Chuyện về kỳ lão họ Đinh

Có người đã ví Ninh Bình là mảnh đất 'ngọa hổ tàng long'. Nhiều người mới nghe đã vội phản bác, nhưng kỳ thực điều ấy là không sai. Chí ít là câu chuyện mà tôi sắp kể về một kỳ lão họ Đinh là một minh chứng.

Cụ Đinh Ngọc Đẩu (đứng giữa) cùng các văn nhân Ninh Bình tại nhà riêng ở xã Gia Lạc (Gia Viễn).

Thôn Lạc Khoái, xã Gia Lạc (huyện Gia Viễn) có cụ Đinh Ngọc Đẩu, năm nay đã trên 90 tuổi. Dân làng Lạc Khoái vẫn gọi cái tên trìu mến "cụ Đẩu" hay "thầy Đẩu". Nhà cụ Đẩu có nghề Đông y gia truyền, bản thân cụ Đẩu từng làm Trưởng khoa Đông y tạị Bệnh viện huyện EaKa, tỉnh Đắk Lắk, sau có thời gian ra sống tại Hà Nội. Khi về lại quê nhà cụ vẫn giữ nghề bốc thuốc chữa bệnh. Không chỉ hành nghề chữa bệnh cứu người mà cụ Đẩu là người ham thích tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa cổ truyền.

Cụ Đẩu thông thạo Hán ngữ, mê Thư pháp lại thêm có kiến thức sâu rộng về cổ văn nên căn nhà của cụ dù tọa lạc ở trong làng nhưng thường xuyên có khách đến viếng thăm. Trong số đó có không ít người thuộc giới nghiên cứu, giới trí thức văn nghệ sĩ danh tiếng…

Điểm đặc biệt là trong lối giao tiếp với bạn bè cụ Đẩu học theo nếp của người xưa vừa khiêm cung lại hết sức bặt thiệp, rộng rãi. Do vậy có rất nhiều người yêu kính cụ. Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 3/2023, cụ Đinh Ngọc Đẩu đã được Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) gửi "Thư mời nhận xét về chuyên đề khoa học của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thạch".

Các nghiên cứu khoa học trong cuốn sách có tựa đề: "Hằng số luân hồi Thái cực hoa giáp". Cụ Đẩu đã để tâm nghiên cứu và gửi nhận xét về cuốn sách đến hội đồng và được nhiều thành viên hội đồng đánh giá rất cao bởi những hiểu biết sâu sắc và đánh giá thấu đáo về công trình này.

Cũng với sở học uyên thâm của mình cụ Đẩu đã được Ban Tổ chức chương trình Gala Chào xuân 2022 tặng Bảng vàng "Người toàn tài về bảo tồn phát huy văn hóa cổ Việt Nam". Có lẽ rất ít người biết rằng vào năm 2010, Nhà nước tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cụ Đẩu từng có vinh dự được mời Đánh trống Hội, tại tượng đài Lý Thái Tổ trong ngày Hội…

Có điểm rất đáng lưu ý là cụ Đẩu rất yêu thích văn hóa cổ truyền. Ngoài việc cụ phát tâm công đức trùng tu, tôn tạo nhiều đền miếu, chùa chiền thì cụ cũng là người dành sự yêu thích đặc biệt với văn học cổ. Cụ thuộc làu toàn bộ truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm… Không những chỉ thuộc làu truyện Kiều, cụ Đẩu còn có thể luận giải cặn kẽ nội dung, cái hay cái đẹp của truyện Kiều, giải thích tường tận các điển tích, điển cổ mà tác giả Nguyễn Du sử dụng trong bản Kiều. Với một người đã 90 tuổi, đó là một điều hiếm có.

Cụ Đẩu cũng là người thuộc nhiều thơ, các truyện Nôm khuyết danh. Cụ Đẩu cũng đã làm trên 700 bài thơ và thuộc lòng các bài thơ mình đã viết, tuy nhiên cụ không nhận mình là nhà thơ mà chỉ là người yêu thơ, học theo đạo của người xưa lấy thơ để bày tỏ cái "chí" cái "tâm" của mình. Thơ với cụ như một thú tiêu dao, như là cách để "di dưỡng tinh thần", nuôi cái đức sáng, tâm thiện của mình.

Nhà nghiên cứu Lã Đăng Bật khi tiếp xúc, nghiên cứu tổng thể các tác phẩm của cụ đã bày tỏ sự ngạc nhiên và khâm phục trí tuệ minh triết của cụ Đinh Ngọc Đẩu, trong cuốn "Ngũ đóa kết thi nhân" - tác giả Lã Đăng Bật đã viết: "… thơ của cụ có phong cách riêng, độc đáo, là hiện tượng thơ Đinh Ngọc Đẩu, nói rộng ra là hiện tượng Đinh Ngọc Đẩu". Cụ Đẩu từng có thơ in trong sách: Chắt lọc tinh hoa truyện Kiều và Nguyễn Du (NXB Thế giới, 2022) cùng hơn 70 bài thơ in trong cuốn "Ngũ đóa kết thi nhân" cùng với 4 tác giả khác vừa mới xuất bản vào 6/2023…

Với nhiều người khi đã bước vào tuổi 90, thì chỉ cầu mong có được sức khỏe, với cụ Đẩu cụ đã làm được nhiều hơn thế. Cụ đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa với sự say mê và tận hiến. Trước một con người như vậy, những thế hệ sau như người viết chỉ biết giữ niềm kính ngưỡng.

Bài, ảnh: Mai Phương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-ve-ky-lao-ho-dinh/d2023092208581948.htm