Chuyến tàu hồi hương 'đặc biệt'

Đúng 6 giờ 30 phút sáng hôm nay, ngày 5/10, đoàn tàu chuyên biệt mang số hiệu SE 12 chở 603 công dân của tỉnh Ninh Bình đã về tới ga an toàn. Tại đây, mọi công tác đón, lấy mẫu test nhanh, phân luồng và đưa công dân đi cách ly tập trung được thực hiện nhịp nhàng, khẩn trương. Nhiều công dân không giấu được niềm xúc động khi đã được trở về quê hương sau nhiều tháng mong mỏi, đợi chờ.

Những người dân Ninh Bình xa quê nay đã được trở về quê hương an toàn.

Dẫu chỉ nhìn thấy nhau qua ô cửa kính của toa tàu, trò chuyện với nhau bằng điện thoại song chúng tôi vẫn cảm nhận rõ niềm hạnh phúc của những công dân khi được Đoàn công tác của tỉnh đón trở về quê nhà.

Bà Quách Thị Thao, 58 tuổi và chồng là ông Quách Văn Tân ở xã Thạch Bình (huyện Nho Quan). Cả hai ông bà vào thành phố Hồ Chí Minh để bế cháu giúp cho con trai từ tháng 7 năm ngoái. Theo kế hoạch, ông bà Tân sẽ đưa đứa cháu lớn trở về quê từ tháng 6/2021 để chuẩn bị cho năm học mới.

Nhưng dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ông Tân, bà Thao đành phải ở lại mà không biết tới ngày nào mới được trở về quê hương. Sốt ruột hơn nữa, đứa cháu lớn của ông bà Tân năm nay bước vào lớp 1 nhưng vẫn chưa một ngày được tới trường.

Trong khi đó, "Cả hai vợ chồng con trai tôi đều làm công nhân. Các con ở lại công ty từ hơn 3 tháng nay để thực hiện quy định làm việc "3 tại chỗ". Đứa cháu nhỏ chưa tròn tuổi phải cai sữa mẹ từ đó. Tôi phải thay con dâu chăm sóc đứa cháu nhỏ, còn ông nhà tôi chăm sóc và tranh thủ dạy chữ cho đứa lớn. Chúng tôi chỉ khát khao sớm được trở về quê vì quá mệt mỏi, lo lắng rồi. Chúng tôi đều đã cao tuổi, lại có bệnh lý về tim mạch, huyết áp. " - bà Thao kể.

Giờ thì ước mong được trở về quê đã hiện hữu mà bà Thao bảo bà vẫn ngỡ là một giấc mơ. Chứng kiến các lực lượng chức năng đã nỗ lực hết sức để hỗ trợ bà con, bà Thao xúc động lắm. Hành trình hàng nghìn cây số, lại thêm việc chăm sóc cho hai đứa trẻ bà Thao không còn thấy mệt mỏi nữa.

Bà Thao xúc động nói rằng, dẫu không được gặp người thân, nhưng có lãnh đạo, có đại diện các ngành chức năng hỗ trợ bà thấy thật ấm lòng. Ông bà và hai đứa nhỏ sẽ đi cách ly theo quy định. Hết thời gian cách ly, bà sẽ về Thạch Bình. Việc đầu tiên bà làm, đó là đưa đứa cháu lớn đến trường để bắt đầu cho năm học đầu tiên của bậc tiểu học. Mắt bà Thao ánh lên niềm vui, niềm hi vọng.

Niềm vui trở về quê hương của người mẹ trẻ.

Chị Phạm Thị Sen đang mang thai tháng thứ 7. Cạnh Sen là hai đứa con nhỏ, trong đó đứa lớn nhất mới học lớp 2. Ba mẹ con chị Sen đã được trở về quê, thỏa lòng ước mong bấy lâu nay. Dẫu đã bỏ lại phía sau những tháng ngày vất vả, lo lắng nhưng với Sen vẫn còn canh cánh nỗi lo cho người chồng bị tai nạn lao động đang phải ở lại công ty từ hơn 3 tháng nay.

Chị Sen cho biết, hai vợ chồng chị vào Đồng Nai làm việc được gần 7 năm, nhưng cuộc sống chưa khi nào dư dả. Từ khi có bầu đứa thứ 3, chị Sen ở nhà chăm hai đứa con nhỏ. Cả nhà sống nhờ vào đồng lương 7 triệu đồng mỗi tháng của anh Phước. Số tiền ấy gánh đủ mọi khoản chi tiêu trong tháng, thành ra con đường về quê đối với gia đình chị luôn xa vời vợi. Nhiều năm rồi, cả gia đình chị không dám về quê vì sợ chi phí đi lại lớn. Khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại Đồng Nai, khát khao được trở về quê hương, chị Sen chỉ dám gửi vào giấc mơ.

Nhưng giờ thì cũng như bà Thao, chị Sen đã được đứng ở đây, ngay tại quê hương mình. Nói về tương lai sắp tới của ba mẹ con, chị Sen bảo rằng dù chồng chị không về cùng được 3 mẹ con trong chuyến này nhưng đợi khi tình hình dịch bệnh tạm ổn, chồng chị cũng sẽ trở về quê đoàn tụ với vợ con. Vợ chồng chị Sen đã bàn bạc kỹ rồi, lần này về quê sẽ xin việc làm và ổn định cuộc sống ở ngay tại quê hương mình. Dẫu sẽ còn nhiều lắm những khó khăn ở phía trước, nhưng nghĩa tình quê hương, sự giúp đỡ của gia đình, xóm làng, chị Sen tin gia đình mình sẽ nhanh chóng thích nghi và gây dựng được một tương lai tốt hơn.

"Trên suốt chặng đường về, chúng tôi được chăm lo chu đáo từng bữa ăn, được hướng dẫn thực hiện các quy định bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người… Đây sẽ là chuyến tàu ý nghĩa nhất trong cuộc đời của tôi. Chuyến tàu 0 đồng và kỳ diệu như một câu chuyện cổ tích đã đón chúng tôi trở về quê hương ở đúng vào thời điểm cuộc sống gặp khốn khó nhất vì dịch COVID-19. Những tình cảm, sự quan tâm, cưu mang ấy của tỉnh Ninh Bình đã làm ấm lòng người dân xa quê như chúng tôi"-chị Sen xúc động nói rồi vội vã theo đoàn công dân đi thực hiện cách ly.

Các nhân viên y tế có mặt từ rất sớm để lấy mẫu xét nghiệm các công dân trên tàu.

Công dân cuối cùng rời đi, ấy mới là lúc các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thở phào nhẹ nhõm. Chị Phạm Thị Hoàng Huế, nhân viên Khoa xét nghiệm, Trung tâm CDC tỉnh và đồng nghiệp có mặt Ga Ninh Bình từ 4 giờ sáng để chuẩn bị làm nhiệm vụ đón 603 công dân Ninh Bình trở về từ vùng dịch. Cường độ làm việc khá cao mà chị Huế chỉ thấy vui và xúc động trong suốt quá trình làm nhiệm vụ đặc biệt này.

Chị Huế kể rằng, từ đầu năm 2021 tới nay, việc dậy sớm và đi làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm đã trở thành công việc khá quen thuộc đối với Huế, trong đó, có những đợt tham gia xét nghiệm lên tới hàng ngàn người trở về từ nước ngoài.

Nhưng hôm nay, đối tượng xét nghiệm của chị Huế đa dạng hơn. Đó là những công dân của tỉnh, gồm cả người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ em... "có những cháu bé mới chỉ vài tháng tuổi đã phải làm xét nghiệm, hoặc người già bị bệnh nền dẫu họ đã trải qua các lần xét nghiệm xong tâm lý vẫn khá lo lắng, căng thẳng khi được lấy mẫu xét nghiệm. Vì vậy, tôi đã phát huy tối đa kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp để lấy mẫu nhanh chóng, chính xác nhưng nhẹ nhàng để tạo cảm giác an tâm cho những công dân đặc biệt này"- chị Huế nói.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, tập trung và tỉ mỉ , chị Huế và trên 50 cán bộ, y, bác sĩ đã góp phần cùng với các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại buổi đón công dân lần này.

Các lực lượng triển khai công tác đón công dân xuống tàu.

Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội- đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì công tác đón công dân đợt này cho biết, để việc đón công dân đảm bảo an toàn, tỉnh ta đã huy động khoảng gần 100 nhân lực đến từ các đơn vị như Y tế, Công an, Quân đội, Sở Giao thông vận tải…tham gia làm nhiệm vụ tại ga Ninh Bình. Đến lúc này, có thể khẳng định việc đón 603 công dân trở về từ vùng dịch đã đảm bảo đúng quy trình, quy định và theo đúng kế hoạch, kịch bản đề ra.

Để những công dân trở về này sớm ổn định cuộc sống, sau khi hoàn thành cách ly theo quy định, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát nhu cầu về học nghề, việc làm của công dân. Nếu công dân có mong muốn làm việc và sinh sống tại quê hương thì ngành sẽ tham mưu với UBND tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Đón công dân đến các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.

Ngành cũng tiếp tục phát huy hiệu quả của Trung tâm Dịch vụ việc làm, từ đó tăng cường kết nối cung- cầu lao động, tư vấn học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp để cho người lao động sớm quay trở lại thị trường.

Đồng thời, đưa các cơ hội việc làm đến với người lao động có chuyên môn, có tay nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…phấn đấu để mỗi công dân trở về đều có một cơ hội mưu sinh mới - nếu có nhu cầu.

Sau khi hoàn thành thời gian cách ly theo quy định, những công dân này sẽ có cơ hội làm việc tại quê hương nếu có nhu cầu.

Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-tau-hoi-huong-dac-biet-/d20211005135856143.htm