Chuyện về gia đình người cảnh sát hy sinh khi bắt tội phạm

Chồng hy sinh, chị không đi bước nữa, chăm mẹ chồng, nuôi con suốt 18 năm, nhưng cứ đến ngày 27/7, khi đồng đội tới nhà thắp hương, chị vẫn không nén được xúc động.

"Mỗi năm đến ngày này, tôi không muốn gặp ai cả vì...", giọng mẹ tắc lại nghẹn ngào. Đôi dòng lệ nhỏ nhoi bỗng trào ra từ hai con mắt mờ đục tưởng như đã lâu không còn khóc được. Như hiểu tấm tình mẹ, chị ngồi xích lại quàng tay vuốt những sợi tóc bạc còn sót lại trên đầu mẹ như an ủi mà nước mắt cũng chứa chan.... Có lẽ đó là câu nói rất thật tâm mà chỉ những người đã phải trải qua rất nhiều đau khổ như mẹ Trần Thị Vi, vợ liệt sĩ Bùi Viết Thiện đồng thời là mẹ liệt sĩ Bùi Tất Thịnh, Công an thành phố Nam Định, mới thốt lên được khi đến ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Dường như quãng thời gian gần chục năm qua kể từ ngày anh Thịnh mất, nhưng trong tiềm thức của bà Vi và chị Thành (vợ liệt sĩ Bùi Tất Thịnh) anh vẫn như đang đi công tác xa nhà, mọi kỷ vật, đồ đạc trong nhà dù đã cũ hoặc mới mua về đều có một phần dành cho anh. Thiếu tướng Phan Vĩnh, (ngoài cùng bên trái) người chỉ huy trận đánh băng cướp tiệm vàng 250 Hoàng Văn Thụ trong chương trình Vinh quang Việt Nam. Là kĩ sư cầu đường của Bộ Giao thông vận tải giữa những năm chiến tranh ác liệt, ông Bùi Viết Thiện luôn phải vào các tỉnh miền Trung công tác. Nhiệm vụ của đơn vị ông là nối lại những nhịp cầu đã bị bom Mỹ đánh sập và làm vô hiệu hóa những trái bom đang nằm rải rác ở những cánh đồng, khu dân cư. Trong một đêm phá bom từ trường cho dân cấy lúa ở Đồng Hới tỉnh Quảng Bình, không may tổ của ông bị máy bay Mỹ ném bom trúng, 9 người trong đó có ông Thiện đã hy sinh. Tin dữ báo về, khiến bà Vi lúc này đang công tác ở phòng thương nghiệp sân bay Đa Phúc (sân bay Nội Bài ngày nay) như điên dại. Bốn đứa con nhỏ xíu, mọi gánh nặng dồn hết lên vai, đã có lúc bà muốn chết nhưng những đôi mắt tròn xoe ngơ ngác chưa hiểu thế nào là mất bố của bọn trẻ khiến bà gắng gượng. Thời chiến, mọi thứ đều thiếu thốn, một mình nuôi đàn con càng nhọc nhằn biết bao. Rồi sơ tán, rồi chuyển chỗ công tác, chuyện ăn uống, học hành của bọn trẻ... đi hết vùng này đến tỉnh khác song chẳng khi nào bà nghĩ đến chuyện bỏ cơ quan. Đứa con nào bà cũng bắt học hành đến nơi đến chốn. Vết thương lòng dần nguôi ngoai khi các con bà phương trưởng, nhìn anh Thịnh càng lớn càng giống bố, bà như được an ủi. Rồi khi anh Thịnh vào công tác trong lực lượng công an, sớm tối miệt mài với việc chống tội phạm, bà lại thắc thỏm lo, nhất là những khi anh đi miết mấy ngày không về thì lòng bà như có lửa cháy. Bà bảo anh Thịnh rất thương mẹ, mỗi khi có công chuyện phải đi, anh đều nói dối là đi trực nhưng cái kiểu đi qua đêm, khi về nhà ngủ vùi là bà biết con mình vừa trải qua những giờ phút nguy hiểm, truy bắt tội phạm. Biết là thế nhưng bà không nói, chỉ lặng lẽ đến bàn thờ chồng thắp hương cầu khấn. Dù đã qua hơn chục năm nhưng bà vẫn nhớ như in cái ngày anh Thịnh cùng đồng đội bị thương khi triệt phá băng cướp tiệm vàng ở 250 Hoàng Văn Thụ năm 1991. Sáng sớm hôm đó, đi trực về, anh Thịnh ào vào bệnh viện, thăm con trai lúc đó mới sinh được 7 ngày rồi hào hứng lôi trong túi ra đôi giày sơ sinh mới mua. Thay vội bộ quần áo, anh lại tất tả ra đi chỉ kịp nhắn vợ là tối sẽ về làm đầy cữ cho con thế nhưng tối đó anh đã lỡ hẹn. Chị Thành vợ anh chốc chốc lại ra cửa ngóng chồng còn mẹ Vi thì cứ ngồi miết bên cửa sổ, im lặng đợi tin con. Hai hôm sau, anh em trong đơn vị mới đến báo tin anh Thịnh bị thương nặng đang nằm điều trị ở bệnh viện 19/8 Bộ Công an, mẹ nằng nặc đòi lên thăm, chị Thành bồng con nhỏ cũng lên cùng. Nhìn anh trên người đầy vết thương do trúng mìn của bọn cướp ném trả, cả hai người phụ nữ không kìm được nước mắt. Không nói ra song trong sâu thẳm hai người mẹ đều lo điều chẳng lành sẽ xảy ra và khi ấy mẹ góa, con góa, nhà mất chỗ dựa sẽ hụt hẫng đến vô cùng. Rồi anh Thịnh mất, mẹ Vi tưởng nhưng không gượng nổi trước sự ra đi của hai người đàn ông mà bà rất mực thương yêu. Nhìn mẹ hàng ngày thiêm thiếp, chỉ uống nước cháo cầm hơi, lòng chị Thành đau như cắt. Hai con nhỏ, công việc ở nhà máy dệt thất thường nhưng giờ chị là trụ cột của gia đình, nếu không gắng gượng, mẹ chồng, con nhỏ sẽ ra sao. Trước đây có anh, vất vả của chị có người chia sẻ giờ đây mọi khó khăn càng nhân lên gấp bội. Nén nỗi đau, chị Thành gồng mình xoay sở mọi cách kiếm sống, chăm mẹ chồng, nuôi con. Biết bao đêm chị lén khóc thầm mỗi khi nghe vợ chồng nhà bên to tiếng. Chị thèm được như họ, thèm được nghe chồng nói dù là giận hờn, trách mắng. Đã nhiều năm nay, chị phải sống với rất nhiều vai trong cái gia đình nhỏ bé của mình để lúc thì như người bạn thầm thì an ủi mẹ chồng, lúc lại như người con trai hiếu thảo của mẹ và mỗi khi con cái cần sự định hướng, chị lại xuất hiện như thể anh Thịnh vẫn còn sống... Cứ bận bịu, lo toan cho mọi người, chị chẳng còn thời gian nào nghĩ cho bản thân dù là bộ quần áo mới, chiếc khăn quàng cổ bởi như lời tâm sự của chị thì: "ngày còn sống anh Thịnh chu đáo, tình cảm lắm. Gia cảnh nghèo, công việc bận tối ngày nhưng cái ăn, cái mặc của vợ, của mẹ, anh đều dành thời gian chăm chút. Giờ đây mỗi khi mua cái gì cho bản thân, tôi lại chạnh lòng". Làm vợ công an vốn hiếm được cùng chồng chung vui ngày lễ, tết thì những bữa cơm thường nhật xum họp gia đình càng hiếm hoi hơn. Thế mới thấy sự thiệt thòi mà các chị đang phải chịu đựng thật lớn biết bao vậy mà khi nói về chồng, về công việc của chồng, ai cũng tự hào, thương nhớ. Giờ đây mái tóc chị Thành đã điểm bạc, tóc mẹ Vi cũng vợi dần vì tuổi tác nhưng không vì thế mà bớt nhớ, bớt thương người đã đi xa. Con gái anh Thịnh giờ đã là một thiếu úy công an đang công tác ở Công an thành phố Nam Định. Cậu con trai vừa trải qua kỳ thi vào Học viện an ninh nhân dân, cả hai đang đi tiếp con đường mà người cha đã chọn. Nói về anh Thịnh, anh Đài, hai liệt sĩ tham gia trận đánh băng cướp tiệm vàng 250 Hoàng Văn Thụ, thượng tá Phạm Mạnh Thường tâm sự: "Mỗi năm đến ngày này, chúng tôi lại gặp nhau, cùng ôn lại kỷ niệm cũ để rồi lại ngấn lệ khi nâng chén rượu mời bạn. 5 người chúng tôi khi ấy giờ chỉ còn tôi và Thiếu tướng Phan Vĩnh nhưng thương tật đầy mình. Mỗi khi trái gió trở trời, trên thân thể lại đau, dấu vết của lần hứng chịu quả mìn do bọn cướp ném trả nhưng so với đồng đội chẳng thấm tháp gì". Năm tháng qua đi nhưng những chiến công hào hùng thì mãi còn đó. Cái được của các liệt sĩ công an là xóm làng bình yên, tội phạm đã giảm bớt. Tất cả các anh đều trăn trở nỗi niềm vì sự bình yên của nhân dân trong khi cuộc sống còn bộn bề gian khó. Trong trái tim của những người lính bao giờ cũng đầy ắp hình ảnh hậu phương, là mẹ già, là vợ con, là tất cả những người thân yêu đang nín thở dõi theo từng bước anh đi. Thế nhưng khi đối mặt với bọn tội phạm nguy hiểm thì những người như anh Thịnh, anh Nguyễn Thành Dũng và rất nhiều người nữa...đã tạm gác tình cảm riêng tư sang một bên để chiến đấu vì cái chung, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân. Và hơn ai hết những người mẹ, người vợ của các anh hiểu rõ điều đó nhưng vẫn vững vàng trước mất mát để nuôi dạy con cái trưởng thành.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/phapluat/Chuyen-ve-gia-dinh-nguoi-canh-sat-hy-sinh-khi-bat-toi-pham/20097/51451.datviet