Chuyện về một người lính - thương binh

Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2021), tôi có dịp đến thăm ông tại nhà riêng ở thành phố Hà Giang. Gặp ông, tôi thấy ông khỏe hơn, nước da sáng lên không như những tháng trước phải đi nằm viện, do di chứng của thương tật chiến tranh để lại, cộng sự bào mòn của một thời binh nghiệp và tuổi già; đôi bàn tay của ông vẫn còn hơi run run…

Ông gốc ở xã Nhân Sơn, huyện Thanh Chương (nay là Đô Lương), tỉnh Nghệ An. Ông viết đơn tình nguyện đi bộ đội tháng 2.1965. Sau mấy tháng huấn luyện ở Quảng Bình, đơn vị ông nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam. Hành quân đi bộ 3 tháng theo đường mòn Hồ Chí Minh. Mùa khô năm 1965, ông tham gia đánh trận đầu tiên với quân Mỹ - ngụy tại Kon Tum. Nửa đêm đơn vị tiếp cận trận địa, đào công sự, súng đạn quanh mình. Thi thoảng pháo địch ở căn cứ bắn ra vu vơ để chấn an và cảnh giác Việt cộng đột nhập. Trận đánh ấy do ta áp sát, chủ động, bất ngờ tấn công bằng một loạt súng DKZ và cối 82 ly vào căn cứ Mỹ - ngụy, pháo các loại, súng cối của địch lúc đầu bắn trả bị chệch choạc… Thừa cơ bộ đội ta tiến đánh mãnh liệt. Súng nổ xé tai, đường đạn trong đêm lóe sáng đan nhau… Ông chiến đấu đến hết đạn, rồi được trên giao nhiệm vụ đưa thương binh ra phía sau, vận chuyển tiếp tế đạn dược vào cho bộ đội… Ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trận đánh kéo dài đến gần sáng thì quân ta rút về hậu cứ, một số sinh lực và vũ khí của địch bị tiêu diệt…

Ở Tây Nguyên, một trong những trận đánh có kỷ niệm sâu sắc là Trung đoàn của ông phối hợp với các đơn vị bạn đánh trận ở Chư Prông với quân Mỹ - ngụy. Đây là căn cứ quan trọng của địch làm điểm tựa để tiến đánh càn quét bộ đội ta trong vùng. Địch đã dọn đường bằng các trận pháo kích, cho máy bay đánh bom làm sạch vòng ngoài, ngăn chặn Việt cộng đánh úp, sau đó chúng đổ quân. Thời điểm đó địch có các loại vũ khí hiện đại hơn bộ đội ta. Trận đánh này diễn ra ban ngày khi ta chủ động tiêu diệt địch đổ bộ. Với tinh thần dũng cảm, mưu trí, đơn vị ông đã tiêu diệt gọn nhiều tên Mỹ - ngụy, phá hủy vũ khí, làm tan rã ý đồ của địch. Với những thành tích đạt được, đầu năm 1968, ông được đơn vị cho đi học Trường Quân chính B3 đào tạo cán bộ B trưởng ở Tây Nguyên. Học xong cấp trên giao nhiệm vụ cho toàn bộ số anh em lớp học đó ra Bắc đào tạo sĩ quan tại Trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây. Sau khi tốt nghiệp tháng 8.1969, ông được phong quân hàm Chuẩn úy, được điều về nhận nhiệm vụ tại Đoàn 165, Sư đoàn 312 đi sang Lào. Ở Lào, đơn vị ông tham gia một số trận đánh, trong đó có trận ở Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum. Ông chẳng may bị thương, mảnh đạn pháo của địch găm vào đỉnh đầu, gây lún xương sọ bên phải, một mảnh đạn găm góc mắt phải, thị lực mắt phải còn 5/10. Thương tật ông tổn hại sức khỏe 27%. Do có thành tích xuất sắc, ông được đơn vị kết nạp vào Đảng. Lễ kết nạp Đảng của ông được đơn vị tổ chức ngay sau trận đánh tại chiến trường. Ông xúc động đến nghẹn lời khi đứng trước cờ Đảng xin hứa “suốt đời phấn đấu hy sinh cho Đảng, cho nhân dân, cho Tổ quốc”. Lẽ ra ông phải về tuyến sau nhận nhiệm vụ khác, nhưng với nghị lực và lẽ sống của một người lính, ghi sâu lời dạy của Bác Hồ đối với quân đội: “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, khát khao được chiến đấu, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông quyết định xin ở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Đầu năm 1972, đơn vị ông từ Lào nhận nhiệm vụ về chiến trường Quảng Trị. Lúc này với cương vị Trợ lý tác chiến Trung đoàn, ông đã lăn lộn, vượt lên bao khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh, có lúc tưởng như bị kiệt sức, nhưng ông luôn cố gắng tự nhủ hết mình cùng tập thể tham mưu cho Thủ trưởng Trung đoàn chỉ huy những trận đánh hiệp đồng thắng lợi. Cuối năm 1972, đơn vị ông ra Bắc và được điều về Sư đoàn 304 B ở tỉnh Bắc Thái làm nhiệm vụ huấn luyện quân. Năm 1976, ông được điều về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 122, thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tuyên, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Năm 1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đơn vị ông nhận nhiệm vụ giữ một số cao điểm thuộc các xã biên giới huyện Vị Xuyên, trong đó có cao điểm 1509… Ông đã cùng đơn vị ngày đêm bám trận địa, củng cố vững chắc hầm hào, sẵn sàng chiến đấu cao, đánh trả nhiều trận địch tấn công xâm lấn biên giới, tiêu diệt nhiều tên xâm lược, thu vũ khí, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.

Năm 1981 ông được điều về làm Trợ lý Tác chiến Sư đoàn 313 với quân hàm Đại úy. Năm 1984, ông được phong quân hàm Thiếu tá. Năm 1986 do sức khỏe của thương tật và cũng đủ thời gian phục vụ trong quân đội, ông được nghỉ hưu. Ông không về quê mà cùng với gia đình nhỏ ở lại Hà Giang sinh sống cho đến nay. Ông bảo: Tôi nghĩ nơi nào mình sống tốt nơi ấy là quê hương của mình.

Từ năm 1987 - 2000, ông đảm nhiệm các chức vụ ở phường như: Bí thư Chi bộ tổ, Phó Chủ tịch UBND phường, Chủ tịch UBND phường, Chủ tịch HĐND phường. Sau năm 2000, ông xin thôi công việc ở phường, tổ. Với những đóng góp của ông trong giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, ông được Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều Huân chương các loại…

Ông - một người lính - thương binh mang trong mình chất độc da cam dioxin, cả một đời cống hiến cho quân đội và nhân dân. Ông là CCB, Thiếu tá Trần Đại Nghĩa, sinh năm 1942, thương binh loại 4/4, hiện trú tại tổ 7, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang.

Bài, ảnh: ĐẶNG VƯỢNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202107/chuyen-ve-mot-nguoi-linh-thuong-binh-779471/