Chuyện về hy sinh thầm lặng của nhà tình báo Đặng Trần Đức

Những câu chuyện về công việc, cuộc sống của Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhà tình báo Đặng Trần Đức đã được kể lại trong tọa đàm ra mắt sách 'Người thầy' sáng 19.4 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Nhiều câu chuyện chưa kể

Tác giả cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, ông Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc - nhân vật trung tâm của cuốn sách) là một nhà tình báo xuất sắc của tình báo quốc phòng Việt Nam, một cán bộ tài năng, hội đủ những phẩm chất của một điệp viên hoàn hảo, nhà chỉ huy sắc sảo, quyết liệt và là một người thầy có cá tính đặc biệt, nghiêm khắc nhưng vô cùng nhân văn, sâu sắc.

Tọa đàm giới thiệu sách “Người thầy” sáng 19.4 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21.4) lần thứ 2

Chia sẻ trong cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã viết: “Người thầy” không chỉ nói về công lao của ông Ba Quốc mà còn kể về những trăn trở, hy sinh, những khó khăn phải vượt qua, về đạo đức, tình cảm của ông, đặc biệt là tình vợ chồng, cha con, thầy trò... những bài học về người, về đời của ông để giúp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ trong ngành tình báo tiếp thu trong quá trình trưởng thành.

Với lợi thế của người trong cuộc, am hiểu công việc tình báo và mối quan hệ thầy trò gần gũi với nhân vật trong công việc cũng như cuộc sống sinh hoạt đời thường, tác giả đã tìm ra lối tiếp cận mới và phương pháp xử lý khối lượng thông tin ngồn ngộn một cách hoàn hảo.

Về quá trình ra đời cuốn sách “Người thầy”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tâm sự, cách đây 5 - 7 năm, ông đến thăm gia đình ông Ba Quốc, gặp gỡ các thành viên trong gia đình nhà tình báo. Những ngày đó, nhất là dịp giỗ ông Ba gần như mọi người từ hai miền đất nước đều không hẹn mà gặp, ngồi lại với nhau và nhắc lại nhiều câu chuyện về ông.

“Những câu chuyện về thời chúng tôi ở gần ông, đặc biệt giai đoạn ở Campuchia. Thậm chí, có cả những câu chuyện thầm kín, chưa từng kể với ông Ba nhưng cũng được kể lại”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhớ lại.

“Cách đây 20 năm, khi nhà văn Khuất Quang Thụy muốn viết về ông Ba Quốc sau năm 1975 nhưng ông không đồng ý thì tôi đã nói "sẽ có lúc cháu viết về chú". Sau đó dù đã suy nghĩ nhiều song tôi chưa thực hiện được. Bởi để viết về ông rất khó, tư liệu không đầy đủ, những người cùng thời không còn mấy ai.

Sau khi nghỉ công tác, tôi đọc lại toàn bộ hồ sơ lưu, các cuốn sách viết về ông, rồi những trang nhật ký ông bà gửi cho nhau..., tôi nghiệm ra rằng dù đã đọc các tài liệu, nghe kể chuyện song tôi vẫn không hiểu gì về ông. Tôi nghĩ, nếu không viết lại về ông thì những giá trị rất to lớn sẽ bị chôn vùi. Sẽ là rất tiếc!”

Bài học cho thế hệ trẻ về nghề tình báo

Trao đổi tại tọa đàm, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Thượng tá Phùng Văn Khai, khẳng định, cuốn sách của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giúp chúng tôi và giới trẻ hiểu hơn về người anh, người bạn Nguyễn Chí Vịnh, cũng là hiểu về thế hệ những người anh đã đi qua các cuộc chiến của dân tộc, trong đó có các nhà tình báo. Trải qua bao cam go, thách thức, họ vẫn giữ được những kỷ vật của bản thân, của đất nước, vẫn trưởng thành để góp công, góp sức cho Tổ quốc và Nhân dân.

Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Thượng tá Phùng Văn Khai chia sẻ tại tọa đàm

Cuốn sách, theo Thượng tá Phùng Văn Khai, đưa đến 6 thông điệp:

Thứ nhất, tình yêu Tổ quốc, tấm lòng phụng sự nhân dân của những người làm tình báo, làm cách mạng rất cụ thể, bình dị, chứ không phải bằng khẩu hiệu lớn lao, to tát.

Thứ hai, sự trưởng thành của một con người, dìu dắt, động viên, chia sẻ, đồng hành.

Thứ ba, trong cuộc chiến đấu cam go như vậy, sự nhận diện chiến lược để tham mưu giúp cấp cao nhất thực hiện các nhiệm vụ trọng đại của cách mạng, của đất nước là rất quan trọng. Chúng ta chỉ có vài ba tình báo nhưng phải đối đầu với kẻ thù muôn vàn khó khăn, nham hiểm.

Thứ tư, sự hy sinh vô hạn của những người thân cho người thầy, cụ thể là những người phụ nữ, họ chịu cảnh người chồng, người cha mình phải xa cách mịt mùng, không biết ngày trở về.

Thứ năm, những tham mưu, điều chỉnh cho nghề tình báo nói chung.

Thứ sáu, từ sự vật lộn, hy sinh của các nhà tình báo, cuốn sách của tác giả Nguyễn Chí Vịnh xác định, đặt ra những vấn đề quan trọng của đất nước, về những chiến công thầm lặng của thế hệ cha anh cho thế hệ tình báo mai sau học tập, noi theo.

Bìa cuốn sách "Người thầy", NXB Quân đội Nhân dân

Hơn 20 năm hoạt động trong lòng địch có lẽ là thời kỳ khó khăn, gay cấn, nguy hiểm mà ông Ba Quốc phải chịu mất mát, hy sinh nhiều nhất. Đó là những câu chuyện về sự ứng phó nhạy bén, cơ trí, chuẩn xác để bản thân ông có thể tồn tại, hoạt động, thu thập thông tin giữa sào huyệt địch. Chính vì vậy, ông đã thu thập, khai thác, lấy được rất nhiều thông tin quý giá của địch, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

“Nói về công lao, đóng góp, tài năng của ngành tình báo Việt Nam mà nói về một mình chú Ba Quốc thì không đủ. Và tôi tin nếu còn sống thì ông cũng không đồng ý chỉ nói về một mình mình, mà phải nói đến một chùm sao, một rừng sao đều tỏa sáng của ngành tình báo Việt Nam”, tác giả Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.

Trong tác phẩm, tác giả cũng cho người đọc cơ hội được hiểu hơn một số nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Đại tướng, Chủ tịch Nước Lê Ðức Anh; các vị tướng đứng đầu ngành tình báo Quân đội như: Đặng Vũ Chính, Nguyễn Như Văn; những nhà tình báo huyền thoại như: Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Khiêm, Lê Hữu Thúy...

Bài và ảnh: Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/chuyen-ve-hy-sinh-tham-lang-cua-nha-tinh-bao-dang-tran-duc-i324549/