Chuyển thể "Truyện Kiều": Lợi bất cập hại?

Ở nhiều nước trên thế giới, việc một nhân vật văn học sau khi từ trang sách bước ra đời sống, đã được chuyển hóa sang các loại hình nghệ thuật khác, như tranh, tượng, ballet, sân khấu, điện ảnh… là việc hết sức bình thường. Những nhân vật như Don Quixote hiện còn được dựng tượng tại nhiều thành phố, thậm chí một con mèo trong tác phẩm "Tom Sawyer" của Mark Twain cũng được dựng tượng tại thành phố quê hương nhà văn.

Nói vậy để thấy, việc nàng Thúy Kiều sau khi xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết chương hồi "Kim Vân Kiều truyện" của tác giả Trung Quốc Thanh Tâm Tài Nhân đã được thi hào Nguyễn Du phóng tác, "nâng cấp" lên thành thơ trong "Đoạn trường tân thanh" (tức "Truyện Kiều"), rồi từ "Truyện Kiều", nàng được đưa lên sân khấu, xuất hiện trong các vở cải lương, được thể hiện trong tranh, tượng - như đã từng diễn ra - âu cũng là điều bình thường.

Tuy nhiên, sẽ là không bình thường nếu qua các loại hình nghệ thuật nói trên, nàng Kiều được "thổi" lên quá mức, được chuyển sang một dạng khác mà người đọc, người xem không còn thấy được con người "cơ bản" như họ vẫn thấy, vẫn hình dung về nàng. Việc làm đó đương nhiên là "lợi bất cập hại".

Sở dĩ tôi phải nói điều này là vì: Vào ngày 10/3 vừa qua, tại Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ đã cho ra mắt công chúng vở diễn "Nguyễn Du với Kiều" với một tình tiết gây tranh cãi trong dư luận. Đó là việc đạo diễn ở đoạn kết vở đã cho Kiều đoàn tụ cùng gia đình và khép lại vở kịch bằng hình ảnh Kiều hóa thân thành Phật Bà nghìn mắt nghìn tay. Mặc dù đạo diễn của "Nguyễn Du với Kiều" (NSND Lan Hương) giải thích rằng, sự hy sinh và đức hiếu hạnh của nàng Kiều được sánh bằng Phật Bà, song điều này không phải ai cũng dễ dàng chia sẻ.

Một khán giả (trên Báo Tuổi trẻ) cho rằng: "Ta không bàn về phẩm chất của Kiều vì ai cũng đã hiểu, nhưng đẩy Kiều lên thành một biểu tượng của đức tin thì thật bốc đồng". Một khán giả khác cho rằng việc biến Thúy Kiều thành Phật Bà Quan Âm là không hợp lý, là liên quan tới vấn đề tâm linh cần hết sức thận trọng.

Cũng trên Báo Tuổi trẻ, TS Nguyễn Thị Minh Thái phân tích: "Bản thân "Đoạn trường tân thanh" - tác phẩm mà Nguyễn Du phóng tác - không có sự kiện phong Kiều lên thành Phật Bà, huống chi sự kiện ấy không hề liên quan đến tư tưởng cơ bản trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du", từ đó, chị đưa ra nhận xét: "Tưởng thưởng cho Kiều bằng cách đưa Kiều lên thành Phật Bà Quan Âm theo cách làm mới của đạo diễn Lan Hương khi khép lại vở diễn như vậy, theo tôi, là trật lấc, không thuyết phục, mặc dù rất có thể làm sân khấu hoành tráng, lộng lẫy hơn về hình thức".

Cũng liên quan tới việc cải biên câu chuyện liên quan đến nàng Kiều, cách đây ít lâu, báo chí có đưa tin việc nhà thơ Đỗ Hoàng đã phóng tác từ cuốn "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân ra cuốn "Kiều thơ" với độ dày 400 trang in, gồm cả thảy 6.122 câu (dài gần gấp đôi cuốn truyện thơ của cụ Nguyễn Du). Tôi chưa đọc "Kiều thơ" của Đỗ Hoàng, song theo một số đoạn trích dẫn trên báo thì thấy có chỗ anh "phong tác" khá thanh thoát. Có những tình tiết anh sáng tạo thêm so với Thanh Tâm Tài Nhân. Ví như ở tích Kiều báo ân báo oán như ta đã biết, Đỗ Hoàng bỏ đi phần báo oán, chỉ giữ lại việc nàng báo ân. Và qua lời Kiều, quan điểm của nàng về việc này như sau: "Kiều rằng bay chết ai màng/ Nhưng vì ân nghĩa trần gian nặng nề/ Lần này hết thảy tha về/ Từ nay không được hành nghề bất lương". Đọc đoạn thơ này, đối chiếu với những gì Kiều đã nói, đã làm trong "Truyện Kiều" của cụ Nguyễn Du, hẳn các fan hâm mộ cụ Nguyễn sẽ có cảm giác khó chịu vì nàng Kiều của Đỗ Hoàng đã mất đi rất nhiều vẻ đáng yêu mà họ thấy ở nàng Kiều của cụ Nguyễn. Nhưng cuốn "Kiều thơ" của Đỗ Hoàng không phải là một vở diễn; những điều khiến bạn đọc không ưng cũng không lộ liễu đập ngay vào cảm giác của người xem như trường hợp nàng Kiều trong vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ. Vả chăng, Đỗ Hoàng nói anh phóng tác "Kiều thơ" trên cơ sở cuốn tiểu thuyết của một tác giả Trung Quốc sống ở thế kỷ XVI chứ có phải từ cuốn kiệt tác của cụ Nguyễn Du đâu? Cái khác nhau khiến Đỗ Hoàng tránh được búa rìu dư luận có lẽ ở đó chăng?

Trước đây, trong một bài viết, tôi từng nêu quan điểm: Vẽ được nàng Kiều (của cụ Nguyễn Du) rất khó. Theo tôi, vẻ đẹp của nàng Kiều trong tác phẩm của Nguyễn Du không chỉ toát ra từ nhan sắc mà còn toát ra từ đời sống nội tâm của nàng, biểu hiện trước nhất ở "lời ăn tiếng nói" của nàng (các cụ ta vẫn nói "nhất thanh nhì sắc" mà). Nguyễn Du không bắt Kiều phải ngồi yên như một người mẫu để ông chiêm ngưỡng, tỉa tót vẽ vời. Ông để nàng được đi, đứng và để nàng nói.

Người đọc say đắm trước những đoạn đối thoại của Kiều với Kim Trọng, với Thúc Sinh, với Hoạn Thư, với Từ Hải và với cả thân phụ. Người đàn bà có nhan sắc được đánh giá là "nghiêng nước nghiêng thành" ấy đã có những câu nói khiến người đối thoại với nàng phải nể trọng. Trong buổi ước thề, Kim Trọng tấm tắc trong dạ: "Thấy lời đoan chính dễ nghe/ Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân". Đến như quan "tổng đốc trọng thần" Hồ Tôn Hiến - người mà Nguyễn Du gọi là "mặt sắt", khi nghe nàng đàn và trả lời câu hỏi của hắn - cũng phải biến sắc mặt: "Nghe càng đắm, ngắm càng say/ Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình". Từ đó, liên hệ tới việc có nhiều tranh minh họa, mô phỏng "Truyện Kiều", thậm chí người ta còn "cụ thể" đến mức dựng tượng đất nung cho Kiều, tôi đã đi đến một nhận xét: "Bảo đấy là hình ảnh của các cô tiểu thư kiều diễm, tôi hoàn toàn nhất trí. Nhưng nói là nàng thì thú thật chưa - có - bức - nào - tôi - vừa - lòng". Có thể là tôi cực đoan chăng, nhưng theo tôi, người ta có thể chấp nhận một anh Pha, một chị Dậu, một Chí Phèo... hơn thế nữa, một Từ Hải, một Thúy Vân qua nét vẽ của ai đó chứ với nàng, với Thúy Kiều, có cái gì đó không ổn, có cái gì đó người ta phải phân vân. Chẳng lẽ nàng Kiều lại chỉ như thế này thôi sao? Rõ ràng trong trí tưởng tượng của mọi người, nàng Kiều đẹp, sinh động hơn các bức vẽ ấy rất nhiều.

Sau này tôi cũng đã đọc trên báo chí một số ý kiến đại thể chung quan điểm như vậy, rằng vẽ cho "đạt" nàng Kiều là điều không dễ.

Trong tác phẩm của mình, có tình huống Nguyễn Du đã phải thốt lên câu thơ đầy thương cảm cho nỗi khổ của Kiều: "Hóa nhi thật có nỡ lòng/ Làm chi vò tía dày hồng lắm nao". Để kết bài, tôi xin nhắc lại câu này và nhấn mạnh rằng: Lâu nay, nàng Kiều của Nguyễn Du đã trở thành một biểu tượng sống động trong lòng độc giả Việt. Thay đổi "kết cấu" của biểu tượng này, dù theo hướng nào đi chăng nữa cùng là điều cần hết sức thận trọng!

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/lyluan/2012/3/56920.cand