Chuyện thường ngày: Sáng tạo thành méo mó

Trước đây, một đài truyền hình địa phương đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi 'Tình Boléro' khá thành công.

Từ cuộc thi này đã phát hiện ra một số giọng ca trẻ hát những ca khúc Boléro. Họ vừa có thanh vừa có sắc, đã làm sống dậy những ca khúc Boléro một thời trước năm 1975, mà có giai đoạn bị gọi một cách dè bĩu là "Nhạc sến" để phân biệt với "Nhạc vàng", một cách gọi khác về "Nhạc tiền chiến". Sau đó, một số đài truyền hình khác, kể cả đài VTV cũng góp phần phổ biến các ca khúc Boléro, tạo thành phong trào, làm sống lại mạnh mẽ ca khúc Boléro.

Nhưng, rồi cũng chính đài truyền hình địa phương này, chẳng biết do ai cố vấn, tham mưu đã "Sáng tạo thành méo mó” ca khúc Boléro với một chuỗi những biến tấu, biến dạng, biến hóa ca khúc Boléro thành những kịch bản dàn dựng, dẫn chuyện cho ca sĩ diễn xuất trước khi hát ca khúc Boléro. Hầu hết cách dàn dựng kịch bản, dẫn chuyện, diễn tấu ca khúc này đều phản lại nội dung ca khúc, làm méo mó ý nghĩa, mục tiêu sáng tác ca khúc Boléro của nhạc sĩ.

Tư Văn Nghệ đã xem những kịch bản dàn dựng, diễn tấu chủ ý này của nhà đài (hay của Ban tổ chức, Công ty truyền thông mua sóng lấy quảng cáo?) đều bị dị ứng từ lối dẫn chuyện, lời lẽ câu chuyện, đối thoại và diễn xuất của diễn viên, ca sĩ... Nó lệch lạc, chệch choạc, mất tính thẩm mỹ, thậm chí hạ thấp cả ca khúc mà nhạc sĩ đã dày công sáng tác.

Sáng tạo rất cần thiết, làm mới lối mòn, thu hút sự thưởng ngoạn, nâng cao nghệ thuật là việc làm cần thiết. Nhưng phải thực sự nâng cao được giá trị nghệ thuật chứ không thể chấp nhận sự chắp vá, tùy tiện, lắp ghép vô tội vạ những tình huống theo suy nghĩ vớ vẩn của đạo diễn và ê kíp tổ chức, của nhà đài. Đó là chưa nói ca sĩ đã không hiểu gì về ca khúc Boléro, xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của ca khúc này, thậm chí hát dở, diễn xuất gượng gạo.

Đã thế, phía dưới còn có những ông, bà giám khảo gọi là "Ngồi ghế nóng quyền lực" bình luận, nhận xét rất... tào lao. Rồi có màn "giao đãi" với MC dẫn chương trình, tào lao hơn. Có giám khảo hình như được Công ty truyền thông mua sóng "bao show", nên chương trình nào, cuộc thi nào cũng đều thấy chường mặt trên ghế giám khảo, phán xét như đúng rồi, mà thật ra chẳng biết gì về Boléro, về nghệ thuật. Tất cả đều từ cảm tính và hết sức tùy tiện, xem thường khán thính giả.

Nếu đã làm sống lại những ca khúc Boléro, không làm hay hơn thì đừng làm tệ hơn, thậm chí "giết chết" ca khúc Boléro lẫn nhạc sĩ sáng tác ca khúc này một lần nữa.

Rõ là:

Sáng tạo nửa nạc nửa mỡ

Đang tình tứ lại tấu hài

Tội nghiệp cho người hâm mộ

Đến khổ vì ông nhà đài.

TƯ VĂN NGHỆ

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/sang-tao-thanh-meo-mo_150422.html