Chuyện về kẻ phóng đãng khiến Julius Caesar bỏ vợ

Publius Clodius Pulcher là người tiên phong khởi xướng xu hướng sống phóng túng ở thành Rome, kẻ luôn vui sướng miệt thị thẩm quyền và truyền thống.

Có một buổi họp mặt tôn giáo cổ xưa dành cho phụ nữ La Mã được tổ chức hàng năm có tên là lễ hội Bona Dea. Tên chính xác của vị “nữ thần tốt bụng” này là gì thì chẳng ai biết, nhưng có khả năng bà ta cũng có bản chất là thánh thần tương tự Fauna, người được thờ phụng khắp nước Ý.

Trong phiên bản La Mã của nghi lễ này, các Trinh nữ tư tế của thần Vesta mời các phụ nữ tụ tập tại ngôi nhà của một phán quan cao cấp trong một đêm để ca tụng và kết bạn. Đàn ông bị cấm bén mảng tới. Năm ngoái, nhà của Cicero đã trở thành địa điểm cho lễ hội, giờ mẹ của Caesar, Aurelia, trở thành nữ chủ nhân cho lễ tụng ca tại ngôi nhà của đại giáo chủ.

Các lễ hội tương tự cũng được tổ chức khắp nơi trong thế giới Địa Trung Hải cổ xưa. Các câu chuyện, được đám đàn ông rỉ tai nhau, thường xuyên rộ lên xung quanh buổi thờ phụng như thế này, cho rằng các lễ hội bí mật của phụ nữ là cơ hội để các bà trác táng dâm dật, trong khi thực tế đó là cơ hội mà phụ nữ rất mong mỏi để được thư giãn mà không có sự hiện diện phiền nhiễu của cánh đàn ông.

Đó là một buổi tối của âm nhạc và khiêu vũ, với các đồ trang trí trong vườn nho và rượu ê hề - được bí mật gọi là “sữa” trong đêm vì luật La Mã cổ ngăn cấm bán rượu cho phụ nữ.

Vợ của Caesar, Pompeia, đương nhiên là có mặt trong lễ tụng ca, cùng với tất cả các vị mệnh phụ phu nhân La Mã hàng đầu khác.

Aurelia đã vui vẻ lót lá tống Caesar ra khỏi nhà từ sáng sớm, ra lệnh cho ông phải bắt bọn đàn ông ở yên trong nhà hết, một mệnh lệnh ông vui vẻ chấp hành.

 Tranh sơn dầu Caesar (1875) của Adolphe Yvon (1817-1893). Ảnh: FineartAmerica.

Tranh sơn dầu Caesar (1875) của Adolphe Yvon (1817-1893). Ảnh: FineartAmerica.

Khi các hoạt động trong lễ hội đang diễn ra suôn sẻ và nhiều chén rượu đã uống cạn, một người hầu của Aurelia bỗng bước đến chỗ một cô gái trẻ tuổi nhút nhát đang trốn trong bóng tối. Cô ta gọi người xa lạ kia ra khiêu vũ, nhưng cái bóng che mạng chậm chạp kia từ chối bằng một giọng trầm đến ngạc nhiên. Người hầu lôi kéo con người bí ẩn kia ra chỗ sáng rồi hét toáng lên, la lớn với cả nhà rằng mình đã bắt được một người đàn ông xâm phạm buổi thờ phụng của họ.

Ngay lập tức Aurelia cho tạm dừng lễ tụng ca và ra lệnh đóng chặt tất cả cánh cửa ra vào căn nhà. Tiếp đó, bà cho lục soát toàn bộ căn nhà của Caesar, rồi cuối cùng dồn kẻ xâm nhập vào góc, lột bỏ lớp quần áo giả trang của hắn rồi tổng cố hắn ra khỏi nhà.

Tin đồn về hành động báng bổ nhanh chóng lan rộng khắp thành phố. Thủ phạm là người đàn ông có tên là Publius Clodius Pulcher, một nhà quý tộc trẻ tuổi bất kính, là người tiên phong khởi xướng xu hướng sống phóng túng ở thành Rome và luôn vui sướng miệt thị thẩm quyền và truyền thống.

Clodius thậm chí còn thay đổi cả cách đánh vần họ của mình thành Claudius như một cách tỏ ra thời thượng. Từ lâu, Clodius đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ vợ của Caesar là Pompeia - hoặc ít nhất thì gã đã quyết định nếu mình có thể quyến rũ được nàng thì chắc hẳn vui lắm. Nghĩ là làm, gã ăn mặc như một cô gái chơi đàn luýt rồi bước vào trong nhà Caesar. Gã định cố gắng chờ đến lúc Pompeia một mình trong phòng ngủ thì bỗng bị phát hiện.

Cả thành Rome huyên náo, vừa do hành động báng bổ thần thánh vừa vì Clodius vốn là kẻ trác táng khét tiếng, nghe nói hắn từng có mối quan hệ loạn luân với các em gái mình. Gã cũng là nhân vật được yêu thích trong nhóm dân túy vì mạnh mẽ bênh vực cho quyền lợi của họ và không ngừng gây phiền toái cho tầng lớp nguyên lão nghiêm túc và đúng đắn.

Caesar phản ứng rất quyết đoán và dứt khoát. Ông gửi cho Pompeia một lá thư ly dị, ngay cả cho dù vẫn chưa rõ ràng liệu cô có nguyện ý tham gia vào vụ bê bối này hay không. Khi được hỏi lý do ông lại bỏ vợ khi không có bằng chứng vững chắc, ông bèn đáp rằng vợ của Caesar phải là người mà không một ai dám nghi ngờ. Ngay cả nếu Caesar có yêu thương Pompeia, thì ông cũng không thể chịu nổi khi trở thành người chồng bị cắm sừng cho đám kẻ thù chính trị giải trí.

Nhưng ông cũng không thể tỏ thái độ không thân thiện với những người thuộc phe dân túy vốn xem Clodius như anh hùng, thế nên ông từ chối bất kỳ nỗ lực trả thù cá nhân hoặc truy tố nào. Caesar biết rằng dù Clodius là một kẻ liều lĩnh, bất cần đời, nhưng gã có thể rất hữu ích với ông trong những năm sắp tới nếu họ duy trì được mối quan hệ tốt.

Thế là không lâu sau, Caesar đi nhậm chức tỉnh trưởng tại tỉnh quen thuộc là Further Spain, và để những người khác, bao gồm Cicero và những người đứng đầu Viện Nguyên lão, mang Clodius ra xét xử.

Philip Freeman/NXB Dân trí & Bách Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-ve-ke-phong-dang-khien-julius-caesar-bo-vo-post1440395.html