sách ấn tượng nhất trong Tục thế kỳ nhân là truyện về ông Tư Bạch nói tiểu thuyết võ hiệp. Chiều chiều, ông Tư đến nhà tắm có gian phòng cho riêng mình ngâm nước nóng thỏa thuê. Sau đó ông nằm lên giường, người phục vụ mang đồ ăn vặt như ô mai, đậu phộng, mứt… cùng một bình trà hoa nhài đến.

Ông vừa uống trà, nhâm nhi đồ ăn, vừa đọc cho người của tòa báo ghi lại tiểu thuyết dài kì đăng vào ngày tiếp đến. Mỗi chiều như thế có đến bốn năm tòa báo đến đợi ghi đoạn kế tiếp của tiểu thuyết võ hiệp dài kì đang đăng. Lạ cái ông Bạch nhớ rất rõ, tỉ mỉ, mạch lạc các tuyến nhân vật, thắt nút mở nút, người đọc chờ đợi gì, chương trước dừng ở đâu, chương này diễn tiến ra sao của từng tiểu thuyết, không hề lẫn lộn với nhau. Cứ như thể ông đang đọc giấy cho người ta ghi lại chứ không phải vừa nghĩ vừa đọc vậy.

 Tục thế kỳ nhân là sự nối dài của bộ Quái thế kỳ đàm. Ảnh: T.Đ.

Tục thế kỳ nhân là sự nối dài của bộ Quái thế kỳ đàm. Ảnh: T.Đ.

Tục thế kỳ nhânVang bóng một thời

Khi đọc Tục thế kỳ nhân người đọc không thể không liên tưởng đến tập truyện Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân. Ví như trong Vang bóng một thời có các nhân vật truyền kỳ như Bát Lê ở trong Chém treo ngành; Lý Văn trong Ném bút chì; Cụ phó Sần trong Trên đỉnh non Tản… đều có nét gì đấy giống Trương Tượng Đất trong truyện cùng tên; Dương Súng Chạc (súng cao su buộc vào chạc gỗ hình chữ y) có tài bắn súng chuẩn xác, uy lực như súng Tây; Trịnh Long Bào trong một lần vua Càn Long đi vi hành gặp mưa, trú trong chiếc thuyền đánh cá nhỏ của mình mà số phận thay đổi đến không ngờ.

Nhất là Sách Thất trong truyện Trương Quả Lão, mua sáu bức tượng đầu tiên trong bộ tượng Bát tiên quá hải gồm Hán Chung Ly, Thiết Quải Lý, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa với nửa giá bình thường là bốn dây. Đến bức Hàn Tương Tử phải mua với giá hai dây. Đến bức cuối cùng, Trương Quả Lão phải mua với giá sáu dây.

Ở bức tượng cuối cùng phải mua bằng tiền bảy bức trước cộng lại, nhưng không mua không được, mua để đủ. Người bán đã đánh trúng vào tâm lý cầu đủ, lòng tham của người sưu tầm đồ cổ. Để rồi khi biết giá chính thức trên thị trường của bộ tượng ấy chỉ có sáu dây, bằng nửa giá đã mua, Sách Thất mới òa hiểu ra mình đã bị đưa vào tròng giăng sẵn.

Trường hợp Sách Thất gặp có phần nào giống với điều cụ Sáu trong Những chiếc ấm đất của Nguyễn Tuân. Đầu tiên cụ chỉ bán thân ấm, mà bán rất rẻ. Còn nắp ấm để dành, cụ định khi người mua đã say ấm rồi cụ sẽ bán nắp ấm thật đắt. Bởi có ấm đẹp rồi ai chẳng muốn một cái nắp thật vừa vặn.

Truyện Chữ người tử tù với Huấn Cao có nét nào đấy tương đồng truyện Mười ba không dựa với nhân vật Uông Vô Kỳ. Uông Vô Kỳ viết chữ vẽ tranh rất đẹp nhưng tuyệt nhiên chỉ nhận mình là người bán bút. Viết và vẽ cũng chỉ do riêng bản thân mình mà thôi. Cả đời sống theo tôn chỉ của 13 điều không dựa là: quyền quý, danh nhân, nhà giàu, vô lại, gia sản, thân thích, bằng hữu, đàn bà, ơn huệ nhỏ, dối lừa người, tặng tranh chữ, bán tranh chữ và liều mạng. Trước khi chết bảy ngày đem tất cả tranh, chữ trong thư trai cùng cây bút lông gà dùng cả đời ra châm lửa đốt hết.

Tập Tục thế kỳ nhân kết thúc bằng truyện Cột Cờ, viết về một anh chàng cao hơn người bình thường đến bốn cái đầu, ăn khỏe cũng gấp bốn. Anh vẫn chịu đói chịu rét vì sự quá cỡ của mình. Cho đến khi nhận được công việc soát vé ở công viên thì mới có thể ngày ba bữa cơm no.

Lúc này, khách đến chơi công viên nhiều hơn nhằm thỏa mãn sự tò mò của mình khi đứng trước một con “quái vật khổng lồ”. Song mọi sự nhanh chóng kết thúc với Cột Cờ vì sự ghen ghét của người làm cùng, họ vu cho anh giấu tiền thưởng. Anh bị đuổi việc, không thanh minh, cởi áo mũ trả lại rồi về nhà chịu đói chết - từ đó cao nhân, kỳ nhân Thiên Tân chẳng còn.

Tập Vang bóng một thời kết thúc bằng truyện Trên đỉnh non Tản viết về những người thợ của làng Tràng Thôn, tổng Kim Quan, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây đi sửa đền Thượng cho đức thánh Tản Viên do vua Thủy Tề dâng nước. Mỗi lần sửa đền xong đều phải nuốt một lá trúc để giữ bí mật non xanh. Kẻ nào tiết lộ bí mật của thần đều phải chịu cái chết, lá trúc kia như lưỡi dao găm gài sẵn trong người chỉ chực xiên ngang.

Im lặng hay lên tiếng?

Những người thợ làng Tràng và anh chàng Cột Cờ đều chọn im lặng. Bởi những thứ họ có đều là những thứ đã qua…

Các nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Tuân và Phùng Kí Tài, dù khác nhau, trong không gian, thời gian, văn hóa khác nhau, đều là những vang bóng của một thời. Họ đều là những kỳ nhân giữa đời thường, những kỳ nhân của một thời đã qua.

Mộc Uyển

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-ve-nhung-nhan-vat-quai-la-post1352703.html