Chuyến thăm ý nghĩa ngay cả khi không có thỏa thuận đột phá

Theo các nhà phân tích, thước đo thành công cho chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken không phải là liệu có tạo ra các thỏa thuận đột phá hay không bởi bản thân chuyến thăm đã là một thành công. Việc hai bên gặp gỡ ở cấp độ cao là dấu hiệu cho thấy xu hướng tiêu cực nguy hiểm trong mối quan hệ của họ ít nhất cũng có cơ hội điều chỉnh.

“Ném đá dò đường”

Ông Blinken đặt chân tới Bắc Kinh trưa ngày 18.6, trở thành quan chức cấp Chính phủ đầu tiên của Mỹ thăm Trung Quốc kể từ năm 2019, cũng là Ngoại trưởng đầu tiên kể từ năm 2018 và là quan chức cấp cao nhất của Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1.2021.

Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp Vương Nghị trong cuộc gặp năm 2022. Ảnh: Reuters

Sau nhiều tháng căng thẳng song phương, nhất là kể từ sự cố như Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua lãnh thổ Mỹ hồi tháng 2 - từng gây ra trở ngại nghiêm trọng đối với mối quan hệ song phương và làm hỏng chuyến công du Bắc Kinh dự kiến vào cuối tháng 2 của Ngoại trưởng Blinken, các nhà phân tích lập luận rằng chuyến đi của đặc phái viên hàng đầu của Washington quan trọng ở chỗ, đây là thử nghiệm cho bước đi tiếp theo trong tương lai của mối quan hệ và có ý nghĩa là sự khởi đầu quan trọng cho bất kỳ cuộc thảo luận quan trọng nào sẽ diễn ra. Các cuộc gặp của Blinken, dù không đạt được các thỏa thuận lớn, vẫn có thể bắt đầu cho một chặng đường dài nhằm kéo mối quan hệ song phương khỏi bờ vực thẳm. Bất kỳ kết quả hữu hình nào cũng sẽ rất tinh tế, nhưng có thể có tác động lan tỏa thông qua các chính phủ và cả các doanh nghiệp.

Ông Ryan Haas, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết: “Chuyến đi là bước đầu tiên trong quá trình thăm dò để xác định xem liệu có đủ ý định chung để cố gắng điều chỉnh quỹ đạo của mối quan hệ hay không”.

Michael O'Hanlon, cũng từ Brookings, cho biết chuyến thăm của ông Blinken mang đến cho ông cơ hội tái khẳng định các nguyên tắc cốt lõi của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và "thậm chí có thể làm tốt hơn một chút" khi đưa ra những cử chỉ kết nối ngoại giao mềm mại hơn so với những gì chính quyền Mỹ nói chung đã làm, ông O' Hanlon nói thêm.

Chuyến đi cũng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho các quan chức hàng đầu khác của Mỹ muốn đến Trung Quốc, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

Các chuyên gia dự đoán rằng ông Blinken, theo thông lệ, sẽ có một buổi hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một phần lý do khiến Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Blinken là vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn các nhân vật ngoại giao của họ có quyền tiếp cận tương tự khi họ đến thăm Mỹ, chuyên gia Haas lưu ý.

Hơn nữa, nếu hai người không gặp nhau, điều đó sẽ gửi đi một thông điệp rằng có điều gì đó không ổn, theo Patricia Kim, một thành viên khác của Brookings. “Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ dành thời gian cho Bill Gates mà không dành thời gian cho nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, điều đó sẽ rất đáng chú ý và sẽ gửi đi một thông điệp tiêu cực”, cô nói, đề cập đến cuộc gặp của nhà lãnh đạo Trung Quốc với nhà đồng sáng lập Microsoft đồng thời là vị tỷ phú từ thiện vừa ở thăm Bắc Kinh vào ngày 16.6.

Chuyến công du Trung Quốc của Ngoại trưởng Blinken lần này cũng được coi là mở đầu cho các cuộc họp toàn cầu lớn như Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại San Francisco vào tháng 11 và Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tại Ấn Độ.

Sự kiện này cuối cùng cũng diễn ra sau nhiều cuộc gặp được tổ chức giữa các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cuộc gặp vào tháng 2 của ông với ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Munich, và cuộc gặp vào tháng 5 của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan với ông Vương ở Vienna. Cũng trong tháng 5, Đại diện Thương mại Mỹ Kinda Tai đã gặp Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào vào tháng trước tại Mỹ. Ngoài ra, William Burns, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ và Daniel Kritenbrink, Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cả hai đều vừa trở về sau chuyến thăm Trung Quốc.

Đối thoại đã là một thành công

Các chuyên gia cho rằng khả năng đạt được tiến bộ ngoại giao là rất hạn chế. Bởi kể từ sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập tại G20 ở Bali tháng 11 năm ngoái, hai bên đã tìm thấy rất ít điểm chung. Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã từ chối cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Chuyên gia Kurt Campbell, cố vấn đặc biệt của Biden về các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhận định rằng, ông biết Blinken có ba mục tiêu cho chuyến đi: thiết lập các kênh liên lạc để thảo luận về “những thách thức quan trọng, giải quyết những nhận thức sai lầm và ngăn chặn tính toán sai lầm”; lên tiếng trước những lo ngại của Mỹ về một loạt vấn đề; và khám phá tiềm năng hợp tác để đối phó với những thách thức xuyên quốc gia, bao gồm cả cách tăng cường trao đổi con người.

Trong vài tháng qua, chính quyền Biden đã bày tỏ sự cởi mở trong việc tái can dự với Trung Quốc, nhưng lại vấp phải sự lạnh nhạt của họ. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gần đây đã tuyên bố trước Quốc hội rằng “tách rời khỏi Trung Quóc sẽ là một sai lầm lớn” và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La gần đây ở Singapore rằng “xung đột không phải sắp xảy ra, cũng không phải là không thể tránh khỏi”. Chính quyền Biden sẽ gặp rủi ro chính trị nếu họ tỏ ra quá mềm mỏng với Trung Quốc nhưng lại không có được dấu hiệu rõ ràng nào đáp lại.

Đối với các quan chức Bắc Kinh, chuyến thăm của Blinken là một khía cạnh trong “chiến lược tấn công quyến rũ” của họ và cũng rất có lợi cho họ “ngay cả khi không có tiến triển cụ thể nào”, theo David Dollar, một thành viên cấp cao khác của Brookings.

Trên thực tế, Trung Quốc rất cần cải thiện quan hệ với các giám đốc điều hành doanh nghiệp phương Tây trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đang giảm và chứng khoán Trung Quốc đang gặp khó khăn. Vì vậy theo ông Dollar, chuyến đi có thể cho châu Âu và các đồng minh của Trung Quốc ở Mỹ thấy rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Washington để “ngăn chặn vòng xoáy đi xuống” của kinh tế.

Trên hết là thái độ hoài nghi của các tổ chức tài chính quốc tế lớn, một số trong đó đã hỗ trợ Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Các công ty này hiện đang rút khỏi các đợt chào bán cổ phiếu công khai lần đầu và nhận thấy Trung Quốc hiện đã trở thành một môi trường khó hoạt động. Ngay cả những nhà đầu tư tỷ phú từng là tỷ phú như Ray Dalio, một nhà đầu cơ giá lên lâu năm của Trung Quốc, đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Forbes Iconoclast ở New York tuần này rằng ông nghĩ rằng Mỹ và Trung Quốc đang hướng tới xung đột.

Bên cạnh đó, số lượng sinh viên Mỹ học tập tại Trung Quốc cũng đã giảm nhanh chóng xuống còn khoảng 350 trong năm học gần đây nhất. Đại dịch Covid-19 có thể là nguyên nhân ban đầu, nhưng sau đó những sinh viên này cũng không quay trở lại Mỹ. Con số này là quá nhỏ so với gần 300.000 sinh viên theo học tại Mỹ trong năm 2021 - 2022, bất chấp căng thẳng song phương.

Nếu Bắc Kinh cho thấy một số động lực tích cực trong các mối quan hệ, thì điều đó càng tốt cho nền kinh tế, đầu tư và giao lưu giữa người dân và người dân. Washington cũng đạt được lợi ích khi tiếp tục thể hiện sự cởi mở đối với đối thoại, điều này báo hiệu cho các đồng minh và các quốc gia không liên kết rằng chính sách đối ngoại có mang lại nhiều sắc thái hơn bất kỳ chính sách cứng rắn nào đe dọa gây ra xung đột.

Tất nhiên, không có gì bảo đảm rằng những cuộc họp này sẽ dẫn đến điều gì đó to tát. Và cũng không ai ngây thơ tin rằng chuyến thăm sẽ giúp đảo ngược lập trường của Hoa Kỳ về sở hữu trí tuệ, chất bán dẫn, Biển Đông hay Đài Loan, nhưng điều đó không quan trọng. Bởi đối thoại đã là cơ hội tốt nhất để nhiều điều có ý nghĩa hơn sẽ xảy ra.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chuyen-tham-y-nghia-ngay-ca-khi-khong-co-thoa-thuan-dot-pha-i333053/