Chuyện về người tù mang số hiệu 0436

Cuối năm âm lịch, trên chiếc xe Honda Dream cà tàng, từ Hà Nội, theo đê sông Đuống, ngược những cơn gió mùa Đông Bắc ào ạt, buốt lạnh thấu xương, chúng tôi về thôn Bút Tháp (Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh) gặp ông Vũ Văn Kim, Chủ tịch Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh, người được đồng đội gọi là 'võ sĩ samurai' bởi những hành động anh hùng trong thời gian bị kẻ thù giam cầm tại các nhà tù.

Theo dấu dao tự chế

Trong vô vàn những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có một hiện vật khá đặc biệt: Con dao tự chế bằng inox. Con dao bản mỏng, rộng không quá 3cm, thân dài gần 15cm có đầu nhọn và chuôi cầm làm bằng inox có sức hút kỳ lạ với nhiều người. Nó là động lực khiến chúng tôi ngược gió Bắc thấu xương về Bút Tháp để gặp cựu chiến binh (CCB) Vũ Văn Kim, chủ nhân của con dao.

Trong ngôi nhà khá cũ ở thôn quê, khi nhắc đến con dao ở Bảo tàng Bắc Ninh, mắt CCB Vũ Văn Kim sáng lên, ký ức thời tuổi trẻ sôi nổi và những lần đấu tranh bi tráng trong lao tù ùa về, tiếp sức để người CCB ở tuổi 75 vốn mang trong mình nhiều vết thương do bị địch tra tấn thêm hào hứng. Ông kể cho chúng tôi nghe về “sự tích” con dao nhỏ, phương tiện vốn được coi là vũ khí bí mật để thực hiện hành động đấu tranh, đòi địch trao trả tù binh, thực hiện Hiệp định Paris.

Ngày 23-3-1973, địch đưa Vũ Văn Kim và những đồng đội về khám Chí Hòa để trao trả theo Hiệp định Paris. Nhưng chúng đã bội ước và chuyển 56 người tù diệt ác về nhà lao Biên Hòa, rồi về trại I Cần Thơ chịu tiếp những tháng ngày giam cầm man rợ.

Cựu chiến binh Vũ Văn Kim (thứ hai, tà trái qua) và Hội chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh tặng quà nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Cựu chiến binh Vũ Văn Kim (thứ hai, tà trái qua) và Hội chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh tặng quà nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Tại trại giam Cần Thơ, từ ngày 18-12 đến 25-12-1973, Vũ Văn Kim tổ chức đào hầm ngay dưới chân ống khói nhà bếp. Sự việc đang diễn ra thuận lợi thì bị bại lộ và sau đó ông phải chịu cực hình tra tấn, biệt giam khám tối.

Hết thời gian biệt giam, Vũ Văn Kim lại cùng đồng đội liên tục đấu tranh không khoan nhượng với địch, đòi nhà cầm quyền thực hiện cam kết trao trả tù binh theo Hiệp định Paris. Đỉnh cao của cuộc đấu tranh diễn ra vào cuối tháng 2-1974 bằng hình thức tuyệt thực với dự kiến sẵn sàng đổ máu nếu địch cố tình đàn áp, không trao trả tù binh. Đến ngày 2-3-1974, khi cuộc tuyệt thực đã trải qua 7 ngày, bất ngờ địch đưa hơn 40 quân cảnh ăn mặc giả lính quân y xông thẳng vào phòng biệt giam. Thực hiện theo chỉ đạo của tổ chức đã chuẩn bị từ trước, sau cái đưa mắt của đồng chí Xiêm (Bí thư chi bộ), Vũ Văn Kim bình tĩnh đứng dậy, dõng dạc tuyên bố: “Hiệp định Paris ký kết đến nay đã hơn một năm. Đế quốc Mỹ và nhà cầm quyền Sài Gòn chẳng những không chịu trao trả chúng tôi về với Chính phủ cách mạng mà còn cố tình giết dần, giết mòn những người tù yêu nước. Tôi cực lực tố cáo và phản đối đế quốc Mỹ và nhà cầm quyền Sài Gòn!”. Ngay sau đó Vũ Văn Kim rút con dao nhỏ tự chế rạch lia lịa vào bụng. Ông ngất lịm và ngã xuống trong vòng tay đồng đội. Khi tỉnh dậy, Vũ Văn Kim nghe thì thào tiếng đồng đội nói bên tai: “Chúng nó đã chấp nhận yêu sách của mình rồi”. 5 ngày sau, ngày 7-3-1974, Vũ Văn Kim được địch trao trả tại Lộc Ninh trên chiếc băng ca và bụng thì quấn băng trắng dính máu.

Để có phương tiện thực hiện phương án đấu tranh quyết liệt như vậy, trước đó Vũ Văn Kim đã lợi dụng sơ hở trong công tác kiểm tra, giám sát của địch và lấy được miếng nắp cà mèn rồi tỉ mẩn chế thành con dao bằng phương tiện hết sức thô sơ phòng trong trường hợp đặc biệt. Để không bị địch phát hiện, lúc thì ông nhét con dao vào khe phản lúc thì vùi xuống đất. Cán của con dao được làm bằng chiếc đũa bẻ đôi và chỉ được ráp trước khi “tác chiến” không lâu. Gần đây, khi biết chuyện của ông, Bảo tàng Bắc Ninh đã sưu tầm con dao về trưng bày nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho hậu thế.

Bản lĩnh của tù binh 0436

Hành động tự mổ bụng mình để đấu tranh với địch của Vũ Văn Kim như đã kể ở trên là đỉnh điểm của con người có ý chí đã bước qua thử thách gần 8 năm trong lao tù và phải chịu những ngón đòn tra tấn hết sức tàn bạo, dã man của kẻ thù.

Sinh năm 1946, là con trai duy nhất trong gia đình và thuộc đối tượng miễn nhập ngũ nhưng sau khi vừa tốt nghiệp Trường cấp 3 Hàn Thuyên (ở TP Bắc Ninh hiện nay), Vũ Văn Kim đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Riêng chuyện được gọi lên động viên rút đơn tình nguyện nhập ngũ tới 5 lần của Vũ Văn Kim hồi ấy với nhiều tình tiết mang nặng sức ép từ chối của tổ chức vì là con trai duy nhất trong gia đình đã cho thấy quyết tâm xếp bút nghiên thực hiện chí làm trai của Vũ Văn Kim là không gì lay chuyển.

Sau huấn luyện, Vũ Văn Kim vào Nam chiến đấu và được điều động về Tiểu đoàn 10 Đặc công Bình Định, một trong những nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt nhất giữa ta và địch trên chiến trường miền Nam. Ngày 9-10-1966, trên đường rút về hậu cứ để bảo toàn lực lượng sau những trận chống càn quyết liệt ở Phù Cát, do bị thương, Vũ Văn Kim rơi vào ổ phục kích của địch và bị bắt. Từ đây, khoảng cách chiến đấu của ông với địch bị thu hẹp trong lao tù.

Trong thời gian bị giam ở nhà tù Phú Quốc (từ ngày 15-10-1967 đến ngày 14-12-1971), Vũ Văn Kim đã móc nối được với chi đoàn thanh niên và được tín nhiệm bầu là Phó bí thư liên chi, Bí thư Chi đoàn 4 ở trại C3, trực tiếp đi tiên phong trong hoạt động đấu tranh. Thời ấy, ông không chỉ giúp đồng đội học thêm văn hóa mà còn vạch ra một số phương án vượt ngục khá mạo hiểm, táo bạo và cũng trực tiếp tham gia một số cuộc vượt ngục như ém vào thùng rác, đào hầm, chui rào... nhưng trong khi nhiều đồng đội vượt ngục thành công thì ông lại bị bắt ở ngay trong đường hầm.

Để khuất phục tù binh, bọn địch lập trại “tân sinh hoạt”, chuyển hướng tư tưởng. Chúng dựng bảng tiêu lệnh, cưỡng ép chiêu hồi. Chúng cho tay chân đóng giả rồi chung sống với tù binh Cộng sản nhằm thu tin, phá tổ chức hoạt động bí mật. Chúng ép buộc, dụ dỗ chiêu hồi để đồng đội “bán” đồng đội. Chúng thành lập các đội trật tự, vô cớ đánh tù binh không thực hiện tiêu lệnh. Nhiều người không đủ bản lĩnh đã khai báo các hoạt động bí mật. Trước tình huống ấy, Vũ Văn Kim đã đề xuất lập tổ xung kích, trừng trị những kẻ phản bội. Ngày 26-4-1971, Vũ Văn Kim được Đảng ủy trại giam kết nạp vào Đảng, sinh hoạt tại Chi bộ 4-C3. Sau lần trừ khử những tên bán mình, do nguy cơ bị lộ nên Vũ Văn Kim đã cùng hai đồng đội khác đứng ra nhận trách nhiệm. Tiếp sau hành động này là những ngày ông bị địch tra tấn dã man bằng đủ các ngón đòn man rợ nhất đến chết đi sống lại.

Ngày 14-12-1971, ông bị địch tước quyền tù binh và đưa về tòa án quân sự vùng IV chiến thuật Cần Thơ xét xử tội “cố sát”. Trong 3 phiên xét xử vào các ngày 20-12-1971; 18-1 và 24-2-1972, địch phải hạ mức án từ 20 năm tù xuống còn 7 năm lưu đày biệt xứ ngoài Côn Đảo. Ông bị biệt giam tại chuồng cọp trại 7, rồi trại 8, trại 2, trại 5, nơi vốn được mệnh danh là địa ngục trần gian có một không hai.

Tại nhà tù Côn Đảo, Vũ Văn Kim cùng đồng đội thành lập chi bộ Đảng lấy tên là Chi bộ diệt ác Nguyễn Văn Trỗi, làm ngòi cho các cuộc đấu tranh của tù binh. Nổi bật là trận chiến đấu ngày 11-7-1972. 56 tù binh tuyệt thực với tay không và da thịt cùng ý chí đã đánh bật sự đàn áp của đội cảnh sát, trật tự gồm hơn 180 tên, do Chín Khương (trưởng an ninh Côn Đảo) là ác ôn khét tiếng chỉ huy. Dù 36 tù binh trong đó có Vũ Văn Kim bị thương nặng nhưng khí thế đấu tranh đã tiếp thêm sức mạnh khiến địch phải nhượng bộ.

Trở về đời thường, Vũ Văn Kim tiếp tục ôn thi và đỗ vào đại học sau đó công tác tại huyện Thuận Thành cho đến ngày nghỉ hưu. Tháng 5-1997, CCB Vũ Văn Kim đã khởi xướng vận động thành lập ban liên lạc cựu tù binh Phú Quốc thời chống Mỹ tại huyện Thuận Thành. Đến năm 1999 thì thành lập Ban liên lạc cựu tù binh Phú Quốc tỉnh Bắc Ninh. Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thành lập Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh. Từ đó đến nay CCB Vũ Văn Kim luôn được bầu làm chủ tịch hội. Ông sống chân thành, giản dị và được nhiều người yêu mến.

1. Trong gần 8 năm trải qua các nhà giam khét tiếng của Mỹ, ngụy ở Pleiku, Cần Thơ, Phú Quốc, Chí Hòa, Biên Hòa, Côn Đảo với rất nhiều đòn tra tấn dã man của địch, Vũ Văn Kim rút ra: Ý chí và niềm tin chính là thứ vũ khí mạnh hơn súng đạn và không gì có thể cản được tình yêu Tổ quốc.

2. Tháng 6-2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo cuộc hội thảo về thành tích trong lao tù của CCB Vũ Văn Kim. Tại hội thảo, nhiều CCB là tù binh cùng thời đã kể lại những việc làm và tấm gương đấu tranh khôn khéo, quyết liệt, dũng cảm của Vũ Văn Kim. CCB Nguyễn Đình Xiêm trú tại ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp (Tân Châu, Tây Ninh) và là Bí thư chi bộ, người giao nhiệm vụ cho Vũ Văn Kim kể: “Đồng chí Vũ Văn Kim, người tù số 0436 đã không phụ lòng tin của tổ chức. Hành động tự mổ bụng của anh khiến quân thù khiếp sợ, phải dừng ngay đàn áp. Đó là trận chiến đấu cuối cùng của anh em chúng tôi. Bởi chỉ 5 ngày sau đó quân thù đã buộc phải trao trả chúng tôi về với cách mạng”.

Bài và ảnh: HOÀNG HUY TẬP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/chuyen-ve-nguoi-tu-mang-so-hieu-0436-649625