Chuyện về dân tộc ít người nhất Việt Nam

Dân tộc SiLa (còn có tên gọi Cú Dề Xừ, Khả Pẻ) là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam. Tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, duy nhất chỉ có bản Nậm Sin có người SiLa sinh sống. Nhờ dự án Hỗ trợ phát triển dân tộc SiLa, cuộc sống của bà con đang đổi thay từng ngày.

Đồng bào SiLa ươm cá giống để bán cho các địa phương lân cận Mỗi năm, cả bản chỉ có một đứa trẻ ra đời Chúng tôi đặt chân tới bản Nậm Sin, nơi duy nhất của tỉnh Điện Biên có đồng bào SiLa sinh sống. Ông Lò Văn Thoại, trưởng phòng dân tộc, Ủy ban dân tộc tỉnh Điện Biên (thành viên trong đoàn) đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ông được chứng kiến khi cùng lãnh đạo huyện Mường Nhé đi khảo sát dự án Hỗ trợ phát triển dân tộc SiLa. Bản Nậm Sin nằm ở khu vực khó khăn nhất của huyện Mường Nhé, ngay cạnh dãy núi Xì Thau Chải. Bản cách trung tâm huyện lỵ gần 40km nên bà con luôn sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Cả bản không có đường giao thông, không điện chiếu sáng, không nhà văn hóa, cơ sở hạ tầng chỉ duy nhất có hai phòng học cấp 4 xập xệ, xuống cấp.... Muốn vào được trong bản, mọi người buộc phải đi bè qua dòng sông Đà nước chảy cuồn cuộn rồi đi bộ lên rừng non 1 km mới tới nơi. Ông Thoại cho biết thêm: Ngày đó, khi tôi đến, bản vắng hoe. Cả bản lúc đó chỉ có mấy đứa trẻ mũi chảy thò lò, lấm lem bùn đất ngồi nhìn khách lạ còn người lớn thì đi rừng, lên nương hết cả. Người SiLa, chủ yếu sống bằng nghề phát nương, làm rẫy, trồng lúa, trồng ngô nên kinh tế còn mang nặng sản xuất tự cung, tự cấp. Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của địa phương nhưng cả bản lúc đó chỉ có 7 con bò, 15 con trâu và 25 con lợn, 400 con gia súc, gia cầm. Những ngành nghề như tiểu thủ công nghiệp không có điều kiện phát triển, chỉ dừng lại ở mấy thứ hàng mây tre đan theo lối thủ công truyền thống nên cái đói luôn thường trực. Nạn "hữu sinh vô dưỡng”, những tập tục lạc hậu và bệnh tật trong đó phổ biến nhất là bệnh bướu cổ, sốt rét và đau mắt hột luôn hoành hành ở nơi heo hút này. Từ khi tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên đến nay thì Điện Biên chỉ còn duy nhất bản Nậm Sin có người SiLa sinh sống. Trước đó, vào năm 1973, một bộ phận người SiLa tại hai bản Seo Hải và Sì Thao Chải (xã Can Hồ, huyện Mường Tè, Lai Châu) đã di dời đến khu tái định cư mới là bản Nậm Sin, xã Chung Chải hiện nay. Như vậy, người SiLa ở bản Nậm Sin (Điện Biên) có nguồn gốc xuất xứ với người SiLa ở Mường Tè, Lai Châu. Theo thống kê, người SiLa thuộc nhóm dân tộc ít người nhất Việt Nam. Dân tộc này đang có xu hướng nhỏ dần (cân nặng chỉ từ 40 – 45 kg, cao từ 1,45m – 1,60m) và có nguy cơ suy thoái giống nòi do quan hệ hôn nhân cận huyết thống. Tính từ năm 1973 đến nay, dân số của bản Nậm Sin chỉ tăng từ 24 hộ lên 44 hộ. Nghĩa là hơn 30 năm, số người được sinh ra ở đây chưa đầy 40 người. Ước chừng, mỗi năm, chỉ có một đứa trẻ được ra đời. Đến với thế giới văn minh Đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn, Dự án Hỗ trợ – Phát triển dân tộc SiLa tại bản Nậm Sin được phê duyệt đã góp phần làm bùng lên sức sống của đồng bào. Những con đường được ưu tiên xây dựng nối liền bản Nậm Sin với trung tâm huyện Mường Nhé. Con đường như một dòng huyết mạch "kéo” đồng bào Si La ra với thế giới văn minh bên ngoài, nối gần sự quan tâm, chăm lo của Đảng, của Nhà nước, cộng đồng với tộc người Si La. Rồi lần lượt các dự án khác được triển khai nên giờ đây 100% ngôi nhà ở bản Nậm Sin được tôn hóa. Ánh sáng cũng về tới bản nhờ những máy phát điện mini. Có điện chiếu sáng, bà con được xem ti vi, nghe đài để nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc. Trưởng bản Nậm Sin, Lý Trà Che nói như cởi tấm lòng: Ơn Đảng, Nhà nước, Mặt trận mà bà con mình đã có đường ô tô chạy vào tận trung tâm xã. Con lợn, con gà cũng không còn phải vác qua vài quả núi mới ra tới chợ. Vừa rồi, mấy cán bộ khuyến nông vào khảo sát địa bàn cho biết: Sắp tới bản Nậm Sin sẽ được được đầu tư một số công trình thủy lợi để bà con có thêm nước đổ vào ruộng. Bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi. Cũng nhờ có đường ô tô mà dân bản được giao lưu với bên ngoài, tiếp thu ánh sáng văn minh trong sản xuất, đầu tư phát triển thủy lợi, mở mang hệ thống nước sinh hoạt nên bà con đã vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu với mức thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2,2 triệu đồng/người/năm (gấp 6,1 lần so với thời điểm chưa thực hiện dự án), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 72,5% (giảm 16% so với năm 2005). Dự án Hỗ trợ phát triển dân tộc SiLa đã giúp bà con đào 33 ao cá với diện tích mặt nước gần 13 nghìn m2. Từ chỗ sản xuất tự cấp tự túc, nay đồng bào SiLa đã biết ươm cá giống xuất bán và nuôi cá thịt thương phẩm. Bà con đã biết trồng rau, nuôi gà, vịt để cải thiện cuộc sống, có hộ còn phát triển hệ thống dịch vụ, mở đại lý cung ứng hàng hóa... Bên cạnh việc giúp đỡ bà con phát triển kinh tế thì những người tâm huyết với bản làng cũng luôn giáo dục cho các thế hệ con cháu giữ gìn, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc như: Tiếng nói, phong tục tập quán, trang phục truyền thống. Còn đối với việc học hành của con em mình, bà con trong bản cũng phấn khởi khi điểm trường Tiểu học Nậm Sin đang được đầu tư, xây mới kiên cố với 6 phòng học, 3 phòng công vụ cho giáo viên, thu hút hàng trăm em học sinh của bản Nậm Sin và các bản lân cận khác theo học. Trưởng bản Lý Chà Tre tự hào cho biết: Bản Nậm Sin hiện có một sinh viên đang theo học trường Cao đẳng Y tế tỉnh và tập tục hôn nhân cận huyết thống cũng không còn. Những tín hiệu đó báo hiệu một tương lai tươi sáng góp phần làm thay đổi tư duy, tiếp sức cho đồng bào thoát nghèo bền vững. Nguyễn Phượng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=34641&menu=1371&style=1