Chuyện tình không tên và những yêu dấu mờ tỏ

Vũ Thành An nổi tiếng với 50 Bài không tên, được sáng tác từ năm 1965. Người hâm mộ thường đặt câu hỏi về những 'bóng hồng' trong các bài hát của ông, tuy nhiên, nhạc sĩ luôn né tránh.

Ở tuổi ngoài 70, nhạc sĩ quyết định chia sẻ câu chuyện phía sau từng ca khúc dưới hình thức thư tình. Lý do, theo ông: “Bây giờ An đã hơn 70 tuổi, cho nên tập sách như quà tặng cuối đời của An gửi đến quý vị yêu nhạc”. Hơn nữa, ông cho rằng thời gian qua có nhiều lời đồn hay giai thoại về mình, có nhiều điều hay và cũng có điều không đúng, vì thế quyển sách này sẽ mang đến “sự thật về con người bình thường của An”.

Nhạc sĩ Vũ Thành An bộc bạch: “Đến năm 1965, anh đã bắt đầu con đường nghệ thuật của mình bằng bài hát Tình khúc thứ nhất, lời thơ Nguyễn Đình Toàn. Bài hát này đã được chính anh Toàn hát lần đầu tiên trong chương trình Văn học nghệ thuật của Đài phát thanh Sài Gòn, khi ấy nhạc sĩ Nhật Bằng là người đệm đàn guitar. Bài hát đã được nhiều người thích ngay từ lần đầu tiên được phát thanh qua làn sóng điện. Sau đó anh Toàn đã bàn với anh là cùng nhau làm chương trình Nhạc chủ đề và phân công trách nhiệm. Anh Toàn chịu trách nhiệm viết lời giới thiệu, còn anh đứng tên trưởng ban, có trách nhiệm mời ca sĩ, nhạc sĩ và điều hành việc thu âm chương trình cũng như làm bảng trả thù lao cho các anh em ca sĩ, nhạc sĩ tham gia. Thù lao khi đó có thể gọi là khá lớn, mỗi lần thu thanh ca sĩ và nhạc sĩ được trả như nhau là 200 đồng (lúc đó một tô phở giá 10 đồng). Ca sĩ Lệ Thu là người đầu tiên hát Tình khúc thứ nhất trên chương trình Nhạc chủ đề với phần đệm piano phóng túng của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi (lúc đó ông đang là Giám đốc Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn). Giờ nhớ lại buổi thu âm hôm ấy, anh vẫn còn cảm nhận được sự xuất thần của ca sĩ Lệ Thu khi hát bài này. Chỉ với một lần thu âm duy nhất, Lệ Thu đã xuất sắc thể hiện được chất phiêu lãng của ca khúc bằng phong cách riêng rất độc đáo”.

Trong hồi ký, nhạc sĩ Vũ Thành An có cách thủ thỉ với người tình: "Chúng ta giờ đây đã ở trên tuổi 70. Chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ rời khỏi thế gian này. Chúng ta sẽ không thể mang theo những vật chất chúng ta đã dày công tìm kiếm, xây đắp. Sẽ chỉ là tay không ra đi. Mọi sự là phù du nhưng chắc chắn tình yêu của anh và em từng là có thật. Anh cảm ơn em, mối tình si của anh. Việc chúng ta yêu nhau là có thật. Mối tình đó chúng ta sẽ mang theo cùng với những tình yêu khác, cho cha mẹ, con cái, cho anh chị em, bạn bè và đồng loại... Tất cả sẽ gộp lại trong một khối tình". Nhạc sĩ viết trong bài hát: "Đời một người dưới thế/ Ước mơ đã nhiều/ Trời cho không được mấy/ Đến khi lên trời/ Chỉ còn khối tình mang theo".

Cách mở đầu những lá thư bằng mệnh đề “Em yêu dấu” nghe có vẻ sến súa, nhưng lại phù hợp với tâm trạng trong các ca khúc của Vũ Thành An: “Em yêu dấu! Đến giữa năm 1968, anh may mắn được trở lại Đài phát thanh Sài Gòn làm việc. Bên cạnh đó, anh tiếp tục học và hoàn thành chương trình cử nhân Luật tại Luật khoa Sài Gòn. Lúc này anh đã hoàn thành bài Không tên số 2 và đang tìm ca sĩ để giới thiệu ca khúc này. Anh đã nghĩ đến nhiều người trong đó có ca sĩ Lệ Thu. Rồi bất chợt anh nhớ đến Thanh Lan. Thật ra, anh đã để ý Thanh Lan từ năm 1965 hoặc năm 1966, khoảng đó. Lần ấy, Thanh Lan hát trong một buổi trình diễn của Đoàn văn nghệ sinh viên học sinh Nguồn Sống của Nghiêm Phú Phát (em nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi) tại Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Giọng hát và phong thái trẻ trung, vui tươi của Thanh Lan đã làm sống động buổi sinh hoạt văn nghệ hôm đó. Do vậy, anh đã quyết định mời Thanh Lan thu âm lần đầu tiên và giới thiệu bài Không tên số 2 trên sóng phát thanh của Đài phát thanh Quân đội trong chương trình nhạc Vũ Thành An vào năm 1969. Bài Không tên số 2 với tiếng hát trẻ trung của Thanh Lan đã được thính giả hưởng ứng nồng nhiệt. Thế là anh mạnh dạn giới thiệu những bài Không tên kế tiếp (bài Không tên số 4, số 6...) cho đến tất cả 10 bài Không tên trong các chương trình sau đó. Vậy là anh đã hoàn tất tuyển tập Những bài Không tên - nhạc và lời Vũ Thành An, vào năm 1970. Sau đó ấn phẩm Những bài không tên đã ra mắt mọi người do Hiện Đại tổng phát hành (44/5 Công Lý - nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Sài Gòn). Anh cảm ơn tạo hóa đã ban tặng tặng phẩm quý giá cho anh. Anh cảm ơn Em đã cho anh những cảm xúc mạnh mẽ từ tình yêu chân thật để anh viết nên những bài tình ca này!”.

Điểm sáng đáng nhớ nhất trong hồi ký của nhạc sĩ Vũ Thành An là ông đã công khai vì sao Bài không tên cuối cùng có hai lời khác nhau. Mối tình của ông với tiểu thư khuê các lớn tuổi hơn đã làm trái tim ông tan nát, nhưng đã tạo chất xúc tác để ông viết Bài không tên cuối cùng.

Trong ca từ viết năm 1966, nhạc sĩ Vũ Thành An có chút cay đắng: “Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng hay sao em? Xa nhau rồi thiên đường thôi lỡ, cho thần tiên chắp cánh xót đau người tình si. Suốt con đường ai dìu lối, hãy yêu nhiều người em tôi. Xin gửi em một lời chào, một lời thương, một lời yêu lần cuối cùng…”.

Trong ca từ viết năm 1991, nhạc sĩ Vũ Thành An chuyển sang độ lượng: “Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng đấy em ơi. Nếu chúng mình có thành đôi lứa, chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau? Nếu không còn được gặp nữa, giữ cho trọn ân tình xưa. Xin gửi em lời nguyện cầu được bình yên, được bình yên về cuối đời…”.

Hai ca từ khác nhau, cho thấy cả hành trình yêu thương, giận hờn, trách móc rồi cũng được xoa dịu theo thời gian!

Bùi Đức Ánh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chuyen-tinh-khong-ten-va-nhung-yeu-dau-mo-to.aspx