Chuyên sâu, toàn diện và hiệu quả

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thời gian qua, nghề công tác xã hội đã rất phát triển tại Việt Nam và trở thành một bộ phận không thể thiếu tại các cơ sở y tế; nghề công tác xã hội đã phát huy hiệu quả theo hướng chuyên nghiệp hóa ở nhiều khía cạnh cả về nguồn nhân lực, đào tạo, tập huấn và kết quả triển khai hoạt động.

Gia tăng sự hài lòng của người bệnh

Là bệnh viện đầu ngành của khu vực phía Nam, có số lượng lớn bệnh nhân nội trú và ngoại trú, Bệnh viện Chợ Rẫy rất chú trọng tới hoạt động công tác xã hội. Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ khi thành lập đến nay, phòng đã triển khai 6/6 hoạt động công tác xã hội theo Thông tư 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện.

Nhiệm vụ công tác xã hội tại bệnh viện giúp gia tăng sự hài lòng của người bệnh. Nguồn: ITN

Những hoạt động nổi bật mà phòng công tác xã hội bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện bao gồm: giúp đỡ viện phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; hướng dẫn khám chữa bệnh, cấp cứu; bảo vệ quyền lợi người bệnh; tư vấn về BHYT; chương trình phẫu thuật tim trẻ em; triển khai thùng thu gom giấy tờ thất lạc; bếp yêu thương với hàng nghìn suất ăn miễn phí mỗi ngày cho người nhà bệnh nhân; tặng quà cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn dịp Lễ, Tết; cung cấp dịch vụ lưu trú tại Nhà nghỉ cho người nhà bệnh nhân; đồng hành cùng bệnh nhân ung thư…

Thượng tá Nguyễn Tuấn Quận, Phó Trưởng Ban Công tác xã hội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhấn mạnh, bên cạnh việc bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ quá trình khám, điều trị thông thường, Ban đã chủ động, sáng tạo, kịp thời phối hợp với các đơn vị triển khai toàn diện các hoạt động; nhiều hoạt động chuyên sâu có ý nghĩa thực tiễn cao và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế. Trong năm 2022, Ban Công tác xã hội đã phối hợp cùng các khoa lâm sàng tổ chức được hơn 40 chương trình giáo dục sức khỏe với hơn 35 chủ đề và trên 25 khoa lâm sàng tham gia.

Bên cạnh mong muốn cung cấp thông tin hỗ trợ quá trình điều trị cho người bệnh, Ban Công tác xã hội (Bệnh viện 108) cũng đưa các hoạt động nâng đỡ tâm lý với nhiều hình thức, phương pháp giàu ý nghĩa tinh thần vào từng hoạt động giáo dục sức khỏe. Mỗi cán bộ nhân viên Ban Công tác xã hội đã gửi gắm những thông điệp “yêu thương” thông qua hoạt động “Gửi lời yêu thương - món quà tình thân” hay “Điều ước kết nối yêu thương”; kết nối nhà hảo tâm dành tặng phần quà động viên tới người bệnh… Chương trình không chỉ truyền tải sự động viên của cán bộ, nhân viên Bệnh viện dành tới người bệnh, người nhà người bệnh mà chính những “gương” người bệnh đã vượt qua khó khăn chia sẻ và truyền cảm hứng cho người bệnh khác.

Sửa đổi phù hợp với tình hình mới

Theo các chuyên gia, hiện nay, tất cả các bệnh viện thuộc các tuyến (tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến quận/huyện) triển khai các hoạt động công tác xã hội dựa trên Thông tư 43/2015/TT-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, chỉ có 3/6 hoạt động được các bệnh viện thực hiện nhiều nhất là hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh; thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động tiếp nhận tài trợ.

Trên thực tế, hoạt động công tác xã hội tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh có khó khăn khi đến khám, chữa bệnh như chỉ dẫn, đón tiếp, hướng dẫn hỗ trợ các thủ tục hành chính; chỉ có một số ít các bệnh viện tuyến trung ương có thực hiện hỗ trợ về tâm lý, can thiệp công tác xã hội cho người bệnh. Mặt khác, bệnh viện ở các vùng nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn hơn trong việc triển khai các hoạt động này so với các bệnh viện ở các vùng thành thị.

Do đó, để hoạt động công tác xã hội trong y tế trở thành một hoạt động chuyên nghiệp, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý trong tổ chức triển khai thực hiện cần được quan tâm, chú trọng. Cục trưởng Cục khám, chữa bệnh PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ, với tiêu chí “lấy người bệnh làm trọng tâm” của ngành y tế, bất cứ hoạt động gì trong bệnh viện cũng cần có cơ chế, quy định rõ ràng. Thông tư 43/2015/TT-BYT đã phần nào giúp các đơn vị triển khai thuận lợi; đến nay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, Thông tư 43 cũng cần khảo sát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đề nghị, nên bổ sung quy định về chuẩn năng lực của nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện (vai trò và vị trí công việc cụ thể, bằng cấp, chứng chỉ, số giờ thực hành/năm, số giờ đào tạo CME/năm,…); nhân viên công tác xã hội cần có chứng chỉ hành nghề; đánh giá can thiệp tâm lý xã hội cần được đưa vào hồ sơ bệnh án của người bệnh; đưa đánh giá, can thiệp tâm lý xã hội vào tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện…

Đại diện Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị, nhân viên công tác xã hội cần được tập huấn nâng cao năng lực về biện hộ, vận dụng có hiệu quả chính sách vào thực tế tại bệnh viện; tiếp thu, học tập mô hình giúp đỡ người bệnh hay tham quan, học tập, hợp tác quốc tế với các bệnh viện trong khu vực. Thông qua việc tập huấn, đào tạo liên tục các kỹ năng cho nhân viên, công tác xã hội trong bệnh viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và có những hoạt động giúp đỡ người yếu thế…

Nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện bảo đảm được tính chuyên sâu, toàn diện và hiệu quả, tại các cơ sở khám, chữa bệnh cần ban hành kế hoạch về tầm nhìn và chiến lược phát triển hoạt động công tác xã hội theo từng giai đoạn, có các hoạt động hướng tới sự gắn kết giữa cơ sở y tế với mạng lưới công tác xã hội tại cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa nhằm tăng tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số được tư vấn, hỗ trợ về công tác xã hội…

Đỗ Quyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/chuyen-sau-toan-dien-va-hieu-qua-i332422/