Chuyện rồng và đế vương nước Việt

'99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt' cung cấp cho bạn đọc những mẩu chuyện lý thú về rồng - con vật huyền thoại gắn với các 'bậc chí tôn thiên hạ' trong lịch sử nước nhà.

Tranh "Rồng bay vào mộng" của Duy Hồ nói về chuyện Lý Công Uẩn nằm mơ thấy có một con rồng bay lên từ chỗ xoáy nước. Từ giấc mơ này ông đã đặt thành Đại La là thành Thăng Long. Nguồn: Vietnam Local Artist Group.

Rồng tượng trưng cho sự cao quý, sức mạnh và quyền uy, do đó hình ảnh con rồng đã được các triều đại Việt Nam từ thời khai quốc cho đến thời Nguyễn chọn làm biểu tượng của quyền lực tối cao trong thiên hạ: đế vương. Có rất nhiều yếu tố gắn với bậc đế vương đều thêm chữ “long” (rồng): “long nhan”, diện mạo của vua, “long sàng”, giường của vua, “long xa”, xe của vua, “long thể”, cơ thể của vua…

Cuốn 99 giai thoại về rồng và Đế vương nước Việt tập hợp những câu chuyện thú vị về loài vật linh thiêng này gắn với những bậc chí tôn của thiên hạ mà lịch sử và văn hóa dân gian lưu truyền nhiều đời nay.

Tác giả Lê Thái Dũng có những chia sẻ về quá trình biên soạn cũng như những điều cốt lõi của cuốn sách này.

Biểu tượng cho sự cao quý, điềm lành và thịnh vượng

- Qua quá trình tìm hiểu để thực hiện cuốn sách, ông nhận thấy con rồng có vị trí như thế nào trong đời sống người dân Việt?

- Trước tiên, chúng ta đều thấy rằng trong 12 con giáp thì con rồng là loài không có thật, nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, đặc điểm của nhiều loài khác nhau mà thành.

Sách 99 giai thoại về Rồng và Đế vương nước Việt. Ảnh: MC.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng rồng là sự hình tượng hóa có tính huyền thoại cao hơn của loài rắn; quan điểm khác thì coi gốc của rồng mà cụ thể hơn là con rồng ở nước ta vốn là loài cá sấu, một loài vật mà trong các thư tịch cổ của phương Bắc gọi là “giao long” mà người ta giải thích rằng “giao” tức là Giao Chỉ, “long” là con rồng. “Giao long” là con rồng ở đất Giao Chỉ…

Dù nguồn gốc, xuất xứ ban đầu của rồng như thế nào, nhưng hình tượng rồng từ lâu đời đã đi vào đời sống văn hóa Việt một cách sâu rộng. Con rồng không chỉ đại diện hay được coi là biểu tượng của quyền uy, của vua chúa mà rồng trong đời sống văn hóa dân gian mang nhiều ý nghĩa khác.

Người Việt từ bao đời nay tự nhận mình là “con Rồng, cháu Tiên” gắn với truyền thuyết Cha Lạc Long Quân lấy mẹ Âu Cơ rồi người mẹ ấy sinh ra 100 trứng, nở ra 100 con, là tổ tiên của cộng đồng người Việt.

Chứa đựng trong truyền thuyết này có nhiều thông điệp gửi gắm, trong đó có một ý nghĩa nhắc nhớ rằng dân tộc ta là dân tộc xuất phát từ nguồn gốc cao quý, phải lấy đó làm niềm tự hào để đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau, cùng nhau dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước.

- Cụ thể, rồng hiện diện trong đời sống tinh thần của người Việt ra sao?

- Với văn hóa Việt, con rồng hiện diện ở khắp nơi, từ những câu ca dao, tục ngữ cho đến hình ảnh trên mái đình, ngôi đền; trên những bức chạm khắc đá, gỗ; trong các tiết mục múa ngày hội… mà đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp, có thể nhìn thấy.

Là một quốc gia xuất phát từ nền văn minh lúa nước nên yếu tố nước trong văn hóa Việt đặc biệt quan trọng, mà rồng lại được coi là loài vật linh thiêng có thể phun nước làm mưa giúp chống hạn hán, cho mùa màng tươi tốt, cây cối sinh trưởng…

Từ đó rồng không chỉ biểu tượng cho sự cao quý mà còn là biểu tượng của điềm lành, sự may mắn, tốt đẹp, thịnh vượng và sự sống, sự phát triển vươn lên.

Một phương diện biểu tượng cho các bậc đế vương

- Có rất nhiều đề tài khi viết về rồng, nhưng tại sao ông lại chọn viết về giai thoại rồng gắn với các bậc đế vương nước Việt?

- Chính vì rồng có vị trí quan trọng cũng như hiện diện phổ biến trong hầu hết mọi góc độ, mọi yếu tố của văn hóa dân tộc nên khi viết một cuốn sách về loài vật linh thiêng này, lựa chọn đề tài nào để thực hiện là một sự cân nhắc để tránh trùng lặp, nhắc lại những điều mà các nhà nghiên cứu trước đó đã giới thiệu, đề cập đến.

Dù rồng ở một phương diện biểu tượng cho các bậc đế vương nhưng tôi nhận thấy rằng những huyền tích, giai thoại của đế vương nước Việt gắn với rồng lại rất ít được nhắc đến trong chính sử, hay các thư tịch địa phương chí.

Lẽ ra đế vương và rồng gắn với nhau qua nhiều câu chuyện nhưng hóa ra nó lại không nhiều và đa dạng bằng những câu chuyện kể trong gian dân ở khắp mọi miền đất nước.

- Ông có thể chia sẻ những khó khăn và thuận lợi khi triển khai thực hiện cuốn sách này?

- Khó khăn lớn nhất khi triển khai cuốn sách chính là khi tôi nhận ra rằng những chuyện về rồng và đế vương nước Việt hoàn toàn không nhiều và dễ dàng tìm kiếm tư liệu như ban đầu mình nghĩ.

Nhưng thuận lợi là với những thông tin tôi từng đọc qua, những di tích, địa danh mình từng tới đã phần nào khắc phục khó khăn ấy. Bên cạnh đó tôi có nguồn tư liệu khá đa dạng và nhiều nên việc cần thiết là phải dành nhiều thời gian để “đãi cát tìm vàng” sau đó xem lại và hệ thống các thông tin, dữ liệu ấy theo một trình tự xuyên suốt và mạch lạc.

Tác giả Lê Thái Dũng. Ảnh: NVCC.

- Khi tìm hiểu các giai thoại về rồng gắn với các bậc đế vương nước Việt, ông hay bắt gặp những môtip nào?

- Yếu tố dân gian thể hiện rõ ở tính vùng miền, do đó có thể cùng là về một nhân vật hay một câu chuyện, nhưng ở mỗi nơi cách diễn đạt lại khác nhau, góc nhìn khác nhau.

Tuy nhiên trong khi thực hiện cuốn sách này tôi thấy có môtip phổ biến, đó là nằm mộng thấy rồng rồi sinh hạ được người con quý tử, có tài đức, sức mạnh khác thườngsau đó trưởng thành ra giúp nước, đó là những vị thần long theo lệnh của Thượng đế giáng trần để phù giúp chống giặc, chống hạn…

- Trong cuốn sách ông đã kể các giai thoại về rồng gắn với các vị vua nước Việt, trải dài từ thời Kinh Dương Vương nước Xích Quỷ (huyền sử) đến thời vua Bảo Đại của triều Nguyễn. Giai thoại nào để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất?

- Giai thoại đã là những câu chuyện hay rồi, tuy nhiên nội dung này, nội dung khác của từng câu chuyện hay, hấp dẫn, cuốn hút đến đâu lại tùy thuộc vào mỗi bạn đọc.

Về cá nhân tôi, dưới góc nhìn của một người giới thiệu các giai thoại, tôi ấn tượng với giai thoại về Triệu Việt Vương nhờ chiếc mũ có cài móng rồng được vị tiên Chử Đồng Tử ban cho mà từ đó có sức mạnh, quy tụ được nhân tài, hợp sức đánh đuổi được giặc ngoại xâm.

Nhưng cũng vì quá ỷ lại vào sự “thần kỳ” của chiếc mũ cài móng rồng mà nhà vua mất cảnh giác, không nghe lời khuyên của trung thần, cuối cùng dẫn đến kết cục cơ đồ cũng “đắm biển sâu”.

Câu chuyện này cho thấy, nếu không ngừng nỗ lực cố gắng mà chỉ trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm thì không những không đạt được thành công mà còn nhận kết quả xấu mà không ai mong đợi nó đến.

- Sau khi thực hiện xong cuốn sách, còn điều gì ông muốn làm rõ hơn hoặc bổ sung ở những lần tái bản sau?

Việc thực hiện cuốn sách này vì diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, khá gấp gáp nên tôi chưa có thêm thời gian để bổ sung nhiều câu chuyện, giai thoại lý thú khác về rồng và các vị đế vương. Vì thế nên việc vẽ minh họa cho nội dung từng giai thoại chưa thực hiện được, nếu không cuốn sách sẽ không chỉ hấp dẫn về nội dung mà còn đẹp cả về hình ảnh.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-rong-va-de-vuong-nuoc-viet-post1457436.html