Chuyện về những người hùng thầm lặng qua trang sách

Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, bên cạnh sự hy sinh, mất mát của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ đã được nhân dân ghi nhớ cũng có chiến công thầm lặng của những chiến sĩ không để lại danh tính hoặc ít người biết đến.

Qua trang sách, dòng hồi ức của đồng đội, các chiến công vẫn được ghi chép trang trọng cho hậu thế biết rằng đã có những con người lặng lẽ tận hiến tuổi xuân, xương máu, thậm chí cả mạng sống của mình cho thắng lợi chung của dân tộc.

Hồi ký Từ Sở Công an Bắc bộ ra đi (NXB Công an nhân dân, 2006) của tác giả Lê Tuấn (Phạm Thụy Uông, nguyên Trưởng Ty Công an Quận 5, Hà Nội trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp) giúp chúng ta biết một tấm gương. Đó là một người liệt sĩ có tên tuổi, nhưng do thân phận mồ côi nên sau khi hy sinh, tên anh chỉ còn sống trong trí nhớ những người đồng đội.

Trong cuốn sách của mình, tác giả Lê Tuấn đặt tên cho câu chuyện về người liệt sĩ đó là Ngôi sao băng. Nhân vật Sơn ‘Đen’ là trẻ mồ côi, lớn lên ở khu vỉa hè Cống Chéo, Hàng Lược, Hà Nội, làm nghề phu đòn đám ma ở cửa hiệu Louis Chức tại phố Hàng Cót trước Cách mạng Tháng 8. Năm 1946, anh xin gia nhập công an để góp phần đánh đuổi thực dân Pháp.

Được phòng Trinh sát thử thách với nhiệm vụ đầu tiên là lấy chiếc ô tô của Sở Công an Bắc Bộ để trong nhà xe. Chỉ sau vài hôm, anh cùng đồng nghiệp chui vào Sở, lừa cho chiến sĩ gác cổng ngủ thiếp rồi đẩy xe ra hồ Ha-le. Nhờ vậy, Sơn ‘Đen’ được làm công an. Đầu tháng 12/1946, anh và mấy người bạn đột nhập kho súng của quân Pháp trong thành Hà Nội lấy đi 8 khẩu súng trường và cả hòm đạn.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Sơn ‘Đen’ được phân công về Đội Hành động, có nhiệm vụ hoạt động vũ trang, chống lại địch, bảo vệ cán bộ và đường dây liên lạc ra vào nội thành. Khi đội đóng quân ở làng thêm nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, chặn đánh địch khi chúng càn quét.

Ngày 19/5/1947, quân Pháp ở Hà Đông tràn về làng Đa Sĩ, Thanh Oai nơi Đội Hành động đóng quân. Theo đúng kế hoạch phân công từ trước, Đội đã triển khai lực lượng kìm chân địch để người dân có thời gian rút khỏi làng ra cánh đồng. Trong trận này, Sơn bị thương vào bụng, ngã xuống. Giặc tràn vào làng bắt được anh. Tên sĩ quan chỉ huy cuộc càn quét cay cú vì bị giết mất một số lính nên ra lệnh xử bắn Sơn ngay ở đầu làng.

“Anh Sơn đã hy sinh quả cảm, nhưng vẫn mãi mãi sống trong tâm tưởng của toàn thể anh chị em Công an quận 5. Khi hòa bình lập lại, tôi có làm giấy xác nhận trường hợp hy sinh của anh để xin được công nhận là liệt sĩ. Nhưng thủ tục quy định: Liệt sĩ được hưởng tiền tuất mà thân nhân của anh Sơn không còn có ai, thậm chí đến quê hương của anh ở đâu, chúng tôi cũng không ai được biết. Tuy vậy, chúng tôi không ai là không nhớ đến anh Sơn với những chiến công thầm lặng”, trích từ Ngôi sao băng.

Tác giả Lê Tuấn ghi lại những dòng đầy xúc động: “Trong cuộc kháng chiến lâu dài của Việt Nam đã có hàng vạn chiến sĩ ‘vô danh’ ngã xuống để làm nên một đất nước Việt Nam hòa bình và độc lập. Các anh sống ngắn ngủi, lấp lánh sáng ngời như ngôi sao băng bay qua bầu trời đêm, rồi vụt tắt chỉ để lại một vệt sáng lung linh, huyền ảo. Cuộc đời của anh Sơn cũng là một đốm sao băng, vụt lóe sáng rồi sớm tắt lịm như vậy, nhưng trong màn trời đêm ấy vẫn còn thấy lung linh, huyền ảo như câu chuyện huyền thoại”.

Những người anh hùng thầm lặng đó còn được giao nhiệm vụ hoạt động ở địa bàn xa xôi, ít người biết đến. Trong cuốn hồi ký Miền sóng vỗ (NXB Quân đội nhân dân, 2011), Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân kể lại câu chuyện diễn ra đầu năm 1954, khi ông đang là cán bộ thuộc Tiểu đoàn 436 - Chí Long - tình nguyện hành quân sang chiến đấu bên nước bạn Lào.

Ông viết: “Tại đây, chúng tôi đóng quân ở trong rừng. Một hôm, chiến sĩ bảo vệ khu vực tiểu đoàn bộ báo cáo có một người đàn ông dân tộc thiểu số xin vào gặp Ban chỉ huy tiểu đoàn. Các đồng chí trong Ban chỉ huy hỏi người đó là ai, chiến sĩ bảo vệ đáp:

- Báo cáo, không rõ. Chỉ biết đó là một người đóng khố, ở trần, da đen cháy, mang theo cái xắc bên hông, tay cầm một cái lao rất giống thợ săn.

Ban chỉ huy tiểu đoàn cho người ra mời vào. Qua câu chuyện, người đàn ông tự giới thiệu:

- Tôi tên là Muồng, Lê Viết Muồng, quân tình nguyện Liên khu 5 được cử lên công tác ở vùng này giúp bạn Lào.

Bấy giờ mọi người mới vỡ ra. Trông ngoại hình không một ai trong chúng tôi dám nghĩ người đàn ông này lại là người Việt, là đồng đội của mình. Đồng chí Muồng cho biết đã hoạt động ở đây được bốn năm, một mình giúp bạn xây dựng, vận động nhân dân theo cách mạng, chống thực dân Pháp. Thực hiện ba cùng - cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất - với đồng bào. Muồng phải chịu đau đớn cà răng, căng tai, đóng khố, mình trần, phơi nắng cho người đen nhẻm rồi học nói tiếng Khạ (một bộ tộc Lào) để dễ bề hoạt động. Sống trong dân, không lấy vợ, đồng chí Muồng đưa bà con vào đấu tranh tận trong đồn giặc mà Pháp cũng không thể phát hiện ra người chiến sĩ Việt Nam ấy. Có lần Liên khu 5 mời đồng chí về họp, nhưng người dân nhất quyết không cho đi. Bà con bảo nếu cán bộ Muồng đi thì chúng tôi không có ai chỉ vẽ, làm sao mà sống được với thằng giặc?”.

Chuyện về người chiến sĩ đặc biệt này khiến Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh vô cùng ấn tượng. Sau hàng chục năm, ông vẫn trân trọng viết trong hồi ký: “Tấm gương hy sinh quên mình, cống hiến cả tuổi đời thanh xuân cho cách mạng của đồng chí Lê Viết Muồng khiến anh em trong đơn vị chúng tôi vô cùng cảm phục. Sau này, mỗi lần có đợt tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tôi lẩn mẩn dò xem có tên đồng chí Muồng không mà vẫn chưa thấy”.

Với bài viết Điện Biên trong tôi, trích Hồi ức Điện Biên (NXB Quân đội nhân dân, 1999), thiếu tướng Nguyễn Chuông, người tiểu đoàn trưởng không may bị giặc Pháp bắt tại chiến dịch Điện Biên Phủ đã nêu cao phẩm chất kiên trung của những chiến sĩ rơi vào tay giặc, đồng thời ông cũng cho độc giả biết về nhiều tấm gương đáng quý khác.

Tướng Nguyễn Chuông kể lại, khi đó ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 155 thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Trong trận đánh vào cứ điểm 105 trấn giữ mạn bắc sân bay Mường Thanh ngày 18/4/1954, ông bị thương rồi bị giặc bắt vào trại tù binh cùng hơn 100 chiến sĩ, đến ngày 7/5/1954 mới được giải phóng.

Ông chia sẻ thông tin ít người biết: “Té ra đến lúc đó mới biết trong số anh em phu phục dịch ở tập đoàn cứ điểm này có tổ chức của ta do một đồng chí đại đội phó của Sư đoàn 320 cùng 20 chiến sĩ được cử vào trà trộn trong hơn 4.000 người dân Thái Bình, Nam Định bị địch bắt lên đây làm phu tải đạn, gạo cho các đồn và tải thương. Anh em biết rất rõ về địch, đã đề nghị với tôi từng ngày tìm cách gặp nhau để trao đổi. Tôi thật không ngờ trong hoàn cảnh như thế mà chúng ta vẫn tổ chức được một lực lượng trung kiên để lãnh đạo và nắm bắt tình hình. Thiết nghĩ, đây cũng là một yếu tố tạo nên thắng lợi cho chiến dịch. Có những anh em đã phải hy sinh mà không chắc có ai biết đến công lao của họ”.

Sau này, tướng Nguyễn Chuông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, rồi Phó Tư lệnh Quân đoàn 29, Phó Tư lệnh Quân khu 2. Nếu không có những dòng ghi chép của ông, các thế hệ sau khó mà biết đến những hy sinh lặng lẽ, thậm chí trong hoàn cảnh oái oăm, của một tập thể đặc biệt như vậy.

Lê Tiên Long

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-anh-hung-tham-lang-qua-trang-sach-2137103.html