Chuyện về những người mang kịch múa Rôbăm ra đất Bắc

Nhân câu chuyện tạo dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam, Báo Nhà báo & Công luận xin kể về câu chuyện gìn giữ nghệ thuật kịch Rôbăm truyền thống của gia đình nghệ nhân người Khmer Lâm Thị Hương. Chính họ đã góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc Khmer.

1. Cách không xa ngôi chùa Khmer nổi bật với những rực rỡ vàng son, ngôi nhà sàn truyền thống dân tộc Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam khá mộc mạc, khiêm nhường. Đây chính là nơi gia đình nghệ nhân Lâm Thị Hương đã gắn bó suốt 7 năm qua.

Chia sẻ về cuộc sống tại Làng Văn hóa, nghệ nhân Lâm Thị Hương cho biết, năm 2016, đoàn Nghệ thuật Rôbăm Bưng Chông được Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mời ra trình diễn và được thuyết phục ở lại phục vụ khách du lịch. Vậy là từ tháng 4/2016, nghệ nhân Lâm Thị Hương đã cùng chồng, con rời quê hương Sóc Trăng, ra “định cư” tại Làng Văn hóa để tham gia các hoạt động thường xuyên tại Làng.

Nghệ nhân Lâm Thị Hương và nghệ nhân Sơn Đel biểu diễn phục vụ du khách tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Công việc hằng ngày của họ là biểu diễn kịch Rôbăm, giới thiệu với du khách loại hình nghệ thuật truyền thống của người Khmer. Nếu chỉ có một vài khách tới thăm thì gia đình sẽ diễn kịch ngay trong ngôi nhà truyền thống của người Khmer. Thường vào cuối tuần, dịp lễ hội hay khi có đoàn khách đông yêu cầu, các nghệ nhân Rôbăm sẽ biểu diễn phục vụ ở bãi cỏ sân trung tâm Khu các làng dân tộc. Những buổi biểu diễn không chỉ thu hút sự quan tâm của du khách Việt Nam mà nhiều người nước ngoài cũng xem rất chăm chú và không giấu được sự thích thú.

Là một trong những gia đình ở xa nhất và gắn bó lâu nhất với Làng, nghệ nhân Lâm Thị Hương chia sẻ, đến nay, gia đình bà đã quen với nếp sinh hoạt nơi đất Bắc. Ở đây, tất cả việc làm hằng ngày của họ đều xoay quanh để phục vụ khách du lịch. Ban ngày, đoàn biểu diễn múa Rôbăm, buổi tối cả gia đình lại quây quần làm bánh tét, bánh dừa, bánh xèo… để giới thiệu về đặc sản của Sóc Trăng.

“Bảy năm, chúng tôi dần quen với thời tiết nóng thì quá nóng, rét thì quá rét rồi. Nhưng vẫn nhớ nhà lắm, nhất là khi rảnh rỗi. Thế là lại kiếm việc trồng rau, nuôi gà vừa để cải thiện cuộc sống vừa cho nguôi ngoai nỗi nhớ”, bà Hương bộc bạch.

2. Nghệ nhân Lâm Thị Hương là trưởng đoàn Nghệ thuật Rôbăm Bưng Chông - đoàn nghệ thuật có truyền thống gần 200 năm đến từ xã Tài Văn, huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng. Đây là đoàn nghệ thuật gia đình, với các thành viên đều là người trong một gia đình, dòng họ.

Cha bà, nghệ nhân Lâm Hên cũng là người đứng đầu một đoàn kịch múa Rôbăm có tiếng, từng đi lưu diễn khắp nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long những năm 1960-1970. Tính đến nay, bà Hương là đời thứ 6 kế tục, lưu truyền loại hình nghệ thuật kịch múa độc đáo này. Năm 2019, bà vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân Lâm Thị Hương giới thiệu với du khách về trang phục múa Rôbăm.

Theo nghệ nhân Lâm Thị Hương, kịch múa Rôbăm là loại hình nghệ thuật tổng hợp gồm múa, hát, âm nhạc theo từng “lớp tuồng”. Nghệ thuật Rôbăm sử dụng trang phục rất đặc trưng, không lẫn với các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer khác như Dù kê, múa Lâm thôn… Kịch múa Rôbăm thường có hơn 20 nhân vật, chia làm hai phe thiện - ác. Nhân vật đeo mặt nạ thường là vai ác, nhân vật không đeo mặt nạ là vai thiện, mang sứ mệnh chống lại cái ác.

Chia sẻ thêm, ông Sơn Đel - chồng nghệ nhân Lâm Thị Hương cho hay, lúc lên sâu khấu, các diễn viên không chỉ múa, hát, thoại mà còn biểu diễn các động tác tay chân nữa. Ngay cả việc chọn thần thái cho nhân vật phù hợp cũng là bí truyền của mỗi đoàn nghệ thuật. Chính vì thế vũ kịch Rô băm đòi hỏi diễn viên phải có tính chuyên nghiệp cao, người nghệ sĩ trình diễn phải đa năng, thể hiện được hầu hết các vai trong vở diễn.

“Chúng tôi mỗi người có thể đóng nhiều vai khác nhau, khi thì đóng chằn, lúc đóng vai khỉ, đóng vai vua, chơi được nhiều loại nhạc cụ và cũng có thể tự chế tác mặt nạ, mũ mão, trang phục để trình diễn”, nghệ nhân Sơn Đel nói.

3. Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, ngoài người Việt, người Khmer là số ít dân tộc thiểu số ở Việt Nam có sân khấu ca kịch dân tộc cổ truyền. Trong đó, nghệ thuật Rôbăm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - có vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer khi vừa phục vụ nhu cầu văn hóa giải trí, vừa mang tính triết lý và giáo dục sâu sắc. Vì vậy, có thể nói, ở đâu có Rôbăm, ở đó có văn hóa Khmer tồn tại lâu đời.

Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển mạnh vào thập niên 1960-1970, nghệ thuật múa Rôbăm đi vào giai đoạn thoái trào. Sân khấu Rôbăm mất dần khán giả, áp lực kinh tế khiến nhiều nghệ nhân phải rời nghề để làm việc khác mưu sinh. Lớp nghệ nhân cao tuổi dần vắng bóng, còn lớp trẻ Khmer ít người mặn mà theo học khiến loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này có nguy cơ mai một, thất truyền. Đến nay, đoàn nghệ thuật của gia đình nghệ nhân Lâm Thị Hương là đoàn Rôbăm cuối cùng của cộng đồng Khmer ở tỉnh Sóc Trăng.

Với tình yêu vô bờ đối với loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc, tiếp nối truyền thống “cha truyền con nối”, nghệ nhân Lâm Thị Hương quyết tâm gìn giữ và phát triển những nét tinh túy của nghệ thuật Rôbăm. Bởi vậy, việc rời mảnh đất quê cha để đến sống ở Làng Văn hóa là quyết định rất khó khăn, nhưng người phụ nữ này đã vượt qua.

Ở Làng, ngoài bà và ông Sơn Đel, con gái Lý Thị Mỹ Hạnh, còn thường xuyên có 4-5 người trẻ cũng là người trong dòng họ được bà đưa đến để vừa biểu diễn, vừa truyền dạy nghề. Nhờ đó, hàng chục người đã có thể đứng lên sân khấu để biểu diễn Rôbăm. Riêng chị Lý Thị Mỹ Hạnh hiện đã có thể “kế tục” bà trong tất cả các vai khó nhất. Hằng ngày, không chỉ biểu diễn, bà Hương luôn cởi mở giao lưu với khách, giải đáp tỉ mỉ các câu hỏi về “tuồng Rôbăm”, sẵn lòng cầm tay chia sẻ những nét độc đáo của trang phục, đạo cụ của vở diễn…

Nghệ nhân Sơn Đel chia sẻ về các công đoạn tạo tác mũ và mặt nạ của nghệ thuật Rôbăm.

4. Nghệ nhân Lâm Thị Hương cho biết, suốt cuộc đời bà say mê với nghệ thuật Rôbăm đến mức những điệu múa đã ăn sâu vào tiềm thức, trí não của mình. Dù vậy, năm nay bà đã bước vào tuổi 63 và khi được hỏi, gia đình bà có tính đến chuyện về quê, ánh mắt bà và cả ông Sơn Đel bỗng trở nên xa xăm. “Không biết mình sẽ ở bao lâu nữa đâu. Trước mắt mình vẫn ở, đến khi nào thấy sức khỏe mình không thể phục vụ cho Làng thì phải về thôi”, giọng nghệ nhân Sơn Đel chùng xuống.

Chia sẻ thêm, nghệ nhân Lâm Thị Hương cho biết, hiện tại cuộc sống của gia đình bà cũng còn rất nhiều khó khăn. Thu nhập hằng tháng chỉ có 2,5 triệu đồng/người mỗi tháng do Làng Văn hóa chi trả, ngoài ra tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người/tháng. Quê hương xa xôi, đi lại khó khăn, thường mỗi năm gia đình bà chỉ về một lần vào dịp Tết, nhưng gần đây một số khoản còn bị cắt, khiến bà thêm nhiều tâm tư. Rồi việc xin hỗ trợ kinh phí xây dựng một trường học nhỏ ở quê để truyền nghề cho lớp trẻ, bà đã đề đạt từ năm 2013, đến nay vẫn chưa có câu trả lời…

“Không có ai gắn bó với Làng như tôi đâu. Trước giờ khó khăn đến mấy tôi cũng ở lại. Nhưng càng ngày càng khó khăn rồi tuổi tác nữa, gắng lắm mới ở được đến giờ”, bà Hương bày tỏ.

Có sáu người con nhưng nghệ nhân Lâm Thị Hương cho biết, đến nay chỉ còn một người theo nghiệp của bà. Nhiều người được bà truyền dạy, biết múa, biết hát nhưng phải bỏ sân khấu vì phải lo kiếm miếng cơm, manh áo. Dù vậy, ở quê hương vẫn còn một mạch nguồn Rôbăm âm ỉ cháy.

“Chúng tôi ra đây, nhà khóa cửa để đó, 2 công đất cũng để hoang. Phải yêu nghề lắm mới đứng được, không phải dễ đâu. Về quê, tôi gõ trống lên là con cháu đến diễn rất đông. Bởi thế, tôi mong có những hỗ trợ thiết thực nhất để chúng tôi bảo tồn, giữ gìn những vốn quý của dân tộc mình”, bà Hương bày tỏ.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-mang-kich-mua-robam-ra-dat-bac-post244307.html