Chuyện tình đẹp của chàng trai khuyết tật

Tổ ấm của chị Trương Thị Thảo (sinh năm 1983) với anh Đỗ Quang Hóa (sinh năm 1978), ngụ ấp Vịnh, xã An Cơ, huyện Châu Thành khiến nhiều người ngưỡng mộ và khâm phục. Họ đến với nhau bằng tình yêu chân thành, vượt lên mọi định kiến, quyết tâm sống hạnh phúc bên nhau.

Nhờ chịu khó lại ham học hỏi, anh Đỗ Quang Hóa có thể tự mình sửa chữa mô-tơ, quạt máy, nồi cơm điện, bàn ủi.

Nhờ chịu khó lại ham học hỏi, anh Đỗ Quang Hóa có thể tự mình sửa chữa mô-tơ, quạt máy, nồi cơm điện, bàn ủi.

Ảnh hưởng của chất độc da cam từ người cha từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, khi mới chào đời, anh Đỗ Quang Hóa không được bình thường như những đứa trẻ khác, đầu to, hai chân teo, lưng gù. Đến tuổi đi học, ba mẹ cố gắng đưa anh đến trường nhưng do sức khỏe yếu, học hết lớp 2 anh phải nghỉ học.

Nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa khỏe mạnh, có thể chạy nhảy tung tăng, anh Hóa không khỏi chạnh lòng. Với mong muốn không trở thành gánh nặng cho gia đình, năm 2000, anh xin phép ba mẹ đến học nghề sửa chữa điện cơ ở nhà bà con gần đó.

Nhờ sáng dạ, cần cù, chịu khó lại ham học hỏi, sau 2 năm học nghề, anh Hóa thành thạo công việc, có thể tự mình sửa chữa mô-tơ, quạt máy, nồi cơm điện, bàn ủi… Năm 2004, được sự giúp đỡ của gia đình, anh Hóa mở tiệm sửa chữa đồ điện, mô-tơ bơm nước tại nhà.

Nghề dạy nghề, chịu khó mày mò, nghiên cứu, tay nghề của Hóa ngày càng nâng lên, bà con trong ấp có đồ điện hư đều mang đến cho anh sửa. Sau một thời gian hoạt động, tiệm điện của anh ngày một phát triển, cuộc sống gia đình ổn định. Ngoài ra, anh Hóa còn tạo việc làm cho 2 lao động ở địa phương; dạy nghề miễn phí cho 3 người khuyết tật.

Anh Nguyễn Văn Thức, 40 tuổi, ngụ xã An Cơ cho biết: “Hai chân tôi teo tóp đi lại khó khăn, trước đây đi bán vé số nhưng nay sức khỏe yếu không đi được nữa. May mắn được anh Hóa dạy nghề miễn phí, tôi cố gắng học hỏi, nâng cao tay nghề để sau này có thể kiếm sống, phụ giúp gia đình”.

Anh Nguyễn Văn Trung, ngụ ấp Chòm Dừa, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành là người khuyết tật, sau 3 năm học nghề miễn phí tại tiệm của anh Hóa, anh Trung đã mở được một tiệm sửa chữa đồ điện tại nhà, tự nuôi sống bản thân.

Vợ chồng anh Đỗ Quang Hóa và chị Trương Thị Thảo luôn sống nhường nhịn và yêu thương nhau.

Vợ chồng anh Đỗ Quang Hóa và chị Trương Thị Thảo luôn sống nhường nhịn và yêu thương nhau.

Năm 2013, chị Trương Thị Thảo từ Hậu Giang lên chăm sóc bà ngoại bị bệnh tại khu phố 4, thị trấn Châu Thành. Chị gặp và quen anh Hóa, chị thương anh khuyết tật nhưng biết chăm chỉ làm ăn, hiền lành. Mỗi tuần hai lần, dù ngày mưa hay nắng, chị đều cố gắng sắp xếp công việc đến thăm anh Hóa.

Chị Thảo tâm sự, ban đầu, nhiều bạn bè đều khuyên chị đừng quen anh Hóa, cân nhắc để sau này không phải khổ cả đời. Ngay cả ba mẹ chị cũng đắn đo khi biết anh Hóa không may bị khuyết tật, sợ con gái phải khổ. Chị Thảo vui vẻ nói: “Yêu thì cưới, không lo nghĩ quá nhiều. Tôi chỉ muốn được ở bên anh, san sẻ và chăm sóc cho anh mỗi ngày. Và chúng tôi bỏ ngoài tai tất cả lời gièm pha, lễ cưới được tổ chức vào cuối năm 2013”.

Đầu năm 2015, anh chị chào đón cô con gái kháu khỉnh. Đến năm 2019, đứa con thứ hai chào đời, cả hai cháu đều mạnh khỏe, thông minh. Mỗi ngày, chị Trương Thị Thảo lo việc nội trợ, đưa các con đi học và giúp chồng những việc nặng nhọc ở tiệm. Tuy vất vả nhưng chị rất hạnh phúc.

Chị Thảo nói: “Sống với nhau nhiều năm, tuy không đi lại được như người bình thường nhưng anh Hóa rất có nghị lực, luôn sống tình cảm, thương yêu vợ con, không bao giờ nặng lời với gia đình dù công việc có lúc không suôn sẻ. Chỉ cần có một người chồng luôn biết yêu thương, quan tâm chăm sóc vợ con là mình thấy may mắn và hạnh phúc lắm rồi. Quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi là kết hôn cùng anh Hóa. Hai vợ chồng tôi sẽ tiếp tục cố gắng, sống hạnh phúc bên nhau, cùng nuôi dạy con cái thành người có ích cho xã hội”.

Phương Thảo - Hà Quang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chuyen-tinh-dep-cua-chang-trai-khuyet-tat-a167665.html