Chuyển thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ qua NHNN: Bước tiến lớn theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế

Lễ khai trương triển khai thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được tổ chức ngày 1/8/2017 với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ngành chứng khoán cùng nhiều thành viên thị trường.

Theo ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), đây là một bước tiến lớn theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế khi thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang năm thứ 18 mở cửa hoạt động.

Xin ông chia sẻ lý do thực hiện bước chuyển đổi thanh toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ (TPCP) từ ngân hàng thương mại sang NHNN, kể từ 1/8/2017?

Từ khi thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đi vào hoạt động đến nay, việc thanh toán tiền giao dịch chứng khoán nói chung, gồm cả trái phiếu và cổ phiếu, được thực hiện qua ngân hàng chỉ định thanh toán là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Các hoạt động thanh toán tiền và chứng khoán đã diễn ra suôn sẻ, an toàn.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN xây dựng Đề án thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHNN, trên cơ sở Đề án “Kết nối hệ thống bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia” đã xây dựng từ năm 2009 theo Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt năm 2006 - 2010 và định hướng 2020.

Theo đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VSD xây dựng đề án “Chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ ngân hàng thương mại sang NHNN” với mục tiêu phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của tiến trình hội nhập, đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán và an toàn hệ thống tài chính, nâng cao khả năng giám sát của NHNN đối với hệ thống thanh toán tiền tệ quốc gia, đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và hiệu quả điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ.

Đề án đã được Bộ Tài chính thông qua và phê duyệt tại Quyết định số 562/QĐ-BTC ngày 24/3/2016. Đến nay, sau quá trình chuẩn bị từ các bên liên quan, kể từ ngày 1/8/2017, chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP chính thức được chuyển về NHNN.

Với các thành viên thị trường, để thực thi quyết sách của Chính phủ nói trên, họ sẽ phải tuân thủ những quy định pháp lý nào, thưa ông?

Để tổ chức triển khai Đề án, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, NHNN, VSD và Sở Giao dịch NHNN đã tích cực, chủ động xây dựng dự thảo văn bản phối hợp, hướng dẫn các chủ thể tham gia thực thi quyết sách của Chính phủ.

Với các thành viên thị trường, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 46/2017/TT-BTC hướng dẫn hoạt động thanh toán giao dịch TPCP, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2017.

Phía VSD đã ban hành Quy chế hướng dẫn thanh toán giao dịch TPCP; xây dựng quy trình phối hợp nghiệp vụ, trong đó thống nhất các vấn đề về gửi, nhận và đối chiếu dữ liệu, phương án xử lý khi gặp sự cố và sai sót trong quá trình thanh toán.

Bên cạnh các văn bản pháp lý, chúng tôi đã hoàn tất việc cơ cấu lại các tổ chức tham gia hệ thống thanh toán TPCP theo cơ chế thanh toán mới.

Theo đó, các tổ chức thực hiện chuyển giao TPCP trên hệ thống tài khoản lưu ký tại VSD bao gồm thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp, Kho bạc Nhà nước và VSD; các tổ chức thanh toán tiền trực tiếp trên hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN như Sở Giao dịch NHNN, ngân hàng thành viên thanh toán, thành viên lưu ký là ngân hàng thương mại, tổ chức mở tài khoản trực tiếp là ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước.

Các công ty chứng khoán, tổ chức mở tài khoản trực tiếp không phải là ngân hàng thương mại sẽ thực hiện thanh toán tiền giao dịch TPCP qua ngân hàng thành viên thanh toán.

Như ông có nói, chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP sang NHNN là một bước tiến lớn theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Xin ông chia sẻ rõ hơn về nội dung này?

Hệ thống thanh toán tiền giao dịch TPCP theo mô hình qua một ngân hàng thương mại là tương đối phù hợp khi quy mô thị trường vừa và nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường TPCP đã phát triển lên một tầm cao mới, với quy mô niêm yết, giá trị giao dịch, giá trị thanh toán ngày càng tăng.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, quy mô niêm yết của thị trường TPCP đạt 979 nghìn tỷ đồng, tương đương 18% GDP; giao dịch bình quân phiên đạt 7.700 tỷ đồng, gấp 21 lần năm 2009; giá trị thanh toán đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 586% so với năm 2010.

Thực tế trên đòi hỏi phải đổi mới mô hình thanh toán tiền giao dịch TPCP, phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của tiến trình hội nhập. Bản thân VSD trong các cuộc tham vấn ý kiến chuyên gia và tổ chức đầu tư chuyên nghiệp cũng nhận được những góp ý về việc cần chuyển chức năng thanh toán giao dịch TPCP về NHNN, vì để ở mô hình ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng thương mại cổ phần, sẽ khó có khả năng đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn cho hệ thống, xét ở khía cạnh khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh do giao dịch TPCP thường được thực hiện với giá trị rất cao.

Với mô hình mới, ngân hàng quyết toán tiền giao dịch TPCP là NHNN, vì chỉ có NHNN, với tiềm lực tài chính và các cơ chế cho vay bù đắp thiếu hụt thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, mới có thể giải quyết được các vấn đề này. Quyết sách mới có hiệu lực từ 1/8/2017 sẽ tăng sự an toàn, thông suốt trong việc thanh toán các giao dịch TPCP.

Tường Vi thực hiện.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/chuyen-thanh-toan-tien-giao-dich-trai-phieu-chinh-phu-qua-nhnn-buoc-tien-lon-theo-thong-le-va-chuan-muc-quoc-te-196049.html