Chuyện về người bác sĩ băng suối, bám đèo khám bệnh cho dân

Từ lâu bác sĩ Mấu Văn Phi (thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) không còn công tác trong cơ sở y tế nhưng việc khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo với ông vẫn làm việc làm thường xuyên.

Quyết tâm đưa các biện pháp chữa bệnh bằng y học tới bà con

Sau những giờ điều hành công việc ở Huyện ủy Khánh Vĩnh ông lại cùng "người bạn tri kỷ" của mình là chiếc xe máy cũ băng suối, bám đèo đến tư vấn sức khỏe, khám bệnh cho nhân dân.

Khắp vùng núi mênh mông huyện Khánh Vĩnh hầu như ai cũng biết về bác sĩ Mấu Văn Phi. Ông Cao Văn Hùng ở xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh) chia sẻ: Có những khi thấy lo lắng về đời sống, rồi dịch bệnh liên miên nhưng ông Phi trực tiếp xuất hiện thì dân làng tự tin lại ngay. Không còn lo nữa.

Chẳng những kiến thức y khoa giỏi, ông Phi còn có cách chia sẻ với nhà nhà, người người chân thành nhất, dễ hiểu và gần gũi nhất. Biết có những thói quen, phong tục lạc hậu, bác sĩ Phi cũng khuyên giải từ bỏ dưới nhiều hình thức."

Bác sĩ Phi luôn tận tình với người dân

Trong bộ quần áo ướt sũng mồ hôi sau những giờ vật lộn qua các hẻm nhỏ đến những gia đình khó khăn nhất để tư vấn về sức khỏe, đời sống cho bà con, vừa chớp nhoáng giải lao, bác sĩ Mấu Văn Phi chia sẻ: Làm gì thì trong lòng mình lo cho sức khỏe nhân dân là hạnh phúc.Trước đây gia đình tôi có 5 anh em, cũng không khá giả gì. Tôi là con trai đầu trong gia đình nên phải cáng đáng lo thêm cho các em. Kể từ thời điểm bố tôi mất, gia đình tôi càng lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu hơn.

Lúc đó mẹ tôi rỉ tai nói cho nghỉ học để đi làm rẫy phụ gia đình. Mặc dù tôi rất thương mẹ, thương em nhưng không thể nào bỏ giấc mơ trở thành bác sĩ được. Tôi muốn phải đưa bằng được các biện pháp chữa bệnh bằng y học về huyện miền núi này".

Định hình được khát vọng nên cậu bé Mấu Văn Phi ngày ấy lao vào học tập một cách mê say. Đặc biệt, ông kể: Vào thời điểm ấy tôi còn tận mắt chứng kiến lần lượt nhiều trẻ em, người già ra đi vì những căn bệnh rất đơn giản nhìn xót xa đến quặn lòng.

Ý chí của tôi lại càng trở nên mạnh mẽ hơn. Không cần nghĩ nhiều là học ra làm ở đâu mà cứ đơn giản học để vì người dân quanh mình thôi.

Năm 1997 tốt nghiệp trường Đại học y Tây Nguyên, bác sĩ Mấu Văn Phi về công tác tại Trung tâm y tế huyện Khánh Vĩnh. Ngay những ngày mới về làm việc ông Phi quyết thực hiện ước mơ chữa bệnh cho người nghèo khó.

Ban đầu, người thân của bác sĩ Phi cũng lấn bấn khi lương lúc ấy còn hạn hẹp. Sau thời gian ra sức thuyết phục và thấy công việc này có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng nên vợ bác sĩ Phi cũng đồng thuận, không phản đối như trước nữa.

Cũng nhờ bác sĩ Phi, hàng loạt người dân đã phát hiện sớm những căn bệnh nguy hiểm để kịp thời đến các cơ sở y tế điều trị. Ông khám huyết áp, thần kinh và nhiều bệnh khác. Khi có dấu hiệu của bệnh nặng như loét dạ dày, xơ gan… lập tức ông khuyên giải và tìm mọi cách đốc thúc người dân đến các bệnh viện lớn kiểm tra ngay.

Bác sĩ Phi chia sẻ: "Mình cứ thủ thỉ thuyết phục vợ. Thôi thì đùm bọc cùng nhau. Mình còn nghèo nhưng cũng là cán bộ, là bác sĩ, phải lo cho dân nếu không đường xa, trời tối họ ngại đến bệnh viện rồi ngã bệnh nặng hơn.

Ngày ấy, bác sĩ cũng chưa nhiều nên việc chẩn đoán chính xác nhiều loại bệnh thông qua khám lâm sàng còn hạn chế. Địa hình Khánh Vĩnh thì muôn vàn khó khăn.

Luôn là bác sĩ Phi của

buôn làng

Nghĩ về những năm tháng kham khổ, nhiều người dân xã Liên Sang xúc động cho biết: Làm cán bộ rồi làm quản lý ở Trung tâm y tế Khánh Vĩnh nhưng bác sĩ Phi vẫn luôn xem mình là đứa con của các buôn làng.

Hễ dân gọi là ông đều sắp xếp công việc để đến bởi ông thấu hiểu hơn ai hết sự cách trở giữa các buôn làng ở vùng đất này.

Không quản ngại khó khăn khám bệnh cho người dân

Người dân có bệnh nhiều khi để liều sinh trầm trọng thêm cũng bởi đường xa. Mỗi lần đến với dân, làm cho dân tin yêu, củng cố tinh thần chiến thắng bệnh tật, bác sĩ Phi còn hướng dẫn đủ cách thoát nghèo cho dân.

Để nâng cao kiến thức, phục vụ tốt hơn cho vùng sâu Khánh Vĩnh, năm 2001, bác sĩ Phi hoàn thành khóa học Chuyên khoa 1 ở ĐH Y Huế. Về lại địa phương miệt mài với công việc rồi làm Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện rồi ít năm sau bác sĩ Phi được điều động qua nhiều vị trí công tác khác ở huyện Khánh Vĩnh.

Nhiều buôn làng ở Khánh Vĩnh in đậm dấu chân bác sĩ Phi.

Năm 2020, ông Phí làm Bí thư huyện ủy Khánh Vĩnh. Là lãnh đạo đứng đầu huyện nhưng trong lòng người dân ở khắp các hẻm sâu, làng nhỏ ở Khánh Vĩnh vẫn xem ông là bác sĩ Phi của dân. Cứ sau những giờ hành chính hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật, ông lại lặng lẽ rong ruổi về các xã để khám, tư vấn, chữa bệnh cho bà con.

Công việc của ông không kể trời nắng, trời mưa, bất kể thời gian mỗi khi bà con trực tiếp điện thoại hoặc nghe thông tin là bác sĩ Phi nhanh chân đến nơi. Mỗi tháng ông khám, tư vấn, chữa trị từ 150 – 300 trường hợp. Bà con nơi đây chủ yếu xảy ra các bệnh khớp, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, sốt, ho, dạ dày…

Dù công việc bộn bề nhưng trong đầu bác sĩ Phi vẫn sắp sếp rất logic và nhớ rõ ai mắc bệnh gì, cần uống thuốc gì, đã được phát thuốc gì. Ai bệnh nặng cần phải đến viện sớm. Từ đó hễ ai không làm theo là bác sĩ Phi nhắc nhở như nhắc người thân trong gia đình của mình vậy.

Theo ông Phi, cuộc đời mang cho ông rất nhiều niềm vui và được chuyển tải những điều tốt đẹp của đất nước đến với nhân dân. Một trong những niềm vui lớn lao nhất đó là đã chọn học ngành y, làm bác sĩ.

Công việc quản lý ngày càng nhiều nhưng thói quen của 24 năm về trước vẫn giữ nguyên: Lội rừng, băng suối với xe máy cũ quen rồi. Mà chỉ có phương tiện này mới cơ động đến được các làng xa nhất. Được tận tay chăm sóc những người bệnh và hướng dẫn bỏ phong tục lạc hậu xây dựng đời sống ấm no, bác sĩ Phi thấy mình hạnh phúc.

Bà Cao Thị Cà Thánh (thôn Chà Liên, xã Liêng Sang) kể: "Trước đây, tôi cùng chồng đi làm rẫy để kiếm tiền nuôi con cái. Thu nhập của gia đình bấp bênh, lại thuộc hộ nghèo của địa phương.

Bất ngờ vào năm 2016 căn bệnh ập đến khiến cho tinh thần tôi bị suy sụp hoàn toàn, sức khỏe yếu ớt, bụng chướng, đầy hơi… Lúc đó tôi chỉ còn 38kg.

Rất may mắn tôi được bác sĩ Phi tư vấn, khám miễn phí và hỗ trợ thuốc nên bệnh đã giảm nhiều, đã tăng lên 42kg. Mặc dù con đường từ nhà bác sĩ Phi lên đây khá xa, nhưng tôi gọi là bác sĩ Phi có mặt, chẳng nề hà gì".

Ông Mang Liên (cũng thôn Chà Liên) vui mừng cho hay: "Lúc trước, cả hai chân của tôi có triệu chứng ngứa, đau, khi màn đêm buông xuống là trằn trọc không ngủ được. Nhiều tháng phải nằm một chỗ. Mọi người vận động đi khám, nhưng tôi không chịu ra viện vì nghĩ tuổi già không cần điều trị.

Bệnh tình của tôi diễn biến ngày càng xấu, nguy cơ phải cắt đôi chân. Mọi người trong làng thông tin, bác sĩ Phi liền đến khám, điều trị ngay. Người dân nơi đây vẫn quen gọi ông ấy là bác sĩ chứ ít gọi là "ông bí thư huyện".

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thầy thuốc Bắc Ninh giúp Đồng Tháp điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//chuyen-ve-nguoi-bac-si-bang-suoi-bam-deo-kham-benh-cho-dan-16921082821100667.htm