Chuyện về những người mở đường, gánh gạo, kéo pháo vào Điện Biên

70 năm trước những con người ấy đã góp sức mình vào chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Mỗi người mang trách nhiệm và nhiệm vụ riêng, nhưng tất cả đều đồng lòng nỗ lực hết mình, bất kể nguy hiểm hay khó khăn đối diện.

Ở cái tuổi 90, cựu chiến binh Phạm Tinh Vi, trú xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cố lật tìm trong ký ức những ngày tham gia hỗ trợ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể, năm 1953, ông cùng nhiều thanh niên yêu nước khác theo tiếng gọi lên đường hỗ trợ kháng chiến.

Cựu chiến binh Phạm Tinh Vi.

"Năm đó tôi đang học lớp 10 thì bộ đội về địa phương kêu gọi lên đường hỗ trợ chiến dịch. Các anh bảo chuẩn bị tổng tiến công, chiến trường cần thêm nhân lực, ai đồng ý thì dơ tay, chúng tôi ai cũng hăng hái hưởng ứng. Sau khi xem xét đủ các điều kiện và được chọn, chúng tôi lên đường. Được đi chiến trường thì phấn khởi lắm, gia đình cũng ủng hộ và động viên nhiều", ông Vi kể.

Ông Phạm Tinh Vi còn nhớ, ngày đó, đoàn quân băng rừng từ vùng núi huyện Tuyên Hóa rồi ngược Bắc. Trên đường tới chiến trường, có thêm nhiều chiến sĩ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An... gia nhập đội hình. Sau hơn 10 ngày, ông Vi cùng đồng đội được phát súng, cuốc, xẻng, cưa... để thực hiện nhiệm vụ mở đường.

"Cứ di chuyển và thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên chứ khi đó cũng không biết mình đang ở vị trí nào. Khi đó chỉ biết là mở đường từ vùng hậu cứ để chuyển lương thực, vũ khí và quân ra chiến trường Điện Biên. Chúng tôi phối hợp cùng dân công hỏa tuyến tiến hành mở đường, địch nghi ngờ nên bắn phá rất rát", ông Vi cho biết.

Ông Phạm Tinh Vi giới thiệu cho phóng viên những kỷ vật lưu giữ câu chuyện thời chiến mà bản thân ông trải qua.

Địch bắn phá ác liệt nên ông Vi cùng đồng đội vừa mở đường vừa chiến đấu bảo vệ thành quả. Trên tuyến đường ấy, những đoàn người vác, gánh, những đoàn xe thồ thẳng hàng hướng chiến trường Điện Biên mà đi. Sau những ngày mở đường, bám đường, khi nhận tin thắng trận từ chiến trường, ông Vi cùng đồng đội vui sướng vô cùng vì quân và dân ta có một trận đánh lẫy lừng năm châu.

"Khi mở được tuyến đường gần đến vùng Điện Biên Phủ thì chúng tôi được lệnh tiếp tục ở lại trên tuyến để bảo vệ và sửa chữa. Tôi không trực tiếp bắn địch ở Điện Biên Phủ nên cũng thấy mình đóng góp được ít quá", ông Vi chia sẻ.

Sau chiến dịch này, ông Vi tiếp tục theo "binh nghiệp", góp nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với những đóng góp đó, năm 1997, ông Vi được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.

Ông Phạm Tinh Vi được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.

Xuôi về vùng hữu ngạn sông Kiến Giang, đến thăm chiến sĩ Điện Biên Đặng Văn Duy (SN 1930), trú thôn Trung Quán, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được nghe ông say sưa kể về những ngày tháng gian khó mà hào hùng khi ông tham gia chiến dịch.

Ông Duy nhớ lại, bản thân lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 19. Sau khi tham gia huấn luyện, chiến đấu tại đơn vị bộ đội địa phương ở Quảng Bình ông được cử đi học 6 tháng tại phân khu Bình Trị Thiên, được đề bạt làm trung đội phó rồi thuyên chuyển công tác về Đại đoàn 304, một trong những đại đoàn chủ lực tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Duy kể, ngày ấy, bản thân là khẩu đội trưởng của một đơn vị pháo 75mm, thuộc Đại đoàn 304. Đơn vị ông Duy vừa đánh, vừa nghi binh, phân tán lực lượng cơ động chiến lược của địch, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia chiến dịch di chuyển lực lượng, phương tiện thuận lợi.

Chiến sĩ Điện Biên Đặng Văn Duy.

Đơn vị của ông được giao phụ trách khẩu sơn pháo 75mm. Khẩu pháo này nặng khoảng 500kg, đạn mỗi viên nặng 25kg. Để đưa pháo vào trận địa phải tháo nhiều phần rồi chia nhau khiêng. Các chiến sĩ chẻ ống lồ ô (một loại cây họ tre) kẹp 2-3 quả đạn rồi vác vào trận địa.

Khi đã đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa, chỉ chờ nổ súng thì đơn vị ông Duy cùng nhiều đội pháo khác nhận lệnh dừng lại, rút pháo ra. Quá trình đưa pháo vào, gánh pháo ra, rồi đưa pháo vào, các chiến sĩ được quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, bom đạn địch, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần cao nhất.

"Đầu tháng 3/1954, tiếp tục đưa pháo vào, lúc này phải làm lại gần như toàn bộ hệ thống công sự, lá ngụy trang. Pháo của đơn vị chúng tôi nhỏ di chuyển đã rất vất vả, các đơn vị pháo lớn còn khó khăn hơn, cả trăm người mới kéo được. Không chỉ mồ hôi mà còn cả máu đổ khi kéo pháo", ông Duy chia sẻ.

Ông Duy tự hào kể, trong chiến dịch, đơn vị của mình cùng lực lượng pháo binh của ta hoàn thành tốt các nhiệm vụ chế áp, tiêu diệt các trận địa pháo binh địch, khống chế sân bay, đánh phá sở chỉ huy, kho tàng, triệt đường tiếp tế của địch và chi viện hiệu quả cho bộ binh thắt chặt vòng vây, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Đặng Văn Duy có nhiều cống hiến trong cuộc chiến chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Sau chiến dịch, chiến sĩ Duy phục viên, trở về địa phương, tham gia huấn luyện dân quân dự bị, kiêm dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Duy tiếp tục tham gia dân công hỏa tuyến, làm nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, gùi lương, tải đạn tiếp tế bộ đội…

Rồi còn có rất nhiều người con của mảnh đất Quảng Bình góp sức vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Như bà Nguyễn Thị Cành (87 tuổi) trú phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, từng là dân công hỏa tuyến tham gia gánh muối, gánh gạo.

"Trong thời gian diễn ra chiến dịch, lực lượng dân công hỏa tuyến nhận lệnh gánh muối, gánh gạo từ thị xã Ba Đồn, vượt hàng chục km để đưa qua biên giới bên Lào. Sau đó, bộ đội ta sẽ vận chuyển số nhu yếu phẩm này tới Điện Biên để tiếp tế cho các chiến sĩ", bà Cành chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Cành từng cùng nhiều dân công hỏa tuyến những gánh gạo, gánh muối từ Quảng Bình để chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Lê Ngọc Lưu (99 tuổi) trú thôn Cầu Roòng, xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa được biên chế vào Tiểu đoàn 34 Tây Bắc. Đầu năm 1954, đơn vị ông tham gia kéo pháo vào chiến trường. Những khẩu pháo nặng vài tấn được kéo bằng sức người vào trận địa. Gian khổ là vậy nhưng ai cũng quật cường với niềm tin tất thắng.

Đại tá Trần Ngọc Sâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình cho biết, các chiến sĩ Điện Biên cũng như cựu chiến binh nói chung của địa phương luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

Họ cùng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống; luôn nêu cao tình yêu quê hương, đất nước, góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, là niềm tự hào và tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-mo-duong-ganh-gao-keo-phao-vao-dien-bien-169240506130451254.htm