Chuyện về một nữ giám đốc nông trường người Quảng Trị

Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Tôi làm trưởng đoàn, phó đoàn là nhà nghiên cứu phê bình Phạm Phú Phong - nguyên giảng viên Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học (thuộc Đại học Huế).

Mủ cao su được chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao -Ảnh: KHÁNH TOÀN

Trước khi vào đây, tôi đặc biệt lưu tâm câu chuyện một phụ nữ được ban lãnh đạo Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đề bạt từ tổ trưởng lên giám đốc mà anh Phong kể. Trong đầu tôi bắt đầu hình thành kế hoạch tìm hiểu về nhân vật khá đặc biệt này. Thú thực, lâu nay, tôi có hơi nghi ngờ về sự thăng tiến chóng mặt của một vài nữ quan chức nhà nước. Bởi không ít trường hợp chị em được các nhân vật quyền thế nâng đỡ, mà phần lớn là những chị em có chút nhan sắc.

Buổi gặp mặt đầu tiên tại phòng tiếp khách của tổng công ty ở phường Xuân Lập, TP. Long Khánh, qua giới thiệu của Tổng Giám đốc Đỗ Minh Tuấn, tôi được biết người phụ nữ đó tên là Hương, hiện đang làm Giám đốc Nông trường cao su Cẩm Mỹ.

Sáng hôm sau, tôi và phó đoàn Phạm Phú Phong hội ý chớp nhoáng, phân công anh chị em trong đoàn về các nông trường: Cẩm Đường, Long Thành, Bình Lộc, An Viễng tìm hiểu viết bài. Tất nhiên là tôi chọn Nông trường Cẩm Mỹ - nơi chị Hương đang làm giám đốc. Nông trường Cẩm Mỹ cách phường Xuân Lập, TP. Long Khánh chừng 15 km. Dọc đường đến Cẩm Mỹ là những rừng cao su bạt ngàn. Tôi thích thú ngắm nhìn những hàng cao su thẳng tắp, cành lá giao nhau. Ánh sáng ban mai xuyên qua tầng lá in lên thảm cỏ như những chùm hoa nắng lung linh. Rừng cao su ngay sát đường nên tôi có thể nhìn thấy rõ dòng mủ màu trắng như dòng sữa chảy vào những chiếc bát màu nâu.

Ban lãnh đạo Nông trường Cẩm Mỹ bố trí cho tôi ăn nghỉ tại một ngôi biệt thự nhỏ nhắn, xinh xắn. Chung quanh ngôi biệt thự là những bãi cỏ mềm mại với những trâu, voi, ngựa... được tạc bằng đá, trông như thật. Khu công viên thu nhỏ rợp bóng cây này nằm ngay cạnh trụ sở nông trường. Chị Hương hẹn 9 giờ sẽ trao đổi với tôi về tình hình nông trường tại phòng làm việc của mình. Đúng giờ hẹn, tôi đến, thấy chị đang cầm điện thoại di động điều khiển từ xa với chất giọng miền Trung đặc sệt.

Tiếp tôi là hai phó giám đốc Lê Minh Tuấn và Nguyễn Văn Thịnh. Bên tách trà bốc khói, hai anh cho tôi biết những nét tổng quát về nông trường. Nông trường Cẩm Mỹ đang quản lý 2.268 ha cao su. Sản lượng kế hoạch từ năm 2017 - 2022 là 21.729 tấn. Nông trường đã khai thác được 23.149,6 tấn, vượt 6,54% kế hoạch. Tổng số lao động nông trường đến nay 511 người, tỉ lệ lao động là người đồng bào dân tộc chiếm 21%. Thu nhập bình quân người lao động vào thời điểm này trung bình 8,7 triệu đồng/người/tháng...

Khoảng chừng 30 phút, sau khi thu xếp công việc tạm xong, chị Hương mới dành cho tôi một khoảng thời gian quý hơn vàng của mình. Chỉ trong vòng chưa đến một giờ đồng hồ chuyện trò với chị, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Đầu tiên là cái tên Hương. “Hương” là từ Hán - Việt. Người Việt sử dụng từ “hương” với nhiều nghĩa khác nhau. Phần lớn những cô gái tên Hương tôi quen biết đều có nghĩa là mùi thơm: Thu Hương là mùi thơm của mùa thu; Thanh Hương là mùi thơm thanh thanh; Lan Hương là mùi thơm của hoa lan; Xuân Hương là mùi thơm của mùa xuân; Quế Hương là mùi thơm của hoa quế... Nhưng cái tên Hương của Giám đốc Nông trường Cẩm Mỹ mà tôi đang tìm hiểu thì mang nghĩa khác. Tên đầy đủ của chị ấy là Lê Thị Hoài Hương. Hoài là nhớ. Hương ở đây có nghĩa là quê hương - nơi cư trú lâu đời của tổ tiên ông bà. Cố hương là quê cũ, hồi hương là trở về quê hương, tha hương là lang bạt xa quê, còn hoài hương có nghĩa là nỗi nhớ quê hương.

Chị kể: Cha mẹ chị có 8 người con. Chị là con út. Trước năm 1975, cha chị bị điều đi quân dịch. Đời lính chiến nay đây mai đó. Mỗi năm cha chị ghé thăm vợ con chỉ một đôi lần. Nỗi nhớ quê hương, gia đình luôn ám ảnh, dày vò ông. Được tin mẹ chị có bầu đứa con thứ 8, cha chị viết thư căn dặn: Nếu sinh con trai thì đặt tên Lê Quang Hoài Hương. Nếu sinh con gái thì đặt tên là Lê Thị Hoài Hương. Không ngờ cái tên do cha chị đặt ứng vào cuộc đời của chị. Từ năm 12 tuổi, chị đã phải rời quê hương vào huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai học hành, làm ăn sinh sống cho đến tận bây giờ.

Chị cho tôi biết quê mình ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hèn gì giọng chị đặc sệt miền Trung. Đúng là “hương âm vô cải” (giọng quê không thay đổi). Tôi có những người bạn khá thân thiết quê Quảng Trị như các nhà thơ: Nguyễn Văn Dùng, Nguyễn Hữu Thắng, Võ Văn Hoa... Em gái tôi lấy chồng Quảng Trị, con trai tôi lấy vợ người Quảng Trị. Bởi vậy, Quảng Trị hết sức thân thiết, gần gũi với tôi. Người Quảng Trị chất phác, thật thà, đặc biệt là rất giàu tình cảm.

Huyện Hải Lăng quê hương chị là vùng quê có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời. Trải qua bao biến cố thăng trầm, với đức tính cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo đã hình thành cho con người Hải Lăng một bản lĩnh không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ để vượt lên chiến thắng thiên tai, địch họa. Chị Lê Thị Hoài Hương đã thừa hưởng những đức tính quý báu ấy của con người Hải Lăng. Chị tuổi Dần (sinh năm 1974), bằng tuổi con trai đầu của tôi. Năm nước nhà thống nhất (1975), chị mới một tuổi. Lên hai tuổi, chị mồ côi cha (cha chị mất năm 1976), một mình mẹ chị nuôi 8 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

Hoàn cảnh của gia đình chị cũng gần giống hoàn cảnh của gia đình tôi. Mẹ tôi mất năm 1965 do bị lạc đạn. Bố tôi gà trống nuôi 7 đứa con ăn học. Mấy anh em tôi phân nhau: đứa lên rừng kiếm củi, đứa xay giã dần sàng, đứa đội bánh chưng đi bán dạo... đỡ đần giúp bố. Bởi vậy, khi nghe chị kể hoàn cảnh gia đình chị, tôi hết sức đồng cảm. Đúng mười năm sau (1986), lại thêm một tai họa giáng xuống gia đình chị. Mẹ chị không may lâm bệnh hiểm nghèo qua đời. Vậy là mới 11 tuổi chị đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhắc lại những tháng ngày tang thương ấy, qua cặp kính trắng, tôi thấy chị rơm rớm nước mắt. Cứ hình dung cảnh mấy chị em chị đầu đội khăn tang, quỳ lạy trước mộ cha mẹ trong làn khói nhang nghi ngút, tôi cảm thấy tim mình buốt nhói.

Người đưa Hương vào huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai nuôi ăn học là chị gái Lê Thị Thuyên. Cả hai vợ chồng chị Thuyên đều là công nhân cao su. Ngoài giờ học, Hương nấu cơm, rửa bát, quét nhà phụ giúp anh chị. Thỉnh thoảng Hương lẽo đẽo theo anh chị đi lô, say mê đứng xem anh chị cạo mủ cao su.

Ba năm học THPT, những dịp nghỉ hè, Hương thỉnh thoảng đi lô với chị Thuyên. Chị Thuyên hướng dẫn cho Hương tư thế đứng, cách cầm dao cạo mủ, độ sâu của mũi dao khi rạch vào vỏ cây... Để giảm bớt gánh nặng cho anh chị Thuyên và tập sống tự lập, đầu năm 1992, Hương quyết định nộp đơn xin làm công nhân cao su ở Nông trường Trảng Bom.

Cuối năm đó, chị được vào biên chế. Chị vẫn nhớ như in cảm giác sung sướng khi nhận tháng lương đầu tiên. Chị Hương lập gia đình năm 1995 với anh Đào Văn Chính, cùng quê Quảng Trị. Anh cũng là công nhân cạo mủ cao su ở Nông trường Trảng Bom. Con đường “quan lộ” của Hương khá thông thoáng: Năm 1994, chị được chỉ định làm tổ trưởng. Năm 2017, chị được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Nông trường Trảng Bom.

Tháng 4/2019, chị được “thăng chức” giám đốc. Tháng 11/2019, Nông trường Trảng Bom sáp nhập với Nông trường An Viễng (lấy tên Nông trường An Viễng) chị tiếp tục giữ chức giám đốc. Tháng 6/2018, chị được điều động về làm Giám đốc Nông trường Cẩm Mỹ cho đến giờ. Điều mà chị quan tâm nhất lúc được bổ nhiệm làm giám đốc là tìm cách nâng cao chất lượng vườn cây, chất lượng lao động và thu nhập ổn định để đơn vị phát triển bền vững. Muốn vậy, người đứng đầu không được buông lỏng quản lý, phải thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh chị em công nhân, có biện pháp động viên kịp thời... Đó chính là bí quyết thành công của chị.

Tôi rất cảm phục nghị lực, ý chí vươn lên phi thường của chị Hương. Năm 2012, lúc đó, chị đã có hai con và sắp đến ngưỡng 30 tuổi nhưng vẫn vừa làm việc, vừa chăm con, vừa theo học Trường Đại học Lâm nghiệp 2 Đồng Nai. Năm 2017, biết chị có bằng tốt nghiệp đại học, ban lãnh đạo tổng công ty bổ nhiệm chị làm phó giám đốc. Với năng lực thực sự của mình, chị cứ thế mà thăng tiến, chẳng cần ai nâng đỡ, cũng chẳng có ô dù nào cả. Phải thừa nhận lãnh đạo Tổng Công ty Cao su Đồng Nai có “mắt” khi lựa chọn được người vừa có đức, vừa có tài như chị Lê Thị Hoài Hương.

Tổng Giám đốc Đỗ Minh Tuấn kể cho tôi câu chuyện tình cờ phát hiện chị. Trước năm 2017, anh chưa hề biết Hoài Hương là ai. Hôm cùng đoàn lãnh đạo tổng công ty về thị sát Nông trường Trảng Bom, anh thấy một nữ công nhân đang cạo mủ nhưng túi áo trên lại có cuốn sổ và chiếc bút bi. Anh hơi lấy làm lạ. Đã từng thăm hàng trăm công nhân cạo mủ, anh chưa thấy ai mang theo bút và sổ tay bao giờ. Hỏi ra, anh mới biết chị là Lê Thị Hoài Hương, làm tổ trưởng suốt 23 năm, rất có năng lực và trách nhiệm. Chị lại sắp tốt nghiệp đại học. Sáng nay, có một công nhân trong tổ bị ốm, chị phải cạo mủ thay để bảo đảm sản lượng của tổ. Thì ra là thế! Từ đó, anh luôn quan tâm theo dõi từng việc làm của chị ấy. Khi biết chị đã có bằng đại học, anh đề xuất với ban lãnh đạo công ty bổ nhiệm chị làm phó giám đốc, rồi giám đốc. Kể từ khi chị ấy về làm Giám đốc Nông trường Cẩm Mỹ, sản lượng ngày một tăng. Đúng là “một người lo bằng kho người làm”!

Mai Văn Hoan

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/chuyen-ve-mot-nu-giam-doc-nong-truong-nguoi-quang-tri/182495.htm