Chuyện về một người anh hùng

Ở làng Kim Bảng, xã Phú Điền (Nam Sách), trong một ngày có 18 gia đình cùng làm giỗ người thân.

Người dân Kim Bảng đã xây dựng “Nhà bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ và người con ưu tú”

Đây là ngày bi hùng trong lịch sử của làng, được gọi là “Ngày giỗ trận”. Đây là dịp tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sĩ và người dân ưu tú đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù để bảo vệ cách mạng, bảo vệ xóm làng. Trong số ấy có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Nhân.

Người chiến sĩ kiên trung

Chuyện kể rằng, vào năm 1949, giai đoạn kháng chiến chống Pháp, có một tên Việt gian chỉ điểm, giặc Pháp bí mật đem quân bủa vây làng Kim Bảng. Chúng bắt được 18 người, trong đó có ông Lê Văn Nhân là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của xã Phú Điền.

Nhớ lại thời điểm đó, cụ Nguyễn Quang Trung, người từng làm liên lạc cho Huyện ủy Nam Sách từ năm 15 tuổi, năm nay đã 88 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn kể: "Từ 6 giờ sáng ngày 10.8.1949, Pháp đưa quân vào làng càn quét. Chủ tịch Lê Văn Nhân sa vào tay giặc. Chúng giải ông Nhân ra sân đình, lấy các đồ tế lễ, nghi trượng trong đình để tra tấn tàn bạo nhằm uy hiếp tinh thần cả làng. Ông Nhân bị tra tấn đến chết đi sống lại nhiều lần. Khi biết không thể sống nổi, ông Nhân giả vờ nhận lời dẫn bọn giặc đến nơi cất giấu vũ khí. Đi tới bờ ao gần nhà, ông Nhân lấy sức quát to: “Không có tài liệu, vũ khí nào hết!”. Biết bị lừa, giặc điên cuồng bắn chết ông tại chỗ. Máu ông thấm vào mảnh đất từng chôn nhau cắt rốn, gần con sông Bãi Nghè. 17 người khác cùng bị giặc bắt và tra khảo dã man. Noi gương ông Nhân, không ai khai nhận điều gì. Giặc đã bắn 17 người trên quãng sông Ba Kèo thuộc xã Cộng Hòa (Nam Sách)". Sau này, 13 người trong số đó được truy tặng liệt sĩ. Ông Lê Văn Nhân được truy tặng là liệt sĩ năm 1959. Đến năm 2018, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Nhân sinh năm 1913, tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa năm 1943 - 1944. Năm 1946, ông là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Phú Điền. Ông đã cùng cấp ủy chi bộ xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang và tổ chức nhiều trận chống càn, thu nhiều chiến lợi phẩm, gây thiệt hại cho giặc Pháp.

Con cháu noi theo

Bà Nguyễn Thị Thanh kể chuyện về bố chồng là Anh hùng liệt sĩ

Ông Lê Văn Nhân hy sinh đã để lại 3 con nhỏ dại, trong đó con gái lớn 11 tuổi, hai con trai, người 8 tuổi, người 1 tuổi. Người mẹ góa bụa nuôi dạy các con trong cảnh gian nan, khốn khó. Sau này, cả 3 người con của ông Nhân đều thành đạt. Trong đó, người con gái cả được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ. Con trai lớn là ông Lê Quang Thể, từng công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Hưng. Con trai út là ông Lê Thanh Bình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngành vi sinh.

Bà Nguyễn Thị Thanh, vợ ông Thể nói: “Tôi về làm dâu từ năm 1972, nghe xóm làng kể lại cuộc đời hoạt động cách mạng của cha tôi, tôi vô cùng kính phục. Tôi đã noi gương cha và nuôi dạy các con trở thành những người có ích trong xã hội”. Qua tìm hiểu, 2 người con trai của bà Thanh, ông Thể đều là những tiến sĩ trong ngành y. Với chức phận “con đầu, dâu trưởng” nhà họ Lê, bà Nguyễn Thị Thanh đã làm tròn phận sự của mình. Bà Thanh theo ngành y, dù hiện nay đã về hưu nhưng vẫn khám chữa bệnh cho người dân trong làng. Bà Thanh được bầu làm Chủ tịch Hội Đông y huyện Nam Sách.

Chiến tranh mất mát đau thương! Người anh hùng hy sinh không có một tấm hình để lại. Năm 2017 con cháu ông Nhân đã xây nhà thờ khang trang đẹp đẽ để làm nơi tưởng niệm và thờ cúng, thể hiện đạo hiếu uống nước nhớ nguồn…

Câu chuyện về con cháu, hậu duệ của Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Văn Nhân đã noi gương truyền thống ông cha, những liệt sĩ và người con ưu tú làng Kim Bảng năm xưa thật đáng khâm phục.

Ở làng Kim Bảng còn có 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cuộc đời mỗi người đều là những câu chuyện cảm động. Uống nước nhớ nguồn, người dân Kim Bảng đã xây dựng “Nhà bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ và người con ưu tú” để tri ân và chọn ngày 10.8 hằng năm là “Ngày giỗ trận”. Chiếc giếng làng ở gần ngôi đình năm xưa như một chứng nhân của lịch sử nay đã được tôn tạo đẹp đẽ. Người làng ở đây đã bảo nhau: “Nước giếng còn chảy ra từ mạch nguồn thì con cháu Kim Bảng đời sau không thể quên quá khứ. Tiếp nối tinh thần cách mạng hào hùng ấy, những thế hệ con cháu ở làng đã tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của cha ông, góp sức làm rạng danh dòng họ, quê hương.

KHÚC HÀ LINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/75-nam-ngay-thuong-binh-liet-si/chuyen-ve-mot-nguoi-anh-hung-209463