Chuyển từ lỗ sang lãi, Golden Gate có thể tiếp tục 'cày sâu' ngành F&B

Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) có kết quả kinh doanh năm 2022 khả quan. Trong năm 2023, doanh nghiệp này có thể quay lại mảng nước giải khát. Dữ liệu tài chính cuối năm 2021 thể hiện, Công ty đang có dư nợ trái phiếu trị giá 488,59 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 6.9.2024 với lãi suất lên tới 11,5%/năm. Trong đó, tài sản đảm bảo là 573.372 cổ phiếu của công ty được nắm giữ bởi CTCP Golden Gate Partners.

Golden Gate là đơn vị vận hành hàng loạt chuỗi nhà hàng nổi tiếng như lẩu Manwah, Cowboy’s Jacks, Sumo BBQ, Kichi Kichi, Vuvuzela, Gogi... và được thành lập năm 2005.

Theo thông tin được công bố mới đây, Golden Gate đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh nhà hàng, với mức doanh thu dự kiến đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 110 % so với năm 2021 và 46% so với năm 2019 trước khi có dịch bệnh. Doanh nghiệp F&B lớn nhất Việt Nam đạt mức lợi nhuận dự kiến hơn 600 tỷ đồng năm 2022, tăng trưởng gần 10 lần so với năm 2020.

Manwah là một trong những chuỗi nhà hàng thuộc Golden Gate

Theo ban lãnh đạo công ty này, chỉ tính riêng trong quý 4.2022, Golden Gate đã mở mới 23 nhà hàng. Tính gộp cả năm 2022, họ mở mới 73 nhà hàng và đến cuối năm 2022, hệ thống của Golden Gate đã đạt tổng số 451 nhà hàng.

Trước đó, trong năm 2021 trước đó, do ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động kinh doanh của toàn chuỗi cửa hàng lẩu, nướng, bia tươi do Golden Gate vận hành đều bị thu hẹp. Trong đó, công ty này ghi nhận 3.318 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với năm liền trước và là năm thứ hai bị thu hẹp doanh số.

Cùng năm, công ty có lợi nhuận gộp đạt hơn 1.926 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của chủ chuỗi nhà hàng Vuvuzela, Kichi Kichi, Gogi... lại báo số âm 431 tỷ đồng, trong khi năm 2020 vẫn lãi dương 65 tỷ. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này thua lỗ kể từ khi công khai tài chính năm 2008.

Dữ liệu tài chính của Golden Gate thể hiện, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Golden Gate tăng gần 100 tỷ so với đầu năm lên 2.387 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn, mục đi vay dài hạn phát sinh 546 tỷ đồng do trong năm doanh nghiệp huy động trái phiếu. Tổng nợ đi vay của Golden Gate chiếm khoảng 45% tổng nguồn vốn với giá trị 1.075 tỷ đồng.

Cuối năm 2021, Công ty đang có dư nợ trái phiếu trị giá 488,59 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 6.9.2024 với lãi suất lên tới 11,5%/năm. Trong đó, tài sản đảm bảo là 573.372 cổ phiếu của công ty được nắm giữ bởi CTCP Golden Gate Partners.

Theo hé lộ của CEO Golden Gate, vì không dự đoán chính xác được năm 2023 thị trường sẽ như thế nào, nên Golden Gate đã tạo ra 2 phương án để có thể ứng phó kịp thời. Nếu thị trường khó, họ có thể quay lại mảng nước giải khát – nơi họ từng thử nghiệm và chưa thành công. Ngoài ra, Golden Gate sẽ cố IPO vào 2024 khi luật định cho phép.

Năm 2022 vừa qua, cùng với sự hồi phục, Golden Gate nhiều lần bị xử phạt. Cụ thể, Ngày 25.10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 782/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng.

Năm 2022, Golden Gate nhiều lần bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt

Cụ thể, phạt tiền 70 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31.12.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (Công ty báo cáo UBCKNN không đúng thời hạn các tài liệu sau: Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán; Nghị quyết và Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021; Báo cáo tình hình quản trị công ty (QTCT) 6 tháng đầu năm 2021; Báo cáo tình hình QTCT năm 2021).

Phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30.12.2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông

Trong năm 2018, Công ty cho vay dài hạn đối với Công ty cổ phần Golden Gate Partner là cổ đông của Công ty với số tiền là 29,1 tỷ đồng. Theo BCTC năm 2021 đã kiểm toán, đến thời điểm 31.12.2021, số dư khoản phải thu về cho vay dài hạn đối với Công ty cổ phần Golden Gate Partner là 14,7 tỷ đồng. Tổng hình phạt là 195 triệu đồng.

Trước đó, tháng 7.2022, Golden Gate bị UBCKNN phạt tổng cộng 435 triệu đồng. Trong đó, phạt tiền 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định.

Phạt 85 triệu đồng do công ty mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật. Cụ thể: trong năm 2021, công ty đã thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định.

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với công ty là buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Tú Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep1/chuyen-tu-lo-sang-lai-golden-gate-co-the-tiep-tuc-cay-sau-nganh-f-b-i314577/